Phương Tây đang phong tỏa 1.000 tỷ USD của Nga
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 09:52, 03/03/2022
Sau khi Tổng thống Vladimir Putin tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, Mỹ và nhiều nước phương Tây áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga. Hết đợt này đến đợt khác, các lệnh trừng phạt đang tấn công “nền kinh tế pháo đài” của Moscow.
Theo CNN, chưa bao giờ một nền kinh tế có tầm ảnh hưởng toàn cầu như Nga lại là mục tiêu cho các lệnh trừng phạt nặng nề như hiện tại. Giới phân tích tin rằng Nga đang đứng trước một cuộc khủng hoảng tài chính có khả năng đẩy các ngân hàng lớn đến bờ vực sụp đổ.
Giới chức phương Tây mô tả chiến dịch này như một cuộc chiến kinh tế nhắm vào ông Putin. Họ kỳ vọng những tác động của lệnh trừng phạt có thể xuyên thủng lớp phòng thủ dày dặn nhất của Nga.
Nga hiện là nước sản xuất dầu thô lớn thứ 2 thế giới. Ảnh: TASS. |
Nhiều tài sản của Nga bị đóng băng
“Chúng tôi sẽ châm ngòi cho sự sụp đổi của kinh tế Nga”, Bruno Le Maire, Bộ trưởng Tài chính Pháp, phát biểu hôm 1/3. Song, trước vị thế là nhà cung cấp năng lượng lớn trên thế giới, mục tiêu mà giới chức phương Tây đặt ra sẽ khó để đạt được.
Hiện châu Âu đang phụ thuộc 40% khí đốt tự nhiên và 25% nguồn cung dầu từ Nga. Do đó, bất cứ sự gián đoạn nào đối với hoạt động xuất khẩu đều khiến giá cả hàng hóa toàn cầu tăng đột biến.
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã vấp phải làn sóng phản ứng dữ đội chưa từng có từ Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU), Canada, Nhật Bản, Australia cùng nhiều quốc gia khác. Ngay cả Thụy Sĩ, vốn nổi tiếng là nước trung lập và sở hữu hệ thống ngân hàng bảo mật cho khách hàng, cũng cam kết tham gia trừng phạt Nga.
Phương Tây đã cắt hai ngân hàng lớn nhất Nga là Sberbank và VTB khỏi quyền tiếp cận trực tiếp với USD. Ngoài ra, việc bị loại khỏi hệ thống nhắn tin liên ngân hàng SWIFT khiến hoạt động thanh toán của các ngân hàng Nga gặp rắc rối.
Khối liên minh trừng phạt Nga đang cố gắng ngăn chặn ngân hàng trung ương bán USD và ngoại tệ để bảo vệ đồng RUB cũng như nền kinh tế. Theo Le Maire, khoảng 1.000 tỷ USD tài sản của Nga hiện bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt.
“Phương Tây gây ngạc nhiên khi theo đuổi chiến lược gây áp lực kinh tế dữ dội lên Nga bằng cách loại nước này khỏi thị trường tài chính toàn cầu”, Oliver Allen, nhà kinh tế thị trường tại Capital Economics, cho biết.
“Nếu tiếp tục con đường hiện tại, Nga sẽ phải đối mặt với những biện pháp mới có khả năng cắt đứt nghiêm trọng và lâu dài mối quan hệ tài chính - kinh tế với phần còn lại của thế giới”, ông nói thêm.
Các nước phương Tây đã loại trừ khả năng gửi quân tham chiến ở Ukraine. Do đó, việc trừng phạt kinh tế sẽ là vũ khí chính để thách thức Nga.
Số mệnh các ngân hàng trên bờ vực
Theo Oxford Economics, những biện pháp hiện nay có thể xóa sổ 6% tổng sản phẩm quốc nội của Nga. “Nói một cách đơn giản, chiến lược của chúng tôi là đảm bảo nền kinh tế Nga đi lùi chừng nào Tổng thống Putin còn tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine”, một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ chia sẻ.
Một số báo cáo cho biết nhiều người Nga đã phải xếp hàng dài để rút tiền mặt từ các máy ATM trong tuần qua. Các ngân hàng đang là mục tiêu chính của các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, nhóm này có thể chịu thêm áp lực khi khối khách hàng vay vốn không thể thanh toán nợ do những ảnh hưởng của cuộc suy thoái.
Liam Peach, nhà kinh tế học về thị trường mới nổi tại Capital Economics, cho rằng ngân hàng Nga sẽ phải thanh lý tài sản, thậm chí với giá rẻ. Hoạt động cấp tín dụng khó khăn cũng làm nền kinh tế phải chịu thêm nhiều nỗi đau.
Công ty con ở châu Âu của Sberbank, ngân hàng lớn nhất nước Nga và là mục tiêu của lệnh trừng phạt, bao gồm các chi nhánh ở Áo và Croatia, đang đối mặt với dòng tiền thất thoát do cuộc khủng hoảng.
Giá trị đồng RUB lao dốc tự do. Ảnh: CNN. |
Một vấn đề khác là các ngân hàng Nga chỉ có đủ ngoại tệ để trang trải cho khoảng 15% số tiền gửi ngoại tệ trên sổ sách.
Thông thường, Ngân hàng Trung ương sẽ phụ trách việc cung cấp ngoại tệ cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, trước tình trạng không thể tiếp cận khoảng 50% kho dự trữ ngoại hối khiến, ngân hàng trung ương không thể vừa cung cấp ngoại tệ, vừa bảo vệ giá trị đồng RUB.
Tình trạng này có thể kéo dài trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm.
Theo Capital Economics, nhờ dầu và khí đốt, giá trị xuất khẩu của Nga hiện vượt xa nhập khẩu, biến các khoản thanh toán thành nguồn ngoại tệ lớn.
Dẫu vậy, việc đồng RUB trượt giá có thể tạo làn sóng dịch chuyển ngoại tệ ra nước ngoài từ giới đầu tư và doanh nghiệp. Ngân hàng trung ương dự kiến phải chuẩn bị khoảng 100 tỷ USD dự trữ ngoại hối để bù vào lỗ hổng này.
Đồng thời, phương Tây có thể gia tăng sự đàn áp. Theo Viện Tài chính Quốc tế, Mỹ và các đồng minh có thể loại bỏ thêm nhiều ngân hàng Nga khỏi SWIFT và tăng cường hạn chế quyền tiếp cận với USD và EUR.
Khối này cũng có thể cắt giảm xuất khẩu năng lượng của Nga, mặc dù điều đó sẽ khiến giá cả tăng vọt.
(Theo Zing)