Vì sao dâu tây lại được gọi là 'siêu thực phẩm'?
Ẩm thực - Ngày đăng : 14:39, 02/03/2022
Những trái dâu tây đỏ mọng, thơm ngon luôn có sức hấp dẫn đặc biệt. Tuy nhiên, đây cũng là loại bị "mang tiếng" là dễ thấm đẫm các loại hóa chất.
Theo tổ chức Công tác về Môi trường (Mỹ), trong danh sách các loại trái cây và rau quả có tồn dư thuốc trừ sâu nhiều nhất, liên tục các năm gần đây, dâu tây xếp đầu bảng. Đây là lý do khiến nhiều người ngại mua dù rất thích hương vị loại trái cây có thể ăn riêng hay kết hợp được trong nhiều món đồ ngọt này.
Dù vậy, nhiều đánh giá khác cũng chứng minh, dâu tây là loại quả có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Cũng giống như các loại quả mọng khác, dâu tây rất giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ và các hợp chất có khả năng chống oxy hoá, chống viêm. Bổ sung dâu tây vào chế độ ăn hằng ngày, chúng ta có thể ngăn ngừa được nhiều tình trạng bệnh khác nhau, trong đó đáng lưu ý nhất là tác dụng giảm mỡ dưới da và mỡ nội tạng.
Mỡ được trữ ở nhiều nơi trong cơ thể, phổ biến nhất là ngay dưới bề mặt da. Đây là loại mỡ mà chúng ta có thể nhìn thấy và cảm nhận được, thông qua những khu vực như cánh tay, bụng, đùi và mông.
Mỡ nội tạng thì không thể nhìn thấy, bởi nó ẩn trong khoang bụng và tạo ra khoảng trống giữa những cơ quan nội tạng quan trọng. Mỡ nội tạng đã trở thành nguyên nhân hàng đầu khiến tỷ lệ béo phì gia tăng trong những năm gần đây.
Tuy vậy, dâu tây với hàm lượng chất xơ hoà tan có thể giải quyết vấn đề này. Chúng giúp giảm mỡ nội tạng và mỡ dưới da rất hiệu quả.
Các nghiên cứu cho thấy cứ 10 gam chất xơ hoà tan được ăn mỗi ngày sẽ giúp giảm chất béo nội tạng 3,7% trong vòng 5 năm. Nếu kết hợp thêm tập thể dục, con số sẽ là 7,4% trong cùng khoảng thời gian.
Dâu tây - loại quả quen thuộc đem lại những lợi ích bất ngờ
Hàm lượng dinh dưỡng của dâu tây
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), khoảng 166 gam dâu tây sẽ chứa hàm lượng dinh dưỡng như sau:
Calo: 53
Chất đạm: 1,11g
Carbohydrate: 12,7g
Chất xơ: 3,3g
Canxi: 27mg
Sắt: 0,68mg
Magiê: 22mg
Phốt-pho: 40mg
Kali: 254mg
Vitamin C: 97,60mg
Folate: 40mg
Bên cạnh các vitamin và khoáng chất, dâu tây cũng rất giàu chất phytochemical - một hợp chất thực vật giúp tăng cường sức khoẻ, bao gồm axit ellagic, anthocyanins, quercetin, catechin...
Một số lợi ích nổi bật của quả dâu tây
Không chỉ giúp cơ thể giảm mỡ nội tạng, các chất dinh dưỡng trong dâu tây còn mang lại không ít lợi ích cho sức khỏe và giúp bảo vệ cơ thể khỏi nhiều vấn đề.
1. Hỗ trợ chống lại bệnh tim
Dâu tây có thể giúp bạn chống lại bệnh tim nhờ hàm lượng anthocyanin và quercetin của chúng. Anthocyanin đã được nghiên cứu chứng minh là có liên quan đến việc giảm nguy cơ đau tim, còn quercetin mang đặc tính chống viêm, làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch.
Bên cạnh đó, kali có trong dâu tây cũng hỗ trợ cho sức khoẻ tim mạch. Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, bạn tiêu thụ càng nhiều kali, bạn càng ít nguy cơ bị mắc bệnh tim.
Dâu tây là loại trái cây có hương vị hấp dẫn và nhiều lợi ích sức khỏe.
2. Có thể phòng chống ung thư
Các hợp chất bổ dưỡng có trong dâu tây và các loại quả mọng có thể giúp chống lại một số bệnh ung thư, đặc biệt hiệu quả với ung thư đường tiêu hoá và ung thư vú. Ngoài ra, chúng cũng có thể ngăn ngừa ung thư phổi, tuyến tiền liệt, gan và tuyến tuỵ.
3. Cải thiện tình trạng cao huyết áp
Kali trong dâu tây còn mang lại một số lợi ích đối với những người cao huyết áp, nhờ cách chúng tương tác với tác động tiêu cực của natri trong cơ thể. Hơn thế nữa, không chỉ giúp giảm huyết áp, kali còn giúp ngăn ngừa các cơn đau tim và đột quỵ.
4. Giảm táo bón
Ăn thực phẩm nhiều chất xơ như dâu tây sẽ giúp duy trì nhu động ruột đều đặn. Chất xơ thúc đẩy sự di chuyển của phân qua đường ruột, giúp ngăn ngừa táo bón.
Thông thường, các chuyên gia khuyên bạn nên tăng cường uống nước để thúc đẩy cơ thể tiêu hoá ổn định, tuy nhiên bên cạnh uống nước thì ăn thực phẩm chứa nhiều nước như trái cây cũng vô cùng có lợi.
5. Hỗ trợ phòng chống tiểu đường
Tình trạng kháng insulin xảy ra sẽ làm rối loạn quá trình chuyển hóa glucose trong máu đi nuôi dưỡng các tế bào. Giàu magie và vitamin C, quả dâu tây có thể ngăn chặn tình trạng kháng insulin, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, quả dâu tây chứa nhiều vitamin, chất chống oxy hóa và chất xơ giúp kiểm soát lượng đường trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Ăn dâu tây thế nào cho chuẩn?
Sinh tố dâu - một trong những cách thú vị để thưởng thức loại “siêu thực phẩm” này
Dâu tây có thể được sử dụng ở dạng tươi, đông lạnh, sấy, hoặc dạng thạch và mứt. Khi ăn dâu tây sấy, bạn nên kiểm tra thông tin dinh dưỡng để biết chính xác lượng đường là bao nhiêu.
Còn nếu ăn dưới dạng thạch hoặc mứt, tốt hơn hết là chọn loại làm từ dâu tây nguyên chất, hạn chế tối đa các chất làm ngọt và phụ gia khác.
Dưới đây là một vài cách thưởng thức dâu tây mà bạn có thể tham khảo:
- Cắt nhỏ dâu tây và thêm vào món salad gà.
- Trộn dâu tây với các loại trái cây khác để tạo thành món salad hoa quả.
- Rắc dâu tây lên món bột yến mạch hoặc ngũ cốc nguyên hạt.
- Xay dâu tây với chuối và sữa chua để có món smoothie tuyệt ngon.
Bên cạnh dâu tây, bạn cũng có thể bổ sung thêm vào thực đơn hằng ngày các loại rau quả, trái cây khác cũng như ngũ cốc để cơ thể được khoẻ mạnh toàn diện.
Theo suckhoedoisong