Xung đột Nga-Ukraine: ‘Quyền tự vệ’ của Nga và vai trò của Liên hợp quốc
Đối ngoại - Ngày đăng : 10:38, 27/02/2022
Trong bài phát biểu ngày 24/2 khởi động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin có nhắc đến quyền tự vệ theo Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc như là một căn cứ cho hành động quân sự này.
Vậy quyền tự vệ được quy định như thế nào trong luật quốc tế nói chung và Hiến chương Liên hợp quốc?
Tổng thống Nga Vladimir Putin viện dẫn quyền tự vệ theo Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc để triển khai ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ ở Ukraine. (Nguồn: AFP) |
Khi nào được sử dụng vũ lực để tự vệ?
Cấm đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực là một nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, được ghi nhận tại Điều 2(4) Hiến chương Liên hợp quốc: Các quốc gia không đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Nguyên tắc này có hai ngoại lệ, trong đó quyền tự vệ theo Điều 51 Hiến chương là một trong số đó.
Điều 51 quy định: “Không có gì trong Hiến chương làm tổn hại đến quyền tự vệ vốn có khi một quốc gia thành viên bị tấn công vũ trang bao gồm tự vệ cá nhân hay tập thể”. Theo quy định này, quyền tự vệ chỉ được kích hoạt trong trường hợp có “tấn công vũ trang”.
Điều 51 cũng đặt ra giới hạn cho việc sử dụng quyền tự vệ: Quyền tự vệ chỉ được sử dụng khi Hội đồng Bảo an (HĐBA) chưa có quyết định, và quốc gia viện dẫn quyền tự về cần thông báo ngay lập tức cho HĐBA.
Tấn công vũ trang là một trường hợp sử dụng vũ lực. Tuy nhiên không phải bất kỳ hành vi sử dụng vũ lực nào cũng được xem là tấn công vũ trang.
Trong Phán quyết năm 1986 trong Vụ Nicaragua v. Mỹ, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) cho rằng: tấn công vũ trang là “dạng sử dụng vũ lực nghiêm trọng nhất” và cần phải phân biệt với các dạng sử dụng vũ lực ít nghiêm trọng hơn.
Đối với hành vi sử dụng vũ lực ít nghiêm trọng hơn, các quốc gia là nạn nhân không có quyền tự vệ.
Tóm lại, để có thể sử dụng vũ lực để tự vệ, quốc gia liên quan cần chứng minh có hành vi sử dụng vũ lực nghiêm trọng đủ để cấu thành một cuộc tấn công vũ trang chống lại nước này.
Cũng nói thêm rằng để xác định sự tồn tại của một cuộc tấn công vũ trang, các án lệ của Tòa ICJ, bên cạnh các bằng chứng trực tiếp, Tòa còn xem xét liệu chính quốc gia liên quan có cho rằng mình bị tấn công vũ trang hay không.
Trong Vụ CHDC Congo v. Uganda, Tòa cho rằng Uganda không thể viện dẫn quyền tự vệ để thực hiện hoạt động quân sự trên lãnh thổ của Congo bởi vì một số lý do, trong đó có việc: (i) Uganda không thông báo cho HĐBA theo quy định tại Điều 51, và (ii) chính Uganda cũng chưa từng cho rằng mình bị Congo tấn công vũ trang.
Phần còn lại của một quả đạn pháo được nhìn thấy trên một con phố ở thủ đô Kiev, Ukraine ngày 24/2 sau khi Nga triển khai 'chiến dịch quân sự đặc biệt'. (Nguồn: Reuters) |
Tự vệ để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia?
Việc một quốc gia sử dụng quyền tự vệ, nhất là tự vệ tập thể để giúp đỡ nước khác, có thể có nhiều lý do.
Trong Vụ Nicaragua v. Mỹ, Tòa ICJ cũng công nhận quyền tự vệ tập thể có thể có các động cơ khác nhau và điều này không làm mất đi quyền sử dụng tự vệ tập thể. Tuy nhiên, điều kiện duy nhất để có thể sử dụng quyền tự vệ là phải có một cuộc tấn công vũ trang. Do đó, tự vệ tập thể có thể nhằm đạt được nhiều mục đích nhưng không thể viện dẫn hợp pháp nếu không có một cuộc tấn công vũ trang.
Trong Vụ CHDC Congo v. Uganda, Uganda biện minh cho các chiến dịch quân sự của mình, bao gồm đánh chiếm các thị trấn và sân bay trong lãnh thổ của Congo, là để bảo vệ lợi ích an ninh quan trọng của mình trước các hoạt động của những nhóm vũ trang chống Uganda ở Congo. Uganda cho rằng Congo đã hỗ trợ các nhóm này và còn liên minh với các nước khác để chống lại Uganda.
Tuy nhiên, các bằng chứng cho thấy mục đích thực sự của việc Uganda sử dụng vũ lực trong lãnh thổ Congo là để bảo vệ “các lợi ích an ninh chính đáng của Uganda” chứ không phải là để tự vệ trước một cuộc tấn công vũ trang. Do đó, Tòa ICJ kết luận rằng không có cơ sở để Uganda viện dẫn quyền tự vệ.
Có thể thấy rằng, bất kể mục đích, động cơ phía sau của việc sử dụng vũ lực dưới danh nghĩa quyền tự vệ là gì, điều kiện quy nhất để sử dụng quyền này là phải có một cuộc tấn công vũ trang.
Trong trường hợp chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, các thông tin hiện có về bài phát biểu của Tổng thống Putin hôm 24/2 cho thấy có nhiều lý do Nga viện dẫn Điều 51 như bảo vệ lợi ích an ninh của Nga trước việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng về phía Đông, bảo vệ dân thường, yêu cầu giúp đỡ từ Donetsk và Luhansk – hai “nước cộng hòa” mà Nga công nhận.
Theo ông, mục đích của chiến dịch là “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine và mang những người thực hiện các tội ác đẫm máu chống lại dân thường, bao gồm cả người Nga, ra trước công lý”. Bất kể động cơ, lý do hay mục đích là gì, điều quan trọng là cần cung cấp bằng chứng về một cuộc tấn công vũ trang.
Bất kể động cơ, lý do hay mục đích là gì, điều quan trọng là cần cung cấp bằng chứng về một cuộc tấn công vũ trang. |
Quyền tự vệ tập thể
Các quốc gia có thể giúp đỡ các quốc gia là nạn nhân của một cuộc tấn công vũ trang tự vệ (“tự vệ tập thể”).
Trên thực tế, một số liên minh quân sự đã ra đời vì mục đích tự vệ tập thể, ví dụ như NATO. Điều 5 của Hiệp ước quy định: “một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hay nhiều thành viên… sẽ được xem là tấn công vào tất cả thành viên, và do đó… từng thành viên sẽ thực hiện quyền tự vệ tập thể hay cá nhân the Điều 51… để trợ giúp cho thành viên bị tấn công.”
Quy định tương tự cũng được ghi nhận trong Hiệp ước Warsaw năm 1955 thành lập liên minh quân sự do Liên Xô dẫn đầu.
Một quốc gia chỉ có thể thực hiện quyền tự vệ tập thể giúp đỡ quốc gia bị tấn công khi chính quốc gia bị tấn công đưa ra tuyên bố mình bị tấn công vũ trang và có yêu cầu hay đề nghị quốc gia khác tham gia tự vệ. Điều kiện quan trọng là liệu quốc gia liên quan có cho rằng mình bị tấn công vũ trang, và liệu nước đó có yêu cầu giúp đỡ?
Trong bài phát biểu ngày 24/2, Tổng thống Putin có đề cập việc hai “nước cộng hòa” Donetsk và Luhansk đề nghị Nga giúp đỡ, hàm ý rằng Nga có thể đang viện dẫn quyền tự vệ tập thể.
Tuy nhiên, để trả lời câu hỏi liệu việc viện dẫn này có phù hợp luật pháp quốc tế hay không thì còn phụ thuộc vào các phân tích pháp lý sâu hơn để làm rõ một số vấn đề pháp lý quan trọng như: Liệu “hai nước cộng hòa” này có là một quốc gia để có quyền đề nghị tự vệ tập thể từ Nga, và liệu có “một cuộc tấn công” từ Ukraine vào họ?
Đây là một vấn đề phức tạp về pháp lý nằm ngoài phạm vi bài viết này, và tại thời điểm hiện nay cũng không đủ có bằng chứng xác thực.
Liệu “hai nước cộng hòa” này có là một quốc gia để có quyền đề nghị tự vệ tập thể từ Nga, và liệu có “một cuộc tấn công” từ Ukraine vào họ? |
Vai trò của HĐBA và Đại hội đồng
Với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, Điều 51 quy định rằng HĐBA phải được thông báo ngay lập tức khi một quốc gia kích hoạt quyền tự vệ. Quyền tự vệ sẽ chấm dứt khi HĐBA có quyết định.
Tuy nhiên với cơ chế bỏ phiếu như hiện nay, HĐBA không dễ đưa ra quyết định để dừng việc sử dụng quyền tự vệ của một quốc gia nếu quyền tự vệ đó được sử dụng bởi một quốc gia là ủy viên thường trực hoặc đồng minh của nước này.
HĐBA bao gồm 15 ủy viên, trong đó có năm ủy viên thường trực (Anh, Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc). Nghị quyết của HĐBA cần ít nhất 9 phiếu thuận.
Tuy nhiên, với các nghị quyết liên quan đến các vấn đề không phải thủ tục, năm nước này có một đặc quyền: Quyền phủ quyết. Hiểu đơn giản về đặc quyền này là: một phiếu chống của một ủy viên thường trực sẽ ngăn việc thông qua dự thảo một nghị quyết kể cả khi tất cả 14 ủy viên còn lại ủng hộ.
Trong trường hợp của Ukraine, không một nghị quyết có nội dung thực chất nào có thể được thông qua mà không có sự đồng ý của Nga. Thực tế, ngày 25/2, Nga đã bỏ phiếu phủ quyết dự thảo nghị quyết liên quan đến chiến dịch quân sự của mình ở Ukraine trong khi dự thảo nhận được 11 phiếu thuận (Ấn Độ, Trung Quốc và UAE bỏ phiếu trắng).
Đôi khi HĐBA không thể thực hiện trách nhiệm của mình do quyền phủ quyết của ủy viên thường trực. Tình trạng như vậy đã xảy ra năm 1950 khi Liên Xô đã liên tục phủ quyết, ngăn Hội đồng thông qua các hành động trong Chiến tranh Triều Tiên.
Để phá vỡ thế bế tắc này, Mỹ đã thuyết phục Đại hội đồng, thông qua Nghị quyết 377 hay Nghị quyết “Đoàn kết vì Hoà bình”, nhận một phần trách nhiệm trong duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. Theo đó, Nghị quyết 377 khẳng định Đại hội đồng sẽ có hành động khi HĐBA bị “tê liệt” do quyền phủ quyết của ủy viên thường trực. Đại hội đồng có thể tổ chức họp để xem xét tình hình ngay lập tức.
Nga bỏ phiếu phủ quyết dự thảo nghị quyết hành động của HĐBA về Ukraine ngày 25/2. (Nguồn: AP) |
Một cuộc họp đặc biệt khẩn cấp cũng có thể triệu tập bất thường nếu có yêu cầu của 9 ủy viên HĐBA hoặc đa số thành viên Liên hợp quốc.
Cho đến hiện nay 10 cuộc họp như vậy đã được triệu tập; lần gần nhất là liên quan đến các hành động của Israel ở Đông Jerusalem và Lãnh thổ chiếm đóng Palestine vào năm 1997.
Vừa qua, Ukraine cũng đã đề xuất Đại hội đồng triệu tập một phiên họp đặc biệt khẩn cấp về tình hình hiện nay sau khi Nga bỏ phiếu phủ quyết dự thảo liên quan đến chiến dịch quân sự của mình ở Ukraine.
Cũng lưu ý rằng, các nghị quyết của Đại hội đồng không có hiệu lực ràng buộc với các quốc gia thành viên.
Tuy vậy, các nghị quyết thể hiện quan điểm lập trường chủ đạo của cộng đồng quốc tế về một vấn đề, do đó, tạo ra sức ép chính trị và dư luận quốc tế cho các quốc gia liên quan, bảo đảm sự không công nhận quốc tế đối với các tình huống tạo ra từ hành vi vi phạm pháp luật.