Phụ huynh lo con 'đi học cũng khổ, ở nhà càng khổ hơn': Chuyên gia hiến kế
Xã hội - Ngày đăng : 15:20, 01/03/2022
Thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội tuần qua cho thấy, số học sinh đi học trực tiếp giảm. Khối THPT giảm từ tỷ lệ trên 90% những ngày đầu xuống còn trên 75%; khối THCS còn hơn 77% đến trường; học sinh tiểu học ở ngoại thành còn 79%. Có trường F0, F1 chiếm hơn một nửa. Nguyên nhân là hàng nghìn học sinh, giáo viên trở thành F0. Thực tế cho thấy nhiều câu chuyện trớ trêu khi cho trẻ đến trường trong mùa dịch, như lớp chỉ một học sinh một giáo viên, hay cô giáo F0 dạy online ở nhà, còn học sinh vẫn lên lớp...
Từ thực tế trên cùng bối cảnh các ca COVID-19 ở Hà Nội liên tiếp lập đỉnh, ngay cả phụ huynh trước đây ủng hộ con đến trường học trực tiếp giờ bắt đầu "chùn bước". Không chỉ lo con mắc COVID-19 mà việc học on- off, nay nghỉ rồi mai học khiến không chỉ phụ huynh mà còn học sinh chán nản, chất lượng không đảm bảo.
Nhưng ở nhà cũng không xong. Trẻ sẽ chỉ "ôm" máy tính cả ngày, không được tham gia các hoạt động vui chơi, các vấn đề sức khỏe, tâm lý, phát triển trẻ đều bị ảnh hưởng. Điều này đã được nhiều chuyên gia cảnh báo "Trẻ sẽ mắc bệnh đáng sợ hơn COVID-19 nếu không sớm đến trường" cùng hàng loạt hệ lụy khác.
"Đi học cũng khổ, nhưng ở nhà càng khổ hơn", là tâm trạng của phụ huynh lúc này.
Kết hợp trực tuyến với trực tiếp
Theo TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, số học sinh, giáo viên F0, F1 tăng cao khiến các trường ở Hà Nội gồng mình ứng phó. Nhiều nơi học sinh đến lớp học trực tuyến thì giáo viên ở nhà dạy online vì mắc COVID-19, hay lớp học sĩ số 1/40 học sinh đi học còn lại nghỉ, giáo vừa phải dạy online vừa dạy trực tiếp. "Các trường cho rằng cách làm này là kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp, nhưng theo tôi đó là sự chấp vá để ứng phó với tình thế", ông nói.
Theo ông, kết hợp trực tuyến với trực tiếp là phải phân chia rõ ràng các nhóm/mảng kiến thức trong chương trình học. Ví dụ, mảng kiến thức A, B, C quan trọng nhất thì học sinh bắt buộc đến lớp học trực tiếp, còn nhóm kiến thức D, E, F để bổ trợ thì soạn bài giảng chuẩn mục để chiếu phát lên truyền hình, các kênh mạng xã hội, học sinh không cần tới trường nhưng vẫn có thể chủ động học theo sự giám sát, kiểm tra của giáo viên, phụ huynh.
Dịch căng thẳng thì chủ yếu trực tuyến, bài nào quan trọng cho các em đến trường dạy trực tiếp. Còn khi dịch tạm lắng xuống thì đẩy mạnh học trực tiếp và bài nào không quan trọng thì cho các em ở nhà tự học.
TS Lê Viết Khuyến
Trước băn khoăn của nhiều giáo viên, phụ huynh muốn cho con tạm nghỉ học trực tiếp khi dịch ở Hà Nội đang căng thẳng, TS Khuyến cho rằng, dù Sở GD&ĐT cho học sinh đến trường hay ở nhà cũng đều tạo nên ý kiến tranh luận trái chiều. Lúc này khó mà đưa ra phương án nào thoả mãn đầy đủ hai yếu tố chất lượng giáo dục và sức khoẻ học sinh. Theo cách nào cũng đều phải chấp nhận được và mất, chỉ là mất nhiều hay mất ít.
Phương án khả dĩ nhất theo ông là kết hợp học trực tuyến với trực tiếp. Dịch căng thẳng thì chủ yếu trực tuyến, bài nào quan trọng cho các em đến trường dạy trực tiếp. Còn khi dịch tạm lắng xuống thì đẩy mạnh học trực tiếp và bài nào không quan trọng thì cho các em ở nhà tự học. Để làm được Bộ GD&ĐT nên hướng dẫn thêm các trường triển khai dạy học trong bối cảnh này, cụ thể là giảm tải chương trình học, tập trung học kiến thức cơ bản, còn kiến thức bổ trợ, tham khảo tiếp tục cắt giảm hơn nữa. "Không có sự hướng dẫn tỉ mỉ, các trường phổ thông linh hoạt thích ứng rất khó, nói đúng hơn là chưa đủ năng lực để xử lý", ông nói.
Không thể chờ hết dịch COVID-19 mới cho học sinh đi học và cũng không ai dự đoán chính xác được thời điểm dịch lắng xuống để cho các em đến trường. Do đó, Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT cần cuộc ngay sắp xếp lại nội dung học trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa việc đưa ra nhiều bài giảng đúng chuẩn lên mạng xã hội, truyền hình để học sinh tiện theo dõi, tự bồi đắp kiến thức tại nhà ngay cả khi không thể đến trường.
TS Nguyễn Thị Huệ, Đại học Sư phạm Hà Nội nêu quan điểm, học trực tuyến không hiệu quả được như học trực tiếp, thực tế 3 năm qua đã chứng minh điều này. Đồng thời, học sinh ở nhà quá lâu ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm sinh lý và thể lực, không thể trốn tránh mãi được. Trẻ cần được đến trường để đảm bảo giáo dục kiến thức cũng như trau dồi các kỹ năng sống. Kỹ năng phòng chống dịch bệnh và bảo vệ bản thân cũng là điều các em cần học tập.
Hà Nội đã cho những lứa học sinh chưa tiêm vaccine nghỉ ở nhà học online, còn các em được tiêm vaccine vẫn đến trường là hiển nhiên. Chúng ta nên chấp nhận giai đoạn khó khăn này, có thể mất 1 - 2 tuần thậm chí là cả tháng.
Về băn khoăn nửa học trực tiếp, nửa trực tuyến không hiệu quả, chỉ khiến giáo viên, học sinh thêm mệt mỏi, TS Huệ chia sẻ, đây là giải pháp phù hợp trong bối cảnh hiện nay, không còn cách làm nào tối ưu hơn. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT Hà Nội nên hướng dẫn cụ thể hơn việc giảm tải kiến thức, chỉ ưu tiên dạy và học những kiến thức quan trọng, nền tảng, đặc biệt là học sinh cuối cấp lớp 9, lớp 12. Điều này sẽ giảm bớt áp lực cho học sinh, giáo viên trong việc chạy đua vừa dạy học, vừa chống dịch như hiện nay.
Đề xuất giao quyền tự chủ cho các trường
Luôn ủng hộ chủ trương mở cửa trở lại trường học an toàn, thận trọng, sớm nhất có thể, nhưng từ thực tế số ca mắc COVID-19 trong học sinh trường tăng cao, cùng với khó khăn khi dạy học song song trực tiếp, trực tuyến, cô Văn Thuỳ Dương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Cầu Giấy, Hà Nội) Dương cho rằng "không nhất thiết phải ngay và luôn đưa các con đến trường".
Các cơ quan quản lý nên tính đến phương án tạm dừng học trực tiếp 1 - 2 tuần, chuyển qua học online, khi đủ an toàn sẽ mở cửa lại trường học.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp
Sau 3 tuần mở cửa, trường (2 cơ sở Cầu Giấy và Thanh Trì) ghi nhận khoảng 500 em dương tính SARS-CoV-2, chưa kể số học sinh là F1. Hơn 50% cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường mắc COVID-19. Nhiều lớp 27 học sinh thuộc diện F1, F0. Lớp có số học sinh nhiễm bệnh ít, thầy cô lại bị nhiều nên nhiều tiết, học sinh đến lớp nhưng phải học online. Nếu đi học, một lớp sẽ phải dạy cả trực tiếp lẫn trực tuyến. Thầy cô đã gồng mình, nay tiếp tục căng thẳng.
Theo cô Dương, thay vì chỉ đạo đồng loạt, UBDN thành phố và Sở GD&ĐT Hà Nội có thể giao quyền quyết định cho các trường, đặc biệt trường ngoài công lập hoặc đưa ra các khuyến cáo để trường làm căn cứ, quyết định cho học sinh đến lớp khi xác định đủ an toàn cho các con.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ, hiện cả trường ghi nhận gần 200 học sinh F0, 600 F1 (chiếm 43% học sinh toàn trường) và nhiều giáo viên cũng mắc COVID-19. Do đó, trường quyết định lớp nào trên 50% học sinh F0 và F1 sẽ chuyển sang học trực tuyến 100%.
Theo cô Nhiếp, quyết tâm đưa trẻ trở lại trường là đúng, nhưng cần căn cứ vào điều kiện thực tế. Nếu quá nhiều học sinh F0, F1 nên linh hoạt chuyển sang trực tuyến hoàn toàn. Việc tập trung dạy theo một hình thức cũng giúp giáo viên có thể quan sát, quản lý học sinh và dễ dàng thiết kế bài giảng hơn.
Nếu tình hình dịch tiếp tục căng thẳng như hiện nay thì các cơ quan quản lý nên tính đến phương án xem xét tạm dừng học trực tiếp 1 - 2 tuần, chuyển qua học online, khi đủ an toàn sẽ mở cửa lại trường học.
Minh KhôiBộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn từng chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay sẽ rất khó có phương án thỏa mãn được tất cả yêu cầu, chỉ có thể cân nhắc, lựa chọn một phương án khả dĩ nhất. Đó là tùy theo tình hình thực tế, các địa phương phải chủ động, linh hoạt đưa học sinh trở lại trường.
"Hiện một số địa phương đưa ra khẩu hiệu, chỉ 1 học sinh đến lớp vẫn mở cửa lớp, có ý kiến cho rằng điều này là không hiệu quả. Nhưng tôi lại nghĩ rằng hiệu quả. Một vài gia đình không thể trông con nên đưa đến lớp, việc này sẽ cổ vũ cho các cháu khác và những người khác", Bộ trưởng nói và nhấn mạnh về định hướng tiếp theo ngành Giáo dục tiếp tục nhất quán chỉ đạo đưa học sinh quay trở lại trường học, dẫu đang có nhiều băn khoăn nhưng đó là xu thế chung và cần xác định về tư tưởng, đưa học sinh quay trở lại trường học là tất yếu, không thể khác.