Ngoại giao gấu trúc của Trung Quốc
Đối ngoại - Ngày đăng : 14:59, 27/02/2022
Cặp gấu trúc Ling Ling và Hsing Hsing, ảnh chụp năm 1974. (Nguồn: AP) |
Ngày 21/2/1972, trong một diễn biến bất ngờ, Tổng thống Richard Nixon đã có bước tiến đầu tiên hướng tới bình thường hóa quan hệ với CHND Trung Hoa bằng việc đến Bắc Kinh trong vòng một tuần. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ tới Trung Quốc kể từ khi nước CHND Trung Hoa do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo mới được thành lập.
Đặc biệt, trong chuyến thăm đó, Chủ tịch Mao Trạch Đông hứa với Tổng thống Nixon rằng Trung Quốc tặng cho Mỹ hai chú gấu trúc để thể hiện sự thiện chí. Hai chú gấu trúc đó có tên Ling-Ling (gấu trúc cái) và Hsing Hsing (gấu trúc đực). Đáp lại, Tổng thống Mỹ Nixon tặng Trung Quốc hai con bò xạ hương.
Vào ngày 16/4/1972, Tổng thống Nixon và Đệ nhất phu nhân đích thân chào đón hai chú gấu trúc khổng lồ tới Mỹ. Ngày 20/4/1972, hơn 8.000 người Mỹ đội mưa chứng kiến màn ra mắt của hai chú gấu trúc tại Vườn thú quốc gia ở thủ đô Washington, D.C.
Trong vòng một năm đầu tiên kể từ khi đến Mỹ, ước tính có khoảng 1,2 triệu người đến vườn thú để chiêm ngưỡng cặp gấu trúc. Trong 20 năm tiếp theo, hai chú gấu luôn nằm trong số những con thú thu hút khách tham quan nhất tại Vườn thú quốc gia Mỹ.
Với món quà này, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có sự khởi sắc. Chuyến thăm lịch sử của ông Nixon đã bắt đầu một quá trình, tuy có phần chậm chạp, nhằm tái thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung. Năm 1979, Chủ tịch Đặng Tiểu Bình có chuyến thăm Mỹ để gặp Tổng thống Jimmy Carter, đánh dấu việc hoàn thành việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
Từ lâu, Trung Quốc đã sử dụng “ngoại giao gấu trúc” để thể hiện sự thiện chí, tình hữu nghị với nhiều đối tác khác nhau. Ông Phil Dean thuộc Viện nghiên cứu phương Đông và châu Phi ở Anh cho rằng gấu trúc là hình tượng văn hoá nổi bật của Trung Quốc. “Chúng là biểu tượng của tình hữu nghị và hòa bình. Gấu trúc thông minh, dễ thương nên có thể gửi các thông điệp thiện chí”, ông nói.
Lịch sử lâu đời
Gấu trúc lớn sống ở một vài vùng núi ở trung tâm Trung Quốc, chủ yếu ở Tứ Xuyên, nhưng cũng xuất hiện ở Thiểm Tây và Cam Túc. Gấu trúc được coi là “quốc bảo” của Trung Quốc và là biểu tưởng của hòa bình và tình hữu hảo. Chính vì vậy, những “quốc bảo” này đã chứng kiến nhiều khoảnh khắc đáng nhớ trong lịch sử ngoại giao Trung Quốc và là nhân tố quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh của cường quốc này.
Theo History, “ngoại giao gấu trúc” bắt nguồn từ thời nhà Đường, vào thế kỷ VII khi Nữ hoàng Võ Tắc Thiên gửi tặng Nhật Bản một cặp gấu (được cho là gấu trúc). Năm 1941, chính sách này lại được khởi động với việc Trung Quốc gửi tặng một cặp gấu trúc cho Sở thú Bronx, như một lời cảm ơn Mỹ, vào đêm Washington quyết định gửi quân tham chiến với phe Đồng minh trong Thế chiến II.
Cũng có ý kiến cho rằng chính sách “ngoại giao gấu trúc” của Trung Quốc chính thức bắt đầu vào ngày 18/5/1957, khi Chủ tịch Mao Trạch Đông tặng Liên Xô cặp gấu trúc tên Ping Ping và Qi Qi. Đây là những gấu trúc đầu tiên được đưa ra nước ngoài sau khi nước CHND Trung Hoa thành lập năm 1949.
Từ thời Chủ tịch Mao Trạch Đông, Trung Quốc đã tặng gấu trúc cho những nước mà họ muốn xây dựng quan hệ chiến lược hoặc để xoa dịu quan hệ căng thẳng với đối thủ. Từ năm 1957 đến 1983, tức giai đoạn đầu của ngoại giao gấu trúc, Trung Quốc tặng tổng cộng 24 gấu trúc cho chín nước, trong đó có Triều Tiên, Pháp, Anh, Nhật Bản...
Tháng 7/2021, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố rằng gấu trúc không còn là loài có nguy cơ tuyệt chủng thuộc mức cao nhất (Endangered). Số lượng cá thể gấu trúc trong tự nhiên đã đạt con số 1800, được đưa sang nhóm có khả năng bị đe dọa tuyệt chủng (Vulnerable), mức cảnh báo thấp hơn một bậc. Đây là thành quả tuyệt vời của những nỗ lực với nhiều chương trình bảo tồn gấu trúc đã kéo dài nhiều năm nay của quốc gia này. |
Từ quà tặng đến cho mượn
Đến năm 1984, truyền thống tặng gấu trúc của Trung Quốc buộc phải có sự điều chỉnh, do số lượng cá thể gấu trúc trong tự nhiên đang trong quá trình sụt giảm nghiêm trọng. Kể từ đó, Bắc Kinh chuyển sang “cho thuê” gấu trúc, vừa nhằm giữ được quan hệ tốt đẹp với các nước, vừa để có kinh phí bảo vệ giống loài này.
Cụ thể, Trung Quốc cho các nước khác thuê gấu trúc trong khoảng thời gian 10 năm. Chính phủ nước ngoài sẽ phải trả cho Trung Quốc khoản phí hằng năm từ 500.000 đến 1 triệu USD. Đồng thời, nếu các cặp gấu trúc cho thuê có thể sinh đẻ, thì thế hệ sau đều được coi là “công dân Trung Quốc”.
Nhìn chung, các cặp gấu trúc thường được đưa về nước sau khi hết hạn 10 năm còn các chú gấu con sẽ được đưa về ngay trong bốn năm đầu tiên để tham gia chương trình nhân giống quốc gia. Gấu trúc lúc này ngoài vai trò đại sứ thiện chí còn đem lại một nguồn thu thương mại đáng kể cho Trung Quốc.
Qua chương trình “cho thuê”, gấu trúc đã được đưa tới 20 quốc gia. Lần gần đây nhất là tới công viên Copenhagen của Đan Mạch năm 2019. Các quốc gia nhận quà cũng được hưởng lợi lớn qua việc mở cửa cho khách tham quan gấu trúc.
Tuy vậy, vẫn có những ngoại lệ. Ví dụ, vào năm 1992, nhân kỷ niệm 20 năm khôi phục quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Trung Quốc tặng cho vườn thú Tokyo của Nhật Bản chú gấu trúc có tên Ling Ling để làm giống. Ling Ling trong suốt một thời gian dài trở thành biểu tượng của quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Đây cũng là chú gấu trúc duy nhất thuộc sở hữu của Nhật vào thời điểm đó.
Thậm chí, sau khi Ling Ling qua đời năm 2008, Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Hồ Cẩm Đào thông báo với Thủ tướng Nhật Fukuda Yasuo rằng Trung Quốc sẽ cho Nhật mượn một cặp gấu trúc để làm giống. Vào thời điểm này, Nhật Bản đang có tám chú gấu trúc được thuê từ Trung Quốc.
Năm 1994, Trung Quốc ra mắt dự án “hợp tác cùng chăn nuôi”, bổ sung chương trình cho thuê gấu trúc. Theo chương trình này, các nước sẽ được thuê gấu trúc dưới một hình thức mới, trong thời gian 10 năm với mức phí 10 triệu USD.
Dự án này được ghi nhận tích cực, không chỉ giúp quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia khác có những bước phát triển tích cực, mà còn mang lại nhiều lợi ích cho công tác nghiên cứu gấu trúc lớn. Tổng cộng, Trung Quốc đã xây dựng dự án hợp tác dài hơi cùng 14 nước, hiện là nơi sinh sống của 48 con gấu trúc lớn.
Phần lớn số tiền nhận được qua chương trình cho mượn gấu trúc được trực tiếp đưa vào quỹ cải thiện môi trường tre tự nhiên cho gấu trúc cũng như hỗ trợ những chương trình nhân giống trong tương lai. |
Phương pháp ngoại giao hiệu quả
Trong những năm gần đây, theo Channel New Asia, những thoả thuận tặng/cho mượn gấu trúc không chỉ phản ánh mối quan hệ ngoại giao song phương tốt đẹp mà còn trùng vào thời điểm Bắc Kinh và nước đối tác đạt những sự kiện/kết quả thương mại lớn.
Chẳng hạn, Trung Quốc đã tặng gấu trúc tới Canada, Pháp và Australia sau khi đạt được thoả thuận song phương với các nước này về xuất khẩu uranium. Hay khi Trung Quốc gia hạn thỏa thuận cho mượn gấu trúc với Thái Lan sau thời điểm hoàn tất thoả thuận thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc năm 2010.
Đặc biệt, số lượng gấu trúc được cho mượn tăng cao kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhậm chức cũng như khi Bắc Kinh tăng cường tham vọng “bước ra thế giới”.
Nhà văn và học giả Lin Wen-cheng chỉ ra: “Các sinh vật đáng yêu này có thể dễ dàng thuyết phục trái tim của người nước ngoài, đặc biệt là thế hệ trẻ cũng như tạo thiện cảm tốt hơn cho Trung Quốc”.
Có thể nói, những chú gấu trúc đáng yêu đã trở thành những “nhà ngoại giao” độc đáo, hỗ trợ đắc lực cho việc nâng cao hình ảnh của Trung Quốc trong mắt bạn bè quốc tế.
Chính sách ngoại giao gấu trúc cũng đã được Bắc Kinh đẩy mạnh trong nhiều năm qua, vừa là một cách để tăng cường quan hệ giữa Trung Quốc và các đối tác, cũng như là cách để bảo vệ giống loài đang có nguy cơ tuyệt chủng này.