FIFA bị chê ‘khiếp nhược’ vì không dám 'rút thẻ đỏ' với Nga
Câu chuyện thể thao - Ngày đăng : 19:43, 28/02/2022
Rốt cuộc, FIFA đã có động thái đầu tiên phản đối cuộc xâm lược của Nga với Ukraine. Nhưng trong khi tất cả đều kỳ vọng án phạt nặng như loại Nga khỏi vòng play-off World Cup 2022 thì FIFA vẫn cho phép thi đấu nhưng phải đá trên sân trung lập, không có quốc ca lẫn quốc kỳ và chỉ được mang tên RFU – Liên đoàn bóng đá Nga.
Thông báo của FIFA đăng trên trang chủ: "Sẽ không có trận đấu quốc tế nào diễn ra trên lãnh thổ Nga. Các trận đấu trên sân nhà của Nga được tổ chức trên sân trung lập và không có khán giả. Các cầu thủ đại diện sẽ tham gia dưới tên “Liên đoàn bóng đá Nga (RFU)”, không phải ĐTQG, không cử quốc ca, quốc kỳ trong các trận đấu”.
Ở vòng play-off, Nga sẽ thi đấu với Ba Lan vào ngày 24/3, đội thắng trong cặp này sẽ đá tiếp với đội thắng trong cặp bán kết còn lại của nhánh B là Thụy Điển – CH Czech.
FIFA cũng bày tỏ phản đối cuộc xâm lược vào Ukraine bằng thông điệp: “Bạo lực không bao giờ là giải pháp và FIFA bày tỏ sự đoàn kết sâu sắc nhất với tất cả những người bị ảnh hưởng bởi những gì đang xảy ra ở Ukraine. FIFA một lần nữa kêu gọi khẩn cấp khôi phục hòa bình và bắt đầu đối thoại mang tính xây dựng ngay lập tức”.
Tưởng đâu quyết định này sẽ xoa dịu dư luận quốc tế, ngờ đâu các nước liên quan trực tiếp đã bày tỏ phẫn nộ với sự ưu ái của FIFA.
Theo tờ Goal, Chủ tịch LĐBĐ Ba Lan (PZPN) Cezary Kulesza lên tiếng chỉ trích: “Quyết định hôm nay của FIFA là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Chúng tôi không quan tâm đến việc tham gia trận đấu này. Lập trường của chúng tôi vẫn còn nguyên: ĐT Ba Lan sẽ không đá với Nga, bất kể tên của đội là gì". Lời khẳng định của Kulesza đúng như tinh thần trong thông cáo báo chí phát đi hai hôm trước khẳng định Nga sẽ không ra sân với Nga bất kể trận đấu diễn ra ở đâu và với hình thức nào. Quyết định tẩy chay này được Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ủng hộ tuyệt đối.
Còn với đội trưởng Robert Lewandowski, anh tuyên bố ủng hộ quyết định của LĐBĐ nước mình: "Đó là một quyết định đúng đắn! Tôi không thể tưởng tượng được việc chơi một trận đấu với Đội tuyển Quốc gia Nga trong một tình huống mà hành động gây hấn có vũ trang ở Ukraine vẫn tiếp diễn. Những người hâm mộ bóng đá và các cầu thủ của Nga không phải chịu trách nhiệm cho điều này, nhưng chúng tôi không thể giả vờ rằng không có gì xảy ra cả”.
Trong trận thắng Frankfurt 1-0 ở vòng 24 Bundesliga vừa qua, Lewandowski được mang băng đội trưởng thay Manuel Neuer và anh đã chọn màu cờ Ukraine đeo ở cánh tay. Sau trận, tiền đạo này tiếp tục đăng thông điệp trên trang cá nhân: “với tư cách là vận động viên, tôi không thể giả vờ như không biết những gì đang diễn ra”.
Cả Thụy Điển lẫn CH Czech cũng lên tiếng chỉ trích FIFA “ưu ái quá mức” và “khiếp nhược”. Liên đoàn bóng đá Thụy Điển cứng rắn: "Chúng tôi kêu gọi FIFA hủy bỏ các trận đấu ở vòng play-off diễn ra vào tháng Ba mà Nga tham dự. Bất kể FIFA quyết định ra sao, chúng tôi sẽ không thi đấu với ĐT Nga vào tháng Ba tới”.
Người đứng đầu bóng đá của Thụy Điển Karl-Erik Nilsson nói: “chúng tôi không thể hiểu được quyết định này”. Ông còn chỉ trích FIFA quan tâm đến quyền lợi kinh tế hơn là bày tỏ tiếng nói vì công lý, cụ thể là với Gazprom, tập đoàn khí đốt với đa số sở hữu thuộc nhà nước Nga đang là đối tác tài trợ hàng đầu của FIFA và nhiều nền bóng đá.
“Năm 1992, khi chiến sự xảy ra ở Nam Tư, họ đã bị UEFA cấm thi đấu và không thể đến đất nước tôi tham gia EURO 1992, nhường suất cho Đan Mạch. Thế nhưng một đất nước đi tấn công Ukraine như Nga thậm chí vẫn được thi đấu. Thật không thể hiểu được. Mọi quyết định của FIFA cần phải được thiết lập dựa trên tinh thần đồng thuận với lẽ phải”, Karl-Erik Nilsson gay gắt.
Trong khi đó, CH Czech cũng thẳng thắn bằng tuyên bố: "Liên đoàn bóng đá, các cầu thủ ĐTQG và các nhân viên nhất trí rằng không thể thi đấu với đội tuyển quốc gia Nga trong tình hình hiện tại, thậm chí không phải trên địa điểm trung lập. Chúng tôi muốn chiến tranh kết thúc càng sớm càng tốt”.
Mặc dù trên thông báo, FIFA cho biết đây chỉ là “phản ứng đầu tiên” với vấn đề của Nga, nhưng có thể thấy tổ chức này đang đối mặt với áp lực cực lớn. Chủ tịch Gianni Infantino có lẽ đang phải giờ hai bàn tay trước mặt để chọn. Một bên là quyền lợi của Nga và bên kia là tiếng nói của lương tri.