Chưa nổi 2 vạch, cả nhà âm ỉ nỗi sợ, đốt sạch tháng lương 20 triệu

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 13:56, 03/03/2022

Đều đặn test nhanh theo định kỳ, cả gia đình vẫn an toàn, chưa ai nổi 2 vạch nhưng những khoản chi tiêu liên quan đến dịch Covid-19 trong tháng qua đã ngốn sạch tháng lương 20 triệu đồng của chị Hoa.

Chị Trương Thị Hoa ở Trịnh Đình Cửu (Hoàng Mai, Hà Nội) vừa chọn mua xong 1 yến cam sành tại chợ với giá 45.000 đồng/kg. Chị chia sẻ: “Cũng may lương hôm qua mới đổ về tài khoản nên nay mới có tiền”.

Chị Hoa là “tay hòm chìa khoá” của gia đình có ba thế hệ cùng chung sống. Ngày trước, với mức lương hơn 20 triệu đồng mỗi tháng của bản thân và chỉ phải lo tiền chợ búa hàng ngày, chị thấy khá rủng rỉnh.

Còn nay, chị quay cuồng trong cơn “bão giá”. Xăng tăng, gas tăng, đi chợ thấy thứ gì cũng tăng, đặc biệt rau củ, trái cây. Chưa kể rất nhiều khoản chi phí phát sinh khi dịch Covid-19 ở Hà Nội bùng phát.

Chị cho biết, gia đình chị có 6 thành viên, bố mẹ đều đã già yếu lại có bệnh nền, 2 con lớn đều học cấp 3 nên tháng 2 vừa qua, việc phòng chống dịch được đặc biệt quan tâm.

Chưa nổi 2 vạch, cả nhà âm ỉ nỗi sợ, đốt sạch tháng lương 20 triệu
Nhiều gia đình thực hiện test nhanh liên tục tại nhà (ảnh: BH)

Dù mới chỉ là phòng ngừa dịch nhưng đã tốn kém vô cùng. Chị liệt kê, khẩu trang hết khoảng 600.000 đồng, nước sát khuẩn hết 100.000 đồng, bộ súng phun khử khuẩn gần 300.000 đồng, các loại vitamin đều phải sắm đầy đủ vì sử dụng liên tục, tổng cộng hết khoảng 2,5 triệu đồng.

Ngoài ra, chị còn bỏ ra 450.000 đồng mua thêm máy SP02, 850.000 đồng mua máy xông, một số loại thuốc giảm sốt, thuốc ho,... về dự phòng.

“Tốn kém nhất là tiền kit test nhanh. Đầu tháng 2 tôi mua 2 hộp, mỗi hộp 20 bộ hết 3 triệu đồng. Đến cuối tháng vừa rồi lại phải mua thêm 2 hộp nữa, nhưng giá đã tăng nên hết tới 3,5 triệu đồng”, chị nói.

Rằm tháng Giêng mời gia đình cậu em bên chồng tới ăn bữa cơm, 3 ngày sau người nhà cậu ấy có triệu chứng ho, sốt, test nhanh đều 2 vạch. Ngày hôm đó, để chắc chắn chị gọi dịch vụ xét nghiệm Covid-19 tại nhà. Khoản chi phí này hết gần 3,6 triệu đồng.

Chưa kể, tháng qua chị còn mua hết yến cam này đến yến cam khác để đảm bảo mỗi ngày các thành viên trong gia đình đều uống 1 ly nước cam vào buổi sáng nhằm tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra, chị mua thêm 1 lạng yến tổ về chưng lên cho bố mẹ ăn mỗi ngày bồi bổ cơ, tăng cường thể chất. Tính ra, hai khoản này hết khoảng 5 triệu đồng.

“Nhẩm tính qua các khoản chi cho phòng ngừa dịch đã ngốn hết sạch tháng lương 20 triệu đồng. Thế nên, tháng vừa rồi phải báo chồng tôi viện trợ thêm". Chị cho biết, cũng may mắn đến nay gia đình vẫn an toàn, chưa ai là F0.

Chưa nổi 2 vạch, cả nhà âm ỉ nỗi sợ, đốt sạch tháng lương 20 triệu
Có những người chi tới vài triệu đồng để mua kit test nhanh về dùng dần (ảnh: BH)

Chị Đinh Thị Hải Trà ở Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội) cũng than thở, tháng 2 vừa qua chỉ tính riêng tiền liên quan đến phòng chống dịch Covid đã tốn gần chục triệu đồng.

Gia đình chị có 5 người thì có 2 F0, nên khi test nhanh dương tính, chị phải cho cả gia đình xét nghiệm lại PCR để chắc chắn. Bởi mẹ chị có bệnh đang nằm một chỗ, xét nghiệm cho kết quả chuẩn hơn, ai F0 kịp thời cách ly. Sau đó, chị dùng kit test nhanh test định kỳ 3 ngày 1 lần cho cả F0 và F1 trong gia đình.

“Những ngày này, mua khẩu trang còn đỡ, chứ kit test nhanh, gừng sả, lá xông, cam, chanh,... giá tăng chóng mặt. Sáng tôi đi mua thêm hộp kit test giá đã tăng lên 1,65 triệu đồng, trong khi hồi giữa tháng 2 giá chỉ 1,2 triệu đồng”, chị nói.

Theo chị Trà, dịch Covid cộng với “bão giá” khiến chi phí sinh hoạt của gia đình chị đội lên gấp đôi. Điều khiến chị lo lắng hơn cả là thu nhập không tăng, trong khi tình trạng như hiện tại chưa biết bao giờ mới kết thúc.

Tại Hà Nội, ca nhiễm Covid-19 liên tục lập đỉnh, nhiều gia đình chi tiền triệu để mua kit test nhanh, khẩu trang, máy SP02,... kéo theo tình trạng khan hàng, giá tăng dựng đứng.

Trước tình trạng trên, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân không nên tích trữ kit test nhanh và chỉ xét nghiệm nhanh tại nhà khi có nguy cơ, triệu chứng như ho, sốt, khó thở... Việc test nhanh nhiều là không cần thiết, lãng phí. Chưa kể, ồ ạt tích trữ kit test còn gây thiếu hụt ảo, khiến người cần thì không thể mua được còn người không cần lại tích đầy trong nhà.

Lưu Minh