Đến lúc bỏ chứng nhận F0, coi COVID-19 là bệnh đặc hữu để giảm áp lực y tế?
Tin Y tế - Ngày đăng : 10:30, 28/02/2022
Đến lúc coi COVID-19 là bệnh đặc hữu thông thường?
Những ngày qua, số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội liên tục tăng cao, đỉnh điểm ngày 26.2 gần 11.000 ca nhiễm. Trong đó có nhiều F0 điều trị tại nhà đang loay hoay tìm cách khai báo với trạm y tế phường, xã. Do số lượng F0 ngày càng nhiều, nên mỗi nơi áp dụng khai báo một kiểu. Tuy nhiên, do số lượng F0 quá đông trong khi lực lượng cán bộ y tế mỏng, nhiều nơi đã xảy ra hiện tượng quá tải.
Ghi nhận thực tế tại một số trạm y tế phường có những quy định riêng về việc xác nhận F0. Có nơi hướng dẫn người dân ra trạm y tế test nhanh COVID-19 và làm hồ sơ, gây nên tình trạng xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm, quá tải tại trạm y tế.
Tại Trạm y tế phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), tình trạng người dân tập trung xếp hàng xin xác nhận F0 kéo dài nhiều ngày qua. Tình trạng mỗi nơi thực hiện một kiểu như hiện nay làm người dân không khỏi lúng túng, "quay cuồng" trong các thủ tục hành chính rườm rà.
Không chỉ tại Hà Nội, để được ở nhà điều trị và hưởng các chế độ, các F0 là công nhân, viên chức, lao động tại những địa phương khác cũng phải đến cơ sở y tế xét nghiệm lại để có giấy chứng nhận dương tính với COVID-19. Vì thế, những ngày qua, tại các trạm y tế xã, phường luôn đông đúc F0.
Số ca nhiễm mỗi ngày liên tục tăng, nhưng số ca nặng, tử vong có xu hướng giảm và trong tầm kiểm soát. Tỷ lệ bao phủ vaccine COVID-19 cũng tăng cao. Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc nên xem COVID-19 là bệnh truyền nhiễm thông thường. Do đó, việc công nhận F0 và chứng nhận khỏi bệnh cũng không còn cần thiết.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, việc yêu cầu những người đã có kết quả test nhanh dương tính vẫn phải đến trạm y tế phường để xét nghiệm lại là việc làm không cần thiết.
Chuyên gia cũng đề xuất, các loại thủ tục làm giấy chứng nhận F0 hoặc chứng nhận khỏi bệnh hoàn toàn có thể bỏ qua để tiết kiệm thời gian và công sức của người dân cũng như cán bộ y tế cơ sở, tránh tình trạng quá tải, ồ ạt đến trạm y tế phường để xếp hàng như hiện nay.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 Đại học Y Hà Nội, nêu quan điểm không nên xem COVID-19 là đại dịch nữa, mà như một bệnh chuyên khoa. Tuy nhiên, người dân vẫn nên tuân thủ quy định 5K, không chủ quan và tiêm phủ vaccine COVID-19.
Trong trường hợp COVID-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A, theo bác sĩ Hải, người dân nên chi trả tiền khám, điều trị. Cụ thể, việc thanh toán tiền khám, chữa bệnh COVID-19 cũng cần ứng xử như với các bệnh lý khác. Nghĩa là có thể do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả.
Ngoài ra, theo PGS.TS Hoàng Bùi Hải, việc thống kê ca mắc mới mỗi ngày không còn chính xác. Bởi khoảng 50% người dân ở nhà tự test nhanh dương tính gọi cho tổ tư vấn, nặng tự vào viện nên không thống kê được. Thậm chí, nhiều người tự xét nghiệm dương tính nhưng không khai báo với y tế cơ sở.
"Người dân điều trị tại nhà nên khai báo với y tế địa phương để được theo dõi và cho lời khuyên. Việc này sẽ hỗ trợ tốt nhất F0 nên và không nên làm gì trong quá trình điều trị tại nhà, tránh tự phát", bác sĩ Hải khuyến cáo.
Còn theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, Việt Nam có thể sớm xem COVID-19 là bệnh truyền nhiễm thông thường. Tuy nhiên, cần tiêm phủ vaccine và đặc biệt bảo vệ những người có nguy cơ diễn biến nặng nhằm giảm tỷ lệ tử vong.
Theo ông, việc "đếm ca", cách ly không còn nhiều ý nghĩa. Thay vào đó, chính quyền địa phương cần điều tra, tiêm vét vaccine COVID-19, bảo vệ những người có yếu tố nguy cơ, cố gắng phủ mũi 3.
Việc người dân xếp hàng đợi được công nhận F0 gây bức xúc
Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 ngày 27.2, ông Chu Ngọc Anh - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh, gánh nặng của y tế cơ sở hiện nay là thủ tục xác nhận F0 và khỏi bệnh. Ông yêu cầu các sở ngành, quận huyện quản lý người nhiễm qua phần mềm, tăng cường điều phối lực lượng để giảm tải hệ thống y tế cơ sở, đảm bảo an toàn trường học.
Nhấn mạnh cần có biện pháp giảm tải ngay cho hệ thống y tế cơ sở, ông Chu Ngọc Anh phân tích: Việc quá tải khi 8/10 nhân lực ở trạm y tế đang phải tập trung giảm tối đa các thủ tục hành chính xác nhận F0, thanh toán bảo hiểm…
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà nhận định, thời gian tới, số ca mắc COVID-19 sẽ tiếp tục tăng cao khi các hoạt động mở cửa trở lại. Trong bối cảnh đó, Sở Y tế cũng đã hướng dẫn các địa phương về việc tổ chức xét nghiệm cũng như công nhận kết quả xét nghiệm nhanh COVID-19 cho người dân.
Các thủ tục liên quan đến giải quyết thủ tục bảo hiểm cho F0 điều trị tại nhà, qua đó góp phần giảm tải cho hệ thống y tế cơ sở cũng như hỗ trợ người dân tốt nhất.
“Cùng với thực hiện nghiêm thông điệp “5K”, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người dân không tự ý xét nghiệm hoặc xét nghiệm tràn lan nhằm tránh lãng phí không cần thiết.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có nhiều ca nhiễm, song việc quản lý, điều trị cho các ca bệnh mới thực sự quan trọng. Đặc biệt quan tâm đến các F0 có nguy cơ cao như người già, có bệnh nền để hạn chế thấp nhất số người tử vong”, bà Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.