Uống rượu, phơi nắng có diệt được COVID-19?
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 20:00, 28/02/2022
Chưa có nghiên cứu chứng minh
Tiến sĩ Hanan Balkhy, một cố vấn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khẳng định: "Uống rượu không có giết được virus. COVID-19 không sợ rượu chúng ta uống"
Ý tưởng "uống rượu hoặc đồ có cồn để giết virus", theo bà Balkhy, có thể xuất phát từ chuyện mọi người được khuyên nên rửa tay bằng nước rửa tay có cồn để diệt vi khuẩn và virus.
"Cồn trong các loại nước rửa tay đậm đặc hơn nhiều mới có tác dụng. Nhưng đó không phải là thứ có thể uống được. Sẽ có những tác dụng phụ nghiêm trọng nếu uống", vị chuyên gia của WHO cảnh báo.
Nói ngắn gọn, uống rượu không chỉ không giết được virus mà còn tốn tiền và tăng bạo lực gia đình.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo rằng, chưa có bất kỳ một nghiên cứu khoa học nào chứng minh được rượu có thể ngăn ngừa được lây nhiễm COVID-19, thậm chí còn gây gia tăng lây nhiễm do sử dụng chung cốc uống rượu, tăng bạo lực gia đình khi cách ly y tế, tăng mức độ nặng của các bệnh lý nền như bệnh gan, thận….
PGS Phạm Thị Bích Đào – Bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Hà Nội – cho biết, thành phần rượu có cồn nhưng nồng độ cồn để sát khuẩn phải từ 70 độ trở lên, và chỉ sát khuẩn bề mặt, trên da.
Chúng ta cũng không thể ngậm rượu nồng độ cồn cao trong miệng để diệt virus, chưa kể khi đó virus đã ngấm vào trong tế bào.
Đồng thời nồng độ cồn trong rượu nếu cao còn gây tổn thương niêm mạc, dẫn tới hậu quả ngược lại mong muốn là tạo đường vào tế bào dễ dàng hơn cho các loại vi khuẩn và virus tấn công, trong đó có COVID-19.
Tác động tiêu cực đến sức khỏe
Về những ảnh hưởng, tác động tiêu cực của bia rượu tới cổ họng, sức khỏe, bác sĩ Đào cho hay bia rượu sẽ làm tăng cảm giác rát ở họng do kích thích niêm mạc họng hoặc phản ứng trào ngược dạ dày - thực quản.
Ngoài ra, khi lạm dụng đồ uống có cồn sẽ gây ra các thay đổi đột ngột nhiệt độ như uống bia lạnh, rượu lạnh. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột này dễ gây ra các chứng viêm họng.
Phù quink họng - thanh quản do dị ứng rượu bia gây đau họng, khó thở thanh quản cấp, thậm chí có thể tử vong do phù nề thanh quản. Những người say rượu bia, nôn nhiều nên có thể tác động lên đường hô hấp trên tăng tiết dịch, sung huyết cuống mũi nên khi ngủ phải há miệng ra để thở.
Không khí thở không đi qua mũi mà đi thẳng qua miệng, không được lọc, không được làm ấm hay làm ẩm sẽ là nguy cơ gây các cơn ho và viêm họng.
Đáng chú ý, rượu làm tăng số lượng thụ thể ACE2 vốn là các mục tiêu được virus COVID-19 thích bám lấy để xâm nhập vào tế bào chúng ta. Uống rượu kích thích các phản ứng miễn dịch viêm làm tăng nguy cơ mắc các dạng bệnh nặng.
Về cách súc miệng để phòng chống dịch COVID-19 có hiệu quả, bác sĩ Đào cho biết người dân có thể súc miệng bằng nước muối nhạt, ấm và các dung dịch sát khuẩn họng mỗi ngày để phòng chống, hạn chế nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Các chuyên gia của WHO cũng lưu ý tại một số nước nhiều người đã phơi nắng nhằm giết chết virus corona. Điều này mặc dù có lợi là giúp cơ thể tăng cường vitamin D, nhưng theo các chuyên gia về y tế nó lại không có ý nghĩa gì đối với SARS-CoV-2.
WHO cũng khuyến cáo không nên sử dụng đèn tia cực tím để "khử trùng" virus trên da vì có thể gây ra các vấn đề kích ứng.