Lá cây thay tiền, đến chợ này mua đồ ăn không lo tốn kém
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 19:09, 26/02/2022
Lạ lùng khu chợ bán đồ ăn bằng lá cây thay cho tiền
Phiên chợ là một nét văn hoá rất độc đáo ở Tây Ninh, có tên là chợ lá. Theo người dân địa phương, chợ lá do một thầy thuốc nam từng sinh sống tại Thị xã Hòa Thành khởi xướng vào 10 năm trước. Từ đó, cứ đến Rằm tháng Giêng, người dân địa phương lại tổ chức họp chợ một lần. Bất kể ai cũng đều được tham gia phiên chợ này mà không phân biệt người trong vùng hay du khách từ xa tới.
Chợ lá bắt đầu hoạt động từ tờ mờ sáng và vãn chợ chỉ sau 1-2 giờ đồng hồ. Quy mô chợ lá khá nhỏ, khoảng 20 gian hàng nhưng các mặt hàng cũng như đồ ăn đa dạng. Đặc biệt, các mặt hàng khi mang tới chợ bán sẽ không được định giá, thay vì trả tiền thì người mua sẽ dùng lá để trả cho bên bán mà không cần biết mệnh giá ra sao. Nhiều người cho rằng, người bán nhận được càng nhiều lá thì sẽ càng may mắn.
Phiên chợ lấy lá làm tiền để mua lộc bán may (Ảnh: PLO) |
Chợ buôn bán dừa độc nhất Việt Nam
Chợ dừa sông Thom (Bến Tre) là chợ nổi dừa độc nhất Việt Nam. Theo Báo Dân Trí, dừa khắp nơi, từ Kiên Giang, Cà Mau cho đến Long An đều đổ về đây. Chợ họp theo con nước, con nước lên thì tập trung đông, con nước rút thì tản ra. Chợ hoạt động cả ngày lẫn đêm nhưng không hề có rác thải, thương lái chỉ buôn bán mỗi dừa. Vào chợ, mùi từ các sản phẩm dừa thơm nức mũi, khách đến là phải nếm đặc sản ngay.
Khu chợ này đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Không ít người bỏ vốn buôn dừa hay mở xưởng chế biến dừa đã thành triệu phú. Sở VH-TT&DL Bến Tre cho hay, không chỉ buôn bán, chế biến dừa, chợ nổi sông Thom đã thành một tài nguyên du lịch đặc hữu, không đụng hàng với bất kỳ nơi nào khác.
Đàn chim công quý hiếm của anh nông dân miền Tây
Chim công quý hiếm được anh Toản nuôi trong trang trại |
Anh Trần Văn Toản (40 tuổi, ở quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) là người đầu tiên mở trang trại nuôi chim công quý hiếm ở đất Tây Đô. Chỉ vài năm vừa nuôi vừa gây giống, anh Toản đã nhân được đàn công lên đến hàng chục con. Chưa dừng lại ở đó, anh còn đầu tư nuôi loại công đột biến và công màu quý hiếm. Có loại chim công trưởng thành có giá từ vài chục triệu đến hơn 100 triệu/cặp, tùy loại.
Đàn chim công quý hiếm có giá trị rất lớn của anh Toản thu hút nhiều người đến xem. Mỗi năm anh có thu nhập hàng trăm triệu từ đàn chim quý này.
Cưa sừng hươu, vệ sinh mít: Nghề hiếm, lạ
Cứ mỗi dịp sau Tết, khắp các vùng quê Hương Sơn (Hà Tĩnh), người dân lại tưng bừng thu hoạch lộc nhung. Cùng với đó, nghề cắt nhung thuê ra đời, kiếm bộn tiền mỗi khi mùa cắt lộc nhung đến. Những người làm nghề này đòi hỏi phải khỏe mạnh, nhanh nhẹn, đặc biệt phải có kỹ năng giữ hươu, vật hươu ngã xuống để cắt nhằm tránh cho hươu không bị thương, nhung hươu không bị gãy, biết cách lấy một lượng huyết phù hợp để đảm bảo sức khỏe cho hươu.
Còn ở cửa khẩu Lạng Sơn, có một nghề mới xuất hiện trong những ngày này, đó là nghề vệ sinh hoa quả. Một xe hàng xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) phải chờ 5-10 ngày. Tranh thủ thời gian này, nhiều tài xế đã dỡ hàng, thuê người vệ sinh hoa quả.
Lý do là bởi chủ hàng bên Trung Quốc yêu cầu phải vệ sinh thật sạch hoa quả, giảm thiểu nguy cơ hàng hóa mang theo mầm bệnh Covid-19. Mặt hàng được chú trọng vệ sinh nhiều nhất là mít.
Cặp me kiểng quý hiếm bậc nhất Việt Nam
Cặp me kiểng của ông Nguyễn Phước Lộc (SN 1972, ngụ TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục "cặp me kiểng cổ nhất " năm 2013. Đây cũng là cây cảnh cổ đầu tiên của Đồng Tháp được xác lập kỷ lục Việt Nam.
Cặp me kiểng quý hiếm bậc nhất Việt Nam (Ảnh: Giáo dục và Thời đại) |
Người chủ cho biết, cặp cây được tạo dáng theo kiểu tứ diện sơn thủy, mỗi một chi có 2 nhánh, hiện đã hơn 150 năm tuổi và đặc biệt quý hiếm. Dù nhiều người tới hỏi mua và có người ngã giá hơn 10 tỷ đồng nhưng ông không bán.
Trồng vú sữa lạ, anh nông dân rủng rỉnh thu 2 tỷ mỗi năm
Giống vú sữa đột biến được gia đình anh Trần Anh Nhân (ngụ xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) phát hiện và canh tác đến nay đã hơn 7 năm. Anh Nhân cho biết trên Dân Trí, nhiều năm trước, anh phát hiện một cây vú sữa tím trong vườn của bố vợ. Thấy cây vú sữa này cho trái quanh năm, vỏ mỏng, ít mủ và vị ngọt vừa phải, anh chiết nhánh đem về vườn nhà trồng.
Vú sữa một năm chỉ có một vụ nhưng giống vú sữa này cho trái quanh năm, năng suất cao. "Do giống vú sữa này có trái suốt 4 mùa nên tôi đặt tên là vú sữa tứ quý. Mỗi trái nặng từ 250 đến 600g, hạt vú sữa không có bao, vỏ mỏng, khi trái chín có thể lột vỏ bằng tay", anh Nhân chia sẻ. Mỗi năm, anh Nhân cung cấp hơn 120.000 cây giống cho các tỉnh miền Tây, thu về khoảng 2 tỷ đồng.
Hạnh Nguyên(Tổng hợp)