Khi nào có thể xem COVID-19 là bệnh truyền nhiễm thông thường?

Tin Y tế - Ngày đăng : 16:07, 28/02/2022

Trả lời về câu hỏi trên, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, phải đến khi COVID-19 không còn nguy cơ gây quá tải hệ thống y tế; tỉ lệ tử vong do COVID-19 được khống chế ở ngưỡng tương tự các bệnh truyền nhiễm khác hoặc cho là chấp nhận được, không gây áp lực cho kinh tế xã hội thì có thể cân nhắc xem như bệnh truyền nhiễm thông thường.

Chưa thể xem COVID-19 là bệnh truyền nhiễm thông thường

Những ngày qua, số ca mắc COVID-19 trên cả nước vẫn đang có chiều hướng tăng nhanh, đỉnh điểm ngày 26.2, Hà Nội có gần 11.000 ca nhiễm. Số ca F0 tăng cao, y tế cơ sở quá tải, nhiều nơi lúng túng trong cách xử lý ca nhiễm mới dẫn đến việc mỗi nơi một kiểu gây khó khăn và hoang mang cho người dân.

Theo ghi nhận của PV, nhiều F0 điều trị tại nhà hiện loay hoay tìm cách khai báo với trạm y tế phường xã. Nhiều người phải tự mua kit test COVID-19, chật vật chờ xét nghiệm để được "công nhận" là F0 hoặc có được "giấy chứng nhận tái hòa nhập cộng đồng".

Trước tình trạng trên, có nhiều đề xuất cho rằng, đã đến lúc coi COVID-19 là bệnh chuyên khoa truyền nhiễm thông thường hay bệnh đặc hữu (hiện diện thường xuyên), tiến tới bỏ việc chứng nhận F0 và khỏi bệnh để giảm áp lực cho y tế cơ sở, bởi Việt Nam đã có tỉ lệ bao phủ vaccine rộng, số ca nặng và tử vong giảm.

Trao đổi với Lao Động về vấn đề trên, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng - cho biết, theo thống kê của Bộ Y tế, số ca mắc tăng cao nhưng tỉ lệ ca trở nặng và tử vong đã giảm, tuy nhiên hiện nay chưa thể coi COVID-19 là bệnh truyền nhiễm thông thường.

Theo PGS Phu, cần thận trọng trong việc nhìn nhận về đặc tính của COVID-19 cũng như “chuyển hạng” cho bệnh dịch này. Để có thể đưa một bệnh truyền nhiễm ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A cần căn cứ vào nhiều yếu tố như: Độ ổn định ca nhiễm, khả năng miễn dịch cộng đồng (gồm miễn dịch tự nhiên và độ bao phủ vaccine), tỉ lệ ca tử vong, khả năng đáp ứng y tế và vấn đề tác động nguy hiểm tới sức khỏe và đời sống xã hội.

PGS.TS Trần Đắc Phu- Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Việt Nam. Ảnh: VGP
PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Việt Nam. Ảnh: VGP

Theo Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, thực tế hiện nay nếu đưa COVID-19 trở về bệnh truyền nhiễm thông thường, dịch bệnh vẫn sẽ tiếp tục lây nhiễm, vẫn có ca chuyển biến nặng, ca tử vong và gây áp lực lên hệ thống y tế. Đặc biệt, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa công bố COVID-19 là bệnh đặc hữu.

“Hiệu quả phòng bệnh của vaccine COVID-19 còn ở mức nhất định, chưa bao phủ đồng đều trên thế giới, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu… Ở thời điểm hiện tại, COVID-19 vẫn có nguy cơ gây quá tải hệ thống y tế. Theo tôi, vẫn chưa thể xem đây là bệnh truyền nhiễm thông thường” - PGS Phu nêu quan điểm.

Nhận định lúc này coi COVID-19 như cúm là quá sớm

Trước đó, tại phiên giải trình về việc triển khai dạy học trong bối cảnh dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin, thủ tục mua vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi cơ bản đã xong, Bộ Y tế đề nghị cấp chậm nhất là đến ngày 30.4.2022 để đẩy nhanh việc bao phủ tiêm vaccine cho trẻ em.

Trước ý kiến cho rằng, đã đến lúc xem COVID-19 là cúm mùa thông thường, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin, lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới mới đây nhận định, lúc này coi COVID-19 như cúm là quá sớm; tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, năm 2022 có thể xuất hiện biến chủng mới.

"Đến nay, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên chúng ta không thể lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch” - Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Thiều Trang