Tin thế giới 2/3: Nga cảnh báo nguy cơ Thế chiến III; Nga-Ukraine vẫn sẽ tiếp tục đàm phán; Thông điệp Liên bang của Tổng thống Mỹ có gì?
Đối ngoại - Ngày đăng : 21:27, 02/03/2022
Thế chiến III sẽ là cuộc chiến hạt nhân? (Nguồn: Shutterstock) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga cảnh báo nguy cơ hạt nhân trong Thế chiến III
Hãng RIA đưa tin, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 2/3 nhận định, nếu Thế chiến III xảy ra, nó sẽ liên quan đến vũ khí hạt nhân và mang tính hủy diệt.
Ngoại trưởng Lavrov còn nhấn mạnh, Nga - nước phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine tuần trước - sẽ đối mặt với "sự nguy hiểm thực sự" nếu Kiev có được vũ khí hạt nhân.
Ông Lavrov cho rằng, Chính phủ Ukraine nên cân nhấc kỹ lưỡng và hành động phù hợp lợi ích của tất cả các dân tộc trên khắp quốc gia Đông Âu này.
Xung đột Nga-Ukraine:
Quân Nga tuyên bố chiếm được nhiều thành phố của Ukraine
Ngày 2/3, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các đơn vị của quân đội nước này đã kiểm soát hoàn toàn trung tâm khu vực Kherson và thành phố Kharkov của Ukraine.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói rằng, cơ sở hạ tầng, cơ sở hỗ trợ và giao thông đô thị của Kherson đang hoạt động bình thường. Thành phố Kherson cũng không xảy ra tình trạng thiếu lương thực và các mặt hàng thiết yếu.
Bên cạnh đó, trong một tuyên bố đăng tải trên ứng dụng Telegram, quân đội Ukraine cho hay: "Lính dù của Nga đã đổ bộ xuống Kharkov. Xung đột đang tiếp diễn".
Hãng thông tấn RIA sau đó đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, các lực lượng vũ trang Nga đã giành quyền kiểm soát thành phố Kharkov.
Thị trưởng thành phố Kharkov Oleg Synegubov cho biết, hơn 21 người đã thiệt mạng và 112 người bị thương trong các vụ pháo kích ở thành phố này suốt 24 giờ qua. (Sputnik/Reuters)
Nga sẵn sàng nối lại đàm phán với Ukraine
Ngày 2/3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, các quan chức Nga sẵn sàng tiến hành vòng đàm phán thứ hai với Ukraine trong ngày hôm nay, song không rõ liệu các quan chức Ukraine có tham gia hay không.
Theo ông Peskov, hiện có những thông tin trái chiều liên quan vòng đàm phán thứ hai. Ông Peskov từ chối nêu địa điểm diễn ra vòng đàm phán, song bày tỏ hy vọng phái đoàn Ukraine sẽ đến tham gia.
Đại diện Điện Kremlin cho hay, Moscow cần phải đưa ra phản ứng cứng rắn, kỹ lưỡng và rõ ràng nhằm trả đũa các biện pháp trừng phạt do các nước phương Tây áp đặt nhằm gây suy yếu nền kinh tế Nga.
Một nguồn tin ngoại giao cho hay, vòng đàm phán thứ hai giữa phái đoàn Nga và Ukraine không bị hủy mà có khả năng diễn ra trong tối nay ngày 2/3. Nguồn tin nêu rõ: "Cuộc đàm phán không bị hủy bỏ, nhưng đã hoãn lại. Vòng đàm phán lần này có thể diễn ra vào tối 2/3 hoặc muộn hơn".
Trước đó một ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh, Nga phải ngừng ném bom các thành phố Ukraine trước khi đàm phán có thể diễn ra. (TASS)
Tổng thống Zelensky ‘lớn tiếng’ chỉ trích Nga
Ngày 2/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng, gần 6.000 người Nga đã thiệt mạng trong vòng 6 ngày đầu tiên trong cuộc xung đột giữa hai nước.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Zelensky cho rằng, cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào một tháp truyền hình ở Kiev - khu vực từng xảy ra thảm sát của Đức quốc xã nhằm vào người Do Thái trong Chiến tranh Thế giới thứ II, chứng tỏ rằng "đối với nhiều người ở Nga, Kiev của chúng tôi hoàn toàn xa lạ. Họ không biết gì về thủ đô của chúng tôi. Về lịch sử của chúng tôi. Nhưng họ ra mệnh lệnh xóa sổ lịch sử của chúng tôi. Xóa bỏ đất nước của chúng tôi. Xóa sổ tất cả chúng tôi". (AFP)
Mỹ tuyên bố tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine
Ngày 1/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Alexey Reznikov "để đề xuất sự ủng hộ của ông đối với người dân Ukraine" trong bối cảnh đang diễn ra chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Trong một tuyên bố, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cho hay: "Bộ trưởng Austin đã nhấn mạnh, Mỹ đoàn kết với các đồng minh và đối tác trong quyết tâm hỗ trợ Ukraine, bao gồm thông qua việc tiếp tục cung cấp viện trợ an ninh phòng thủ. Các nhà lãnh đạo cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong cuộc chiến mà Nga đơn phương châm ngòi này".
Ngày 2/3, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tuyên bố trước Quốc hội nước này rằng, Madrid sẽ cung cấp khí tài cho Ukraine. (Reuters)
Hàng loạt quốc gia đóng cửa Đại sứ quán tại Ukraine
Ngày 2/3, Ấn Độ đã đóng cửa Đại sứ quán ở Kiev, trong khi các nhà ngoại giao và nhân viên đều chuyển đến thành phố Lviv ở phía Tây Ukraine.
Hôm 1/3, tất cả công dân Ấn Độ, bao gồm cả sinh viên, đều được khuyến cáo rời Kiev khẩn cấp bằng tàu hỏa hoặc bằng bất kỳ phương tiện sẵn có nào khác. Trong vòng vài giờ, Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla thông báo, tất cả công dân Ấn Độ đã rời Kiev.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo sẽ tạm thời đóng cửa Đại sứ quán tại Kiev, sau khi Nga tấn công Ukraine hồi tuần trước. Hoạt động của Đại sứ quán sẽ được chuyển đến văn phòng liên lạc tạm thời ở miền Tây Ukraine.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Italy cũng cho biết, Đại sứ quán nước này tại Ukraine đã được chuyển từ thủ đô Kiev đến thành phố Lviv ở phía Tây do tình hình an ninh ở thủ đô ngày càng xấu đi. Đại sứ quán nước này được chuyển đến Lviv để tiếp tục thực hiện các chức năng, giống như các đại sứ quán khác đã chuyển đến đó. (Reuters/Sputnik)
Tổng thống Joe Biden và thông điệp tới toàn nước Mỹ
Ngày 2/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trình bày Thông điệp Liên bang năm 2022 trước Quốc hội Mỹ.
Ông Biden đã trấn an toàn thể người dân Mỹ và thế giới đang trong tâm thế lo lắng và hoang mang rằng Washington sẽ kiểm soát và khống chế hành động quân sự của Nga ở Ukraine, kiềm chế tỷ lệ lạm phát gia tăng ở Mỹ và tiếp tục cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Nói về tình hình Nga-Ukraine, Tổng thống Mỹ cho biết, Washington và các đồng minh đã đoàn kết để tăng cường các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ, chưa từng có tiền lệ. Các biện pháp này sẽ khiến nền kinh tế Nga có thể sẽ sụp đổ trong tương lai và Ukraine có thể được hỗ trợ trong cuộc chiến đấu vì nền tự do dân chủ và bảo vệ nền dân chủ ở châu Âu.
Bài phát biểu của ông chủ Nhà Trắng cũng có đề cập đến Trung Quốc. Tổng thống Biden kêu gọi Quốc hội Mỹ sớm đạt được đồng thuận về một dự luật tập trung vào vấn đề cạnh tranh với Trung Quốc, trong đó cho phép Mỹ tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ đang nổi như chất bán dẫn. (AP/SCMP)
Thủ tướng Đức thăm chính thức Israel
Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 2/3 đã bắt đầu chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Israel kể từ khi ông nhậm chức.
Ngay sau khi đặt chân xuống sân bay, ông đã cùng Thủ tướng Israel Naftali Bennett tới thăm Khu tưởng niệm Nạn nhân diệt chủng Do Thái tại Jerusalem. Theo kế hoạch, ông Scholz sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Bennett và gặp Chủ tịch Quốc hội Mickey Levy.
Kế hoạch thăm Jordan và Bờ Tây của Thủ tướng Olaf Scholz đã bị hoãn lại và dường như bị rút ngắn thời gian do liên quan đến diễn biến xung quanh cuộc xung đột Nga-Ukraine, trong đó Đức là quốc gia có tiếng nói quan trọng. (DW)
Đức kêu gọi thúc đẩy đàm phán hạt nhân với Iran
Ngày 2/3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng, một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran là điều “không thể trì hoãn thêm nữa”.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Naftali Bennett khi đang ở thăm nước này, Thủ tướng Scholz nói: “Điều chúng ta muốn thấy là việc đạt được một thỏa thuận tại Vienna. Giờ là lúc đưa ra quyết định. (Thỏa thuận hạt nhân mới) không được phép và không thể bị trì hoãn thêm nữa”. (AFP)
Anh lo ngại về biến thể ‘Omicron tàng hình’
Theo Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA), dòng phụ của biến thể Omicron (BA.2) là nguyên nhân gây ra 52% các trường hợp mắc Covid-19 ở Anh.
BA.2 dễ lây lan hơn biến thể Omicron dòng chính. Một nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy, biến thể này có thể gây ra bệnh nặng hơn ở những động vật không có khả năng miễn dịch. Cũng có những lo ngại rằng, biến thể BA.2 có thể né tránh vaccine và hệ miễn dịch của con người. Nhưng không có bằng chứng cho thấy BA.2 đang gây ra bệnh nghiêm trọng hơn ở người. (Reuters)