Giáo viên vận dụng hết 'công lực' để dạy học kiểu '2 trong 1'

Xã hội - Ngày đăng : 08:44, 02/03/2022

Sau vài tuần học sinh trở lại trường, số ca F0, F1 tăng nhanh khiến nhiều phụ huynh không yên tâm cho con trở lại trường. Giáo viên và học sinh cùng quay cuồng trong việc dạy song song 'on-off'.

Trần Bảo Hoàng- học sinh lớp 10 trường THPT Cầu Giấy (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết từ tuần thứ 3 đến trường, lớp em có 12 bạn F0 và F1 phải học zoom. Lớp chuẩn bị sẵn một chiếc laptop mở loa và bật camera. Máy tính được đặt trên bàn, camera chiếu lên bảng viết phấn trắng để học sinh ở nhà theo dõi. Tuy nhiên, mạng chậm khiến hình ảnh không rõ nét, chữ viết trên bảng chỉ nhìn thấy mờ mờ.

“Nhiều khi em sốt ruột vì không đọc được cô viết gì. Lúc mạng tốt có thể chép được bài trên bảng, còn khi bị đơ em cũng như các bạn khác chỉ còn cách ngồi chờ, bập bõm nghe bài giảng vì còn phụ thuộc cô nói to hay nhỏ. Kiểu nghe giảng như vậy rất mệt mỏi, ức chế.

Phương án để giải quyết vấn đề trên là cuối buổi học, em nhờ các bạn cùng lớp giảng lại hoặc chụp vở viết để chép bài. Không chỉ em gặp vấn đề với việc học từ xa, các bạn F1 trong lớp cũng khó khăn khi nghe giảng nhưng chúng em buộc phải thích nghi chứ không còn cách nào”, Hoàng cho hay.

Hiện nay không chỉ Hoàng mà nhiều học sinh ở trường khác tham gia lớp học trực tuyến kết hợp trực tiếp cũng gặp hoàn cảnh tương tự.

Cô giáo Nguyễn Thi Hà - giáo viên môn Toán tại Hà Nội kể: "Số học sinh là F0, F1 ngày càng tăng nên trường chúng tôi nhanh chóng chuyển đổi hình thức dạy học kết hợp học trực tuyến và trực tiếp với mong muốn đảm bảo quyền được học cho học sinh.

Những lớp có F0, F1 ở nhà học online, còn giáo viên thì vẫn phải đến trường vì vẫn còn những học sinh đi học trực tiếp.

Có những hôm, khi đường truyền Internet không ổn định, các em kêu nhiều vì không nghe thấy gì cũng không nhìn được gì, thế là tôi lại ngừng việc dạy trực tiếp để cố gắng khắc phục.

Đó là chưa kể việc dạy "2 trong 1" để học sinh trên lớp và học sinh ở nhà đều hiểu bài không phải chuyện đơn giản. Giáo viên phải vận dụng hết “công lực” để các em trên lớp và ở nhà có thể nghe, xem và nắm được bài.

Để làm được điều đó đa số giáo viên phải soạn lại giáo án, hướng dẫn kỹ hơn cho học sinh học từ xa. Vậy nhưng hiệu quả vẫn không được như mong muốn. Nếu tình hình này nếu cứ kéo dài thì giáo viên sẽ rất mệt mỏi".

Giáo viên vận dụng hết 'công lực' để dạy học kiểu '2 trong 1'
Lớp học trực tuyến kết hợp trực tiếp (ảnh: Quỳnh Trang)

Cùng cảnh ngộ trên, cô giáo Trần Thị Trang (Hà Nội) chia sẻ lớp cô hơn 40 học sinh thì có đến 20 học sinh F0 và F1 không đến lớp nên cô vừa phải dạy trực tuyến vừa dạy trực tiếp. Có hôm tiết 1 cô Trang dạy trực tiếp, tiết 2 lại dạy trực tuyến lớp khác, sang tiết 3 lại tất tả chạy về lớp mình chủ nhiệm để dạy trực tiếp rồi livestream cho các bạn ở nhà, quay cuồng giữa trực tiếp và trực tuyến, chạy hết lớp nọ đến lớp kia.

Điều cô Trang đặt ra là chất lượng học của học sinh liệu có thực sự được đảm bảo nếu duy trì việc dạy "on-off" như hiện nay hay không trong khi cả giáo viên và học sinh rất áp lực.

“Khi cùng lúc dạy "on - off", giáo viên phải xoay đủ kiểu, lúc viết trên bảng, khi lại viết trên máy tính, không thể nào quan tâm được hết các học sinh. Nếu học nửa trực tuyến, nửa trực tiếp thì theo tôi nên để cả lớp học trực tuyến, giáo viên vừa đỡ vất vả soạn giáo án song song mà học sinh cũng tập trung hơn, hình ảnh âm thanh cũng được rõ nét hơn vì mạng ở nhà bao giờ cũng tốt hơn ở trường có vài chục máy tính truy cập một lúc”, cô Trang nói.

Ông Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường Lomonoxop (Q.Nam Từ Liêm) cho biết, mỗi khối của trường này có một lớp dạy học trực tuyến dành cho học sinh F0, F1 nhưng với tình hình F0 tăng nhanh, nhà trường có thể sẽ phải tăng tối đa lên mỗi khối có 3 lớp học trực tuyến. Nếu vậy, việc học lại trở về gần như trạng thái chủ yếu học trực tuyến, bởi với cách dạy như hiện nay, giáo viên rất căng, hầu như không có thời gian nghỉ giữa giờ. Đặc biệt, nếu giáo viên thành F0 thì sẽ thiếu người dạy.

Hoàng Thanh