Ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Cuộc sống số - Ngày đăng : 16:45, 03/03/2022

Ngày 3/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định ban hành Quy chế quy định về nguyên tắc, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc và quan hệ công tác của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Đề cao trách nhiệm cá nhân của các thành viên Ủy ban

Quyết định 24 ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số có hiệu lực từ ngày 3/3 và thay thế Quyết định 414 ngày 21/10/2020 của Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử. Quy chế mới được với các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác giúp việc Ủy ban.

Theo Quy chế, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số làm việc theo nguyên tắc dân chủ, công khai và do Chủ tịch Ủy ban quyết định. Ủy ban và thành viên Ủy ban, Tổ công tác và thành viên Tổ công tác không làm thay chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong hệ thống hành chính nhà nước.

Đề cao trách nhiệm cá nhân của các thành viên Ủy ban trong hoạt động của Ủy ban và trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công; giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm được phân công, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và quy định của Quy chế này.

Ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ủy ban vào ngày 30/11/2021 (Ảnh: Phạm Hải)

Các thành viên Ủy ban chủ động giải quyết công việc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.

Đồng thời, bảo đảm yêu cầu phối hợp công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Ủy ban có thể làm việc theo các hình thức như tổ chức phiên họp định kỳ, cuộc họp đột xuất, tổ chức hội nghị, hội thảo hoặc cho ý kiến bằng văn bản.

Ủy ban họp định kỳ mỗi quý 1 lần

Cùng với việc quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Ủy ban, Tổ công tác giúp việc Ủy ban, Quy chế còn nêu rõ chế độ làm việc và quan hệ công tác trong hoạt động của Ủy ban.

Theo đó, Ủy ban họp định kỳ 1 quý/1 lần, sơ kết 6 tháng; họp tổng kết cuối năm với Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương hoặc đột xuất theo triệu tập của Chủ tịch Ủy ban. Ngoài ra, có thể họp Thường trực Ủy ban với các cơ quan liên quan. Thành phần tham dự cuộc họp do người chủ trì cuộc họp quyết định. Mỗi lần họp Ủy ban, Tổ công tác phải có báo cáo đề xuất cụ thể, rõ ràng, có mục tiêu, tiến độ và kết quả.

Chủ tịch Ủy ban quyết định triệu tập cuộc họp mở rộng có sự tham gia của người đứng đầu cơ quan chủ trì thực hiện chiến lược, chương trình, đề án, dự án có liên quan đến chuyển đổi số, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh và một số chuyên gia, nhà khoa học có liên quan

Quy chế quy định, trong quan hệ công tác với Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm quán triệt các nội dung chỉ đạo của Ủy ban để đôn đốc, triển khai chuyển đổi số; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam thuộc cơ quan, ngành, lĩnh vực mình phụ trách và chịu sự giám sát, kiểm tra của Ủy ban về việc thực hiện các nội dung này.

Phối hợp với Tổ công tác đề xuất, kiến nghị các cơ chế, chính sách và giải pháp thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.

Cùng với đó, chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ, ngành, địa phương mình phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ được giao.

Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương cũng có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam thuộc cơ quan, ngành, lĩnh vực, địa phương mình phụ trách. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ được giao; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định và yêu cầu của Ủy ban.

Ngày 24/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định kiện toàn và đổi tên Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử thành Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số để đẩy mạnh chỉ đạo chuyển đổi số quốc gia trong giai đoạn mới. Tiếp đó, vào ngày 22/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Danh sách 16 thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và danh sách 7 lãnh đạo Tổ công tác giúp việc Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Ngày 30/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì phiên họp trực tuyến lần thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số để đánh giá kết quả triển khai chuyển đổi số trong thời gian qua, xác định các khó khăn, vướng mắc, các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cần quyết liệt chỉ đạo, triển khai nhằm tạo ra những đột phá về chuyển đổi số quốc gia.

Vân Anh