Khám phá sức mạnh dàn vũ khí hạt nhân uy lực của Nga
Đối ngoại - Ngày đăng : 22:06, 01/03/2022
Sáng ngày 24/2, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra tuyên bố thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào Ukraine, ông đã cảnh báo phương Tây nên tránh xa và không nên can thiệp.
Phát biểu từ Điện Kremlin khi phát động chiến dịch quân sự, ông Putin phát biểu một cách mạnh mẽ rằng: “Bất cứ ai cố gắng cản trở chúng tôi, và thậm chí gây ra mối đe dọa cho đất nước chúng tôi, cho người dân của chúng tôi, nên biết rằng phản ứng của Nga sẽ ngay lập tức. Và nó sẽ dẫn bạn đến những hậu quả mà bạn chưa từng gặp phải trong lịch sử".
Nga đang sử dụng biện pháp 'răn đe hạt nhân' trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. (Nguồn: The Atlantic) |
Lúc đó, một số chuyên gia quân sự đã giải nghĩa, những “hậu quả chưa từng gặp trong lịch sử” đó chính là một lời đe dọa rằng Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân với bất kì quốc gia nào có ý định can thiệp, thậm chí sử dụng biện pháp quân sự trước những động thái của Nga.
Vài ngày sau, trong khi cuộc xung đột Nga-Ukraine đang ngày một leo thang, ông Putin đã nói rõ hơn về lời cảnh báo này.
Tại một buổi họp với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang, Tướng Valery Gerasimov, Tổng thống Putin đã cáo buộc phương Tây có “những hành động kinh tế không thân thiện”, ám chỉ các lệnh trừng phạt nặng nề đang đe dọa và hủy hoại nền kinh tế Nga, cũng như "những tuyên bố gây hấn" với Moscow.
Với những lý do đó, Tổng thống Nga ra lệnh duy trì các lực lượng răn đe hạt nhân Nga ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất. Quyết định của ông Putin không làm rõ ngay rằng điều này sẽ thay đổi tình trạng của lực lượng hạt nhân Nga như thế nào.
Kho vũ khí hạt nhân đồ sộ
Ngày 29/8/1949, 4 năm sau khi Mỹ thử nghiệm và lần đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân để kết thúc Thế chiến II, Liên Xô cũng đã có vụ thử hạt nhân đầu tiên, đưa thế giới bước vào một giai đoạn mới. Đó là cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân, một trong những tâm điểm của cuộc cạnh tranh Mỹ-Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.
Những năm sau đó, cuộc chạy đua vũ trang này đã diễn ra vô cùng sôi nổi khi Liên Xô liên tục phát triển vũ khí mới. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Không phổ biến Vũ khí, từ năm 1949-1990, Liên Xô đã tiến hành 715 vụ thử hạt nhân trong khí quyển và dưới lòng đất.
Năm 1986, Liên Xô có khoảng 40.000 đầu đạn hạt nhân. Thông qua một số thỏa thuận kiểm soát vũ khí song phương với Mỹ vào cuối và sau Chiến tranh Lạnh, kho vũ khí của Nga đã thuyên giảm đáng kể.
Ngày nay, ước tính, Nga duy trì một kho dự trữ với 6.372 đầu đạn hạt nhân, trong đó 1.572 đầu đạn được triển khai trên tên lửa đạn đạo chiến lược trên đất liền, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng.
Ngoài ra, còn khoảng 870 đầu đạn chiến lược và 1.870 đầu đạn phi chiến lược đang được dự trữ, cùng với ước tính thêm 2.060 đầu đạn đang chờ tháo dỡ.
Theo các nguồn tin, Nga hiện có những vũ khí "khủng" có khả năng mang đầu đạn hạt nhân như tên lửa hạng nặng R-36M2, tên lửa siêu vượt âm Avangard có khả năng bay nhanh gấp 20 lần tốc độ âm thanh, hơn 100 tổ hợp Topol phóng từ mặt đất và phóng từ giếng phóng, các tổ hợp tên lửa RS-24... Nước này cũng sở hữu các vũ khí uy lực mang tên lửa hạt nhân như các máy bay ném bom, dàn tàu ngầm hiện đại...
90% số lượng vũ khí hạt nhận trên thế giới hiện nay thuộc về 2 cường quốc là Mỹ và Nga. Ngoài ra, còn 6 quốc gia khác cũng sở hữu vũ khí hạt nhân gồm: Trung Quốc, Pháp, Anh, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên. Ngoài ra, Israel cũng được cho là có vũ khí hạt nhân nhưng chưa bao giờ xác nhận thông tin này. |
Sức tàn phá khủng khiếp
Những thập kỷ gần đây, trật tự hạt nhân trên thế giới vẫn khá ổn định. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đã ký kết Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), qua đó hạn chế sự phát triển của loại vũ khí nguy hiểm này.
Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, xung đột hạt nhân được ngăn chặn bởi nguyên tắc “sự hủy diệt được đảm bảo cho cả hai bên”, tức nếu một quốc gia bắn bom hạt nhân và một bên trả đũa thì cả hai đều sẽ bị tiêu diệt.
Vũ khí hạt nhân là một vũ khí mạnh ở mức độ hủy diệt, với sức tàn phá khủng khiếp khác biệt hoàn toàn so với những loại bom hay chất nổ thông thường. Không những vậy, một yếu tố hủy diệt nữa của bom hạt nhân mà chúng ta không thể nhìn thấy, nghe hay cảm nhận được, đó chính là bức xạ.
Trong đó, tia Gamma đặc biệt nguy hiểm khi nó có sức tàn phá rất cao gây ra những bệnh phóng xạ, ung thư hay thậm chí là đột biến gen ảnh hưởng đến thế hệ con cháu của nạn nhân sau này.
Nga hiện có khoảng hơn 6.000 đầu đạn hạt nhân trong kho vũ khí của mình. (Nguồn: Getty) |
Sức tàn phá tàn bạo của vũ khí hạt nhân đã được kiểm chứng khi Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản vào tháng 8/1945.
Đây cũng là lần đầu tiên và duy nhất vũ khí hạt nhân được sử dụng trong thực chiến. Kể từ đó, dù cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân có căng thẳng đến mấy, vẫn chưa có một quả bom nguyên tử nào được ném xuống nữa, tất cả chỉ dừng lại ở những lời răn đe và đe dọa.
Có thể thấy, cách tiếp cận của Nga cũng không phải mới. Một số nước thường dựa vào kho vũ khí hạt nhân của mình để bù đắp cho sự hạn chế của các loại vũ khí khác.
Cụ thể, các quốc gia sẽ tính đến việc đe dọa hạt nhân như một “quân bài chiến lược” nhằm ngăn chặn các cuộc xung đột không đáng có, hoặc ngăn chặn việc để thua cuộc trong các trận chiến. Lấy ví dụ, trong quá khứ, Pakistan đã từng nhiều lần đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trước Ấn Độ, nhưng hai nước vẫn chưa xảy ra một cuộc xung đột toàn diện dù căng thẳng đã kéo dài nhiều năm qua.
Ba thập kỷ trước, Ukraine từng trở thành cường quốc hạt nhân lớn thứ ba thế giới trong một thời gian ngắn. Cụ thể, hàng nghìn đầu đạn hạt nhân đã được Moscow để lại trên đất Ukraine sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Nhưng trong những năm sau đó, Kiev đã quyết định phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Đổi lại, Mỹ, Anh và Nga sẽ đảm bảo an ninh và hỗ trợ kinh tế cho Ukraine trong một thỏa thuận năm 1994 được gọi là Bản ghi nhớ Budapest. |
Moscow muốn gì?
Năm 2020, Tổng thống Vladimir Putin đã thông qua các nguyên tắc cơ bản của chính sách răn đe hạt nhân của Nga. Moscow khẳng định chính sách hạt nhân của nước này mang tính phòng vệ.
Học thuyết của Nga đã vạch ra những kịch bản có thể dẫn tới việc họ cân nhắc "bấm nút" vali hạt nhân.
Theo đó, Nga sẽ hành động nếu có tên lửa đạn đạo được bắn vào lãnh thổ của Nga hoặc đồng minh; khi đối thủ sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào Nga ; hoặc tấn công vào địa điểm vũ khí hạt nhân của Nga; hoặc thực hiện đòn tấn công đe dọa sự tồn tại của nhà nước Nga.
Nga cũng đặt ra các tình huống mà nước này sẵn sàng áp dụng các biện pháp có tính cực đoan, gồm việc họ "nhận được các thông tin đáng tin cậy về việc có tên lửa đạn đạo triển khai để tấn công lãnh thổ Nga và các đồng minh", cũng như "đối thủ triển khai vũ khí hạt nhân hoặc các vũ khí hủy diệt hàng loạt nhằm vào Nga và các đồng minh".
Ngoài ra, lệnh triển khai vũ khí hạt nhân sẽ được đưa ra khi có một "cuộc tấn công của đối thủ nhằm vào các cơ sở quân sự của Nga, trong đó việc các cơ sở này bị phá hủy có thể gây gián đoạn phản ứng hạt nhân" của Nga; hoặc các hành động gây hấn bằng vũ khí thông thường nhưng đe dọa sự tồn tại của nước Nga.
Theo hãng tin Al Jazeera, không có bất cứ tiêu chí nào được nêu trên phù hợp với các diễn biến thực tế đang diễn ra ở Ukraine. Hơn nữa, Nga đã cùng 4 thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào tháng Một đã ký một văn bản khẳng định rằng "một cuộc chiến tranh hạt nhân không thể thắng và không bao giờ nên được tiến hành".
Vì vậy, theo các chuyên gia, việc ông Putin chuyển sang trạng trái “răn đe hạt nhân” là một cách để gia tăng áp lực lên Ukraine và các quốc gia ủng hộ Kiev, nhằm đạt được các giải pháp thuận cho lợi ích của Moscow về vấn đề này.
Viễn cảnh về cuộc xung đột Nga-Ukraine leo thang và biến tướng thành một cuộc chiến tranh hạt nhân cũng khó có thể xảy ra.
Ông Matthew Bunn, giáo sư tại trường Harvard Kennedy, nhận định rằng, trong bối cảnh Nga đang chiếm được nhiều lợi thế hơn so với quân đội Ukraine, Mỹ và các đồng minh NATO không gửi quân đến can thiệp thì ông Putin không có nhiều lý do để sử dụng vũ khí hạt nhân.
Dù vậy, quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đang khiến phần còn lại của thế giới rơi vào tình trạng báo động, bởi bất cứ một tính toán sai lầm nào, dù là vô ý hay có chủ ý, từ phía Nga, Ukraine hay phương Tây đều có thể khiến thế giới rơi vào tình trạng bất ổn hơn bao giờ hết.