Cảnh giác với thông tin sai về "thực phẩm diệt virus SARS-CoV-2" trên mạng
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 09:29, 01/03/2022
Chăm sóc trẻ mắc COVID-19 đúng cách
Khi phát hiện trẻ nghi mắc hoặc mắc COVID-19, cha mẹ cần bình tĩnh xác định mức độ bệnh của con. Nếu trẻ mắc COVID-19 mức độ nhẹ thì việc điều trị tại nhà là chìa khóa giúp trẻ được chăm sóc tốt từ gia đình, ít ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ và hạn chế tình trạng quá tải y tế không cần thiết. Nguy cơ lây nhiễm virus, bệnh khác từ bệnh viện cũng được giảm bớt.
PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết: Ngoài các cách hạ sốt, cha mẹ cần cho trẻ uống nước thường, nước điện giải. Những biểu hiện mất nước như tiểu ít, nước tiểu vàng, đậm đặc, môi khô. Nước điện giải cần pha đúng liều lượng. Sau khi cho con uống, cha mẹ theo dõi cả ngày và đêm, sau bù nước mà tiểu nhiều, trong hơn, môi không khô thì có thể yên tâm.
"Không uống quá nhiều nước cam, nước quả nguy cơ gây nôn, đầy bụng. Trẻ không cần đưa đến viện nếu cha mẹ đảm bảo theo dõi sát trẻ chơi ngoan không, ăn bú đầy đủ và có đáp ứng với thuốc hạ sốt, giảm sốt trẻ tỉnh táo. Các điều kiện trên đây tiến triển tốt trong 24 - 48 giờ thì có thể tiếp tục chăm sóc bé tại nhà"- PGS.TS Trần Minh Điển lưu ý nếu trẻ ho có thể sử dụng các loại siro ho thảo dược để giảm triệu chứng.
Chế độ dinh dưỡng phù hợp với người mắc COVID-19
Tuy nhiên, hiện nay, trên các trang mạng xã hội đang chia sẻ một số thông tin chưa chính xác về cách chăm sóc và chế độ dinh dưỡng cho trẻ mắc COVID-19, gây nhiều hiểu lầm cho cha mẹ và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình chăm sóc cũng như điều trị bệnh của trẻ như: Ăn những thức ăn hay hoa quả có tính kiềm cao hơn để diệt virus SARS-CoV-2 có tính acid...
TS.BS Lưu Thị Mỹ Thục - Trưởng khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Nhi Trung ương) - cho hay: Cho tới nay, chưa có kết luận về một loại thức ăn cụ thể nào có thể diệt được virus. Mỗi loại thực phẩm đều có giá trị riêng, ví dụ vitamin C tăng cường miễn dịch có nhiều trong hoa quả tươi như bưởi, cam, kiwi, nhưng Flavonoid là chất chống ôxy hóa lại có nhiều trong lá màu xanh sẫm như súp lơ, cải xanh hay vitamin E thúc đẩy sự phát triển của các cơ quan miễn dịch thì lại có nhiều trong rau mầm, đậu nành…
Như vậy, trẻ cần ăn đa dạng các loại thực phẩm để cơ thể nhận đủ các dưỡng chất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát tiển của trẻ cũng như hệ miễn dịch vững vàng để chống lại bệnh tật, tránh chỉ ăn một loại thức ăn hay thực phẩm nào đó gây mất cân đối trong khẩu phần ăn.
TS.BS Lưu Thị Mỹ Thục cũng chỉ ra cách theo dõi và bổ sung dinh dưỡng cho trẻ mắc COVID-19 điều trị tại nhà:
Theo dõi cân nặng của trẻ: 3-5 ngày/lần, nếu trẻ có sụt cân từ 1-2%/1 tuần cần thông báo ngay cho nhân viên y tế để được hướng dẫn thích hợp.
Theo dõi lượng thức ăn trẻ ăn vào/ngày: Trẻ nhỏ cần tiếp tục duy trì bú mẹ. Trẻ trên 2 tuổi cần đảm bảo tối thiểu lượng sữa công thức theo lứa tuổi là 500 ml sữa/ngày.
Nếu lượng thức ăn trẻ ăn vào giảm dưới 70% so với bình thường trong thời gian trên 3 ngày thì cần được tư vấn bởi nhân viên y tế.
Đảm bảo đủ nước cho trẻ: Dựa vào nhu cầu của trẻ, đảm bảo trẻ không khát, không có dấu hiệu thiếu nước như môi lưỡi khô, tiểu ít nước tiểu sẫm màu.
Ăn đủ rau tươi và trái cây theo độ tuổi
Không cần cho trẻ em theo chế độ ăn đặc biệt, vẫn ăn bình thường nhưng bữa ăn hàng ngày của trẻ cần đa dạng loại thực phẩm (ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm) và chú ý bổ sung dầu mỡ và tăng cường protein giàu giá trị sinh học (thịt, cá trứng sữa, và các loại họ đậu đỗ) trong khẩu phần ăn của trẻ.
Nếu trẻ ăn kém do sốt, ho, mệt mỏi, ngạt mũi... thì cha mẹ có thể chia nhỏ bữa hoặc thay thế, bổ sung thêm 1-2 bữa phụ bằng các chế phẩm sữa có đậm độ năng lượng cao (1Kcal/ml với trẻ trên 1 tuổi hoặc 0,75-0.8kcal/ml cho trẻ dưới 1 tuổi) để thay thế hoàn toàn hay một phần cho sữa công thức thông thường.