Cảnh giác nguy cơ mắc bệnh về mắt hậu Covid-19 Tin Y tế - Ngày đăng : 09:03, 03/03/2022
Sau khi khỏi Covid-19, F0 có nguy cơ mắc bệnh vi mạch võng mạc liên quan đến tình trạng rối loạn đông máu sau khỏi bệnh.
Gần đây, nhiều F0 khỏi bệnh chưa thực sự quan tâm đến “cửa sổ tâm hồn”, trong khi đó, một số người đã phải đối mặt với các bệnh về mắt.
Virus nhân lên trong niêm mạc mắt Mới đây, một nghiên cứu cho rằng người từng mắc Covid-19 có khả năng bị bệnh vi mạch võng mạc cao gấp 8,8 lần so với người không nhiễm.
Trao đổi với Zing về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), cho biết F0 hậu Covid-19 có nguy cơ mắc bệnh vi mạch võng mạc liên quan đến tình trạng rối loạn đông máu sau khỏi bệnh.
Bệnh vi mạch võng mạc cần đi khám bác sĩ nhãn khoa sớm để điều trị kịp thời, tránh gây ra những ảnh hưởng không thể hồi phục về thị lực. Bên cạnh hội chứng thị giác màn hình, F0 bị đỏ mắt, đau mắt kéo dài khi đang mắc bệnh và hậu Covid-19 chiếm số lượng lớn.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng tư vẫn online cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh: BSCC.
Bác sĩ Hoàng phân tích nguyên nhân chính khiến F0 bị đau, đỏ mắt sau khi khỏi bệnh là virus nhân lên trong niêm mạc mắt. Để khắc phục tình trạng này, người bệnh có thể nhỏ nước muối sinh lý. Tuy nhiên, có trường hợp F0 xuất hiện cả virus nhân lên trong niêm mạc và bội nhiễm vi khuẩn. Muốn nhanh khỏi, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ nhãn khoa để dùng thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh. Ngoài ra, với số lượng F0 tại Hà Nội tăng chóng mặt tại Hà Nội hiện nay, nhiều người cách ly, điều trị ở nhà thường xuyên sử dụng điện thoại, máy tính khiến sức khoẻ đôi mắt bị ảnh hưởng. Theo bác sĩ Hoàng, việc F0 hậu Covid-19 cách ly, điều trị tại nhà thường xuyên sử dụng điện thoại, máy tính có thể gây ảnh hưởng đến lưu thông máu dẫn đến tình trạng vi huyết khối ở các mao mạch nhỏ. Người bệnh nhìn màn hình điện thoại, máy tính quá lâu sẽ gây áp lực lên đôi mắt, khiến võng mạc bị thiếu máu do không được cung cấp đầy đủ. Do đó, mắt sẽ nhanh mỏi, thậm chí bị giảm thị lực. Ông này khuyến cáo: "F0 khi mắc Covid-19 hay đã khỏi bệnh cần hạn chế nhìn điện thoại, máy tính, các thiết bị điện tử trong thời gian dài, tránh bị mỏin mắt, tổn thương võng mạc". Khi bị đau, đỏ, mỏi mắt, người dân nên dùng các loại thuốc nhỏ mắt, nước mắt nhân tạo, giữ mắt không bị khô, cung cấp các vitamin cho mắt. Người bệnh cũng có thế dùng nhỏ mắt kháng sinh, chứa corticoid chống viêm, không nên lạm dụng những thuốc nhỏ mắt này. Về cơ bản, các loại thuốc nhỏ mắt thông thường đều không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ đôi mắt. Không chủ quan khi đỏ mắt Là người trực tiếp tư vấn, điều trị cho một vài F0 bị đỏ mắt, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn, Phó chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Viện Bỏng Quốc gia, người sáng lập nhóm tư vấn hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà, cho biết trước đó, ông gặp một người đàn ông 38 tuổi sau mắc Covid-19, mắt bị đỏ hai bên, đau nhức, kéo dài nhiều ngày, thị lực không bị ảnh hưởng nhiều nên lo lắng vì hiếm thấy tình trạng này. "Người này hỏi tôi không biết có nguy hiểm hay không, có phải xông gừng xả hay can thiệp gì không?", bác sĩ Tuấn kể. Bác sĩ Tuấn cho hay mắt bị đỏ là do các mạch máu trong mắt sưng to và giãn ra, biểu hiện của tình trạng bệnh lý nhãn khoa hay hệ thống. Tình trạng này có thể lành tính hoặc nghiêm trọng tùy thuộc vào những triệu chứng đi kèm như giảm thị lực, đau nhức mắt, cộm chói mắt,… Khoảng 11% F0 có các triệu chứng đỏ mắt, thường gặp nhất là viêm kết mạc, chiếm 89%. Viêm kết mạc là một bệnh nhiễm trùng mắt thường gặp, nguyên nhân do virus hoặc vi khuẩn, đôi khi do một số tác nhân kích ứng, có thể dễ dàng điều trị và tránh được. Bệnh nhân có triệu chứng đỏ mắt biểu hiện các phần màu trắng của mắt trở thành màu hồng hoặc đỏ, không gây khó chịu hoặc mắt có thể bị đau, cảm giác ngứa, cộm, chảy nhiều nước mắt, rỉ mắt. Để phòng tránh di chứng đỏ mắt hậu Covid-19, bác sĩ khuyến cáo: Ngay từ khi mắc bệnh F0 nên chuẩn bị sẵn nước muối sinh lý 0.9% (loại 10 ml) để nhỏ mắt. Nước muối sinh lý có tác dụng rửa trôi virus và các yếu tố gây viêm khỏi bề mặt nhãn cầu, giúp sự hồi lưu nước mắt và hồi phục nhanh hơn trong các trường hợp đau đỏ mắt. Các loại thuốc khác dùng để điều trị đau mắt đỏ khi mắc Covid-19 cần tham vấn bác sĩ, không nên tự ý nhỏ thuốc, tra thuốc, xông hơi. Thời điểm và liều lượng sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt, thuốc tra mắt kháng sinh, kháng viêm. Nếu sử dụng không đúng sẽ khiến bệnh năng lên hoặc kéo dài, dẫn đến các tác dụng phụ khác không mong muốn (khô mắt, tăng nhãn áp, mù mắt). Cùng với đó, F0 hậu Covid-19 cần bồi bổ cơ thể, uống đủ nước, các loại vitamin (A, C, E), giữ tinh thần thoải mái, lạc quan, chữa bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi tình trạng bệnh thuyên giảm, triệu chứng ở mắt cũng sẽ đỡ một phần. Người bệnh cần khám bác sĩ chuyên khoa sớm nếu mắt mờ đi hoặc đau nhức mắt.