Đăng ký hộ tịch trực tuyến hay trực tiếp là quyền lựa chọn của người dân
Xã hội - Ngày đăng : 21:29, 02/03/2022
Cục hộ tịch, quốc tịch và chứng thực (Bộ Tư pháp) vừa có công văn hướng dẫn Sở Tư pháp các địa phương thực hiện quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định 87/202 của Chính phủ về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Thông tư số 01/2022/TT-BTP, việc tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến phụ thuộc vào mức độ triển khai dịch vụ công trực tuyến tại địa phương. Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến đều thông qua Cổng dịch vụ công cấp tỉnh.
Do đó, Sở Tư pháp cần chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan có liên quan công khai danh mục các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch được thực hiện trực tuyến, mức độ trực tuyến và danh sách các cơ quan đăng ký hộ tịch chưa có điều kiện tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến (nếu có).
Trường hợp chưa đủ điều kiện để triển khai đăng ký hộ tịch trực tuyến thì việc tiếp nhận, giải quyết được thực hiện theo quy định pháp luật hộ tịch hiện hành.
"Việc đăng ký hộ tịch trực tiếp (tại cơ quan đăng ký hộ tịch) hay đăng ký trực tuyến là quyền lựa chọn của người dân. Cơ quan đăng ký hộ tịch phải bảo đảm trong mọi trường hợp, nếu hồ sơ đăng ký hộ tịch của người dân đầy đủ, đúng quy định pháp luật thì phải được tiếp nhận, giải quyết"- Cục hộ tịch, quốc tịch và chứng thực nhấn mạnh.
Cơ quan này yêu cầu Sở Tư pháp các địa phương cần tham mưu với UBND cấp tỉnh đẩy nhanh việc triển khai số hóa đối với các Sổ hộ tịch đã được đăng ký, lưu trữ tại địa phương; chịu trách nhiệm về tính chính xác, giá trị pháp lý của thông tin hộ tịch (đăng ký khai sinh; kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch; khai tử) được số hóa.
Mặc dù Thông tư số 01/2022 của Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/2/2022, nhưng do thời gian này các địa phương chưa thực hiện xong việc số hóa Sổ hộ tịch, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử chưa vận hành thống nhất, chưa kết nối, khai thác được dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác. Vì thế, người yêu cầu chưa cung cấp được bản sao điện tử, bản điện tử giấy tờ hộ tịch.
Cục hộ tịch, quốc tịch và chứng thực cho biết, khoản 3 điều 14 của Thông tư số 01 quy định cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến, cấp giấy tờ hộ tịch, bản sao giấy khai sinh, bản sao trích lục hộ tịch theo biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 04/2020 của Bộ Tư pháp, thực hiện ký số theo quy định của Thông tư số 41/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; trả kết quả đăng ký hộ tịch là bản có chữ ký số nếu người yêu cầu muốn nhận kết quả là bản điện tử giấy tờ hộ tịch.
Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh trong việc bố trí kinh phí, bảo đảm trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, các điều kiện cần thiết triển khai thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến phù hợp với mức độ triển khai dịch vụ công trực tuyến tại địa phương.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc thì các địa phương cần phản ánh về Bộ Tư pháp để được hướng dẫn giải quyết kịp thời.
Cơ quan này yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch, công chức làm công tác hộ tịch có trách nhiệm cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin đã được đăng ký vào Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung theo đúng hướng dẫn. Đồng thời rà soát, kiểm tra, xử lý bảo đảm thông tin trong phần mềm chính xác, thống nhất với thông tin trong sổ đăng ký hộ tịch.
Bản điện tử giấy tờ hộ tịch có giá trị như bản giấy
Thông tư 01/2022/TT-BTP của Bộ Tư pháp quy định, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh để đăng ký tài khoản, xác thực người dùng theo hướng dẫn.
Sau khi đăng nhập tài khoản thành công, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến cung cấp thông tin theo biểu mẫu điện tử tương tác, đính kèm bản chụp hoặc bản sao điện tử các giấy tờ, tài liệu theo quy định.
Sau khi hoàn tất việc nộp hồ sơ, người dân sẽ được cấp một mã số hồ sơ thủ tục hành chính để theo dõi, tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ hoặc truy cập để hoàn thiện hồ sơ khi có yêu cầu của cơ quan đăng ký hộ tịch.
Người có yêu cầu đăng ký hộ tịch có trách nhiệm lưu giữ, bảo đảm bí mật mã số hồ sơ thủ tục hành chính.
" có giá trị sử dụng như giấy tờ hộ tịch bản giấy trong các giao dịch, thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến; có giá trị thay thế các giấy tờ hộ tịch bản giấy khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch trực tiếp tại cơ quan đăng ký hộ tịch"- Thông tư 01 nêu rõ.
Mỗi cá nhân có một bản ghi dữ liệu hộ tịch điện tử thống nhất và duy nhất trên Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, tương ứng với số định danh cá nhân.