Hậu Covid-19: Bé gái lâm nguy vì 2 bệnh vừa gây đông máu, vừa gây chảy máu
Tin Y tế - Ngày đăng : 11:58, 02/03/2022
Cách đây ít ngày, bé P.N.Q (10 tuổi, ngụ tại TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) xuất hiện sốt cao, lạnh run, đau người, ăn uống ít và nôn ói, được gia đình chăm sóc tại nhà nhưng tình hình không thuyên giảm. Đến ngày thứ 3, bé Q. được người nhà đưa đến một bệnh viện tại Thủ Đức (TPHCM) để cấp cứu vì sốt cao và mệt nhiều hơn.
Kết quả xét nghiệm cho thấy bé có tình trạng tiểu cầu giảm, chỉ số cảnh báo tình trạng viêm tăng ở mức rất cao, tăng men gan, có hồng cầu và protein trong nước tiểu. Đáng chú ý, bé dương tính với sốt xuất huyết.
Khai thác bệnh sử, gia đình cho biết bé Q. từng là F0 trong khoảng thời gian từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 năm 2021. Ngay khi nắm được thông tin này, các bác sĩ khoa Nhi thực hiện thêm các xét nghiệm về , chỉ số viêm và đông máu cho bé, kết quả cho thấy nhiều chỉ số cao hơn gấp 10 lần so với thông thường.
Từ đó, các bác sĩ chẩn đoán bé Q. đã mắc hội chứng MIS-C (Multisystem Inflammatory Syndrome in Children). Đây là tình trạng viêm đa cơ quan sau mắc Covid-19 do phản ứng của cơ thể, gây tổn thương toàn bộ hệ thống cơ quan của cơ thể (gan, thận, phổi, não, huyết học,...). Người mắc bệnh này sẽ rơi vào tình trạng nguy kịch, có thể tử vong nếu không được xác định và điều trị sớm.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hải Thanh, Trưởng khoa Nhi chia sẻ, tình trạng của bé Q. rất nguy hiểm vì có nguy cơ tăng đông máu cao, có thể dẫn đến tắc mạch não, tắc mạch phổi, mạch vành, hoặc tắc mạch máu trong cơ thể ở bất kỳ cơ quan nào.
Nghiêm trọng hơn nữa là bệnh nhi có hai tình trạng đối nghịch nhau. Trong khi sốt xuất huyết khiến tiểu cầu của bé giảm, với những triệu chứng chảy máu, xuất huyết ngoài da thì MIS-C lại gây tăng đông máu. Nếu dùng thuốc kháng đông máu thì nguy cơ chảy máu sẽ nhiều hơn, làm nặng hơn tình trạng sốt xuất huyết. Nhưng chậm trễ chữa trị, MIS-C có thể sẽ diễn tiến nặng hơn. Vậy nên, các bác sĩ phải theo dõi sát tình trạng bệnh mỗi ngày và chọn thời điểm phù hợp để chỉ định điều trị hợp lý.
Sau 4 ngày nằm viện và điều trị bệnh sốt xuất huyết, tiểu cầu của bệnh nhi bắt đầu tăng lại, các triệu chứng chảy máu giảm. Lúc này, bé được tiến hành điều trị MIS-C. May mắn là bệnh nhi đáp ứng tốt với thuốc tiêm nên chỉ sau 48 giờ, chỉ số về đông máu đã giảm nhanh một cách ngoạn mục. Tiếp tục theo dõi thêm 24 giờ và thấy tình trạng lâm sàng ổn định, bé đã được bác sĩ cho xuất viện và hẹn tái khám để kiểm tra lại.
Theo bác sĩ Thanh, trẻ em khi mắc Covid-19 thường không có triệu chứng, hoặc triệu chứng rất nhẹ và thoáng qua trong vài ngày (như sốt, ho húng hắng, sổ mũi, ói, đau bụng, tiêu chảy...) rồi tự khỏi. Tuy nhiên sau khi nhiễm SARS-CoV-2, các bệnh liên quan Nhi khoa có thể thay đổi mức độ tùy theo cơ thể mỗi trẻ. Do đó, dù là các biểu hiện như ho, sốt hay rối loạn tiêu hóa... cha mẹ đều phải thận trọng vì có thể có liên quan đến hậu Covid-19.
Bác sĩ nhận định, vaccine là biện pháp phòng ngừa nhiễm SARS-CoV-2, qua đó sẽ giảm nguy cơ mắc MIS-C ở trẻ em. Nghiên cứu chỉ ra, tỉ lệ trẻ em từ 12-18 tuổi đã tiêm 2 liều vaccine có thể ngăn ngừa được hội chứng này tới 91%.
"Vậy nên, phụ huynh cần kiểm tra vấn đề sức khỏe của con, cho con đi tiêm vaccine theo khuyến cáo của Chính phủ và Bộ Y tế, để con có được miễn dịch tốt nhất.
Bên cạnh đó, cần có chế độ chăm sóc dinh dưỡng hợp lý cho con, hướng dẫn bé thực hiện 5K, tránh tụ tập đông người, đeo khẩu trang, vệ sinh tay thường xuyên trong giai đoạn bình thường mới và khi con được trở lại trường học" - bác sĩ khuyến cáo.