Kỷ niệm ngày thầy thuốc Việt Nam: Ký ức không quên nơi tuyến đầu chống dịch

Tin Y tế - Ngày đăng : 11:16, 26/02/2022

Đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế vừa đi qua những ngày giông bão vì “giặc COVID”,  dù nếm trải chông gai, khốc liệt, thậm chí phải hy sinh mất mát, nhưng rất nhiều bệnh nhân đã được hồi sinh từ cõi chết.

Ngăn chặn những cái chết “cô độc” vì COVID-19

Trong bộ đồ bảo hộ, bác sĩ Võ Tấn Lực - Khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) hiện đang nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 1.000 giường, đi kiểm tra sức khoẻ 4 bệnh nhân cuối cùng tại đây. Một lát sau, giọng nói bác sĩ Lực vui vẻ thông báo qua lớp bảo hộ cho bệnh nhân: "Sức khoẻ bác hồi phục rất tốt, cố gắng thêm để được xuất viện nhé".

Dạo quanh từng căn phòng quen thuộc, ở mỗi một nơi dù là nhỏ nhất ở đây cũng đã gợi lại cho bác sĩ Lực những ký ức không thể nào quên khi chiến đấu với COVID-19 trong những ngày TPHCM bùng phát dịch: Tiếng còi xe cấp cứu ở các nẻo đường, người dân cửa đóng then cài lo sợ "giặc" COVID-19 tấn công; khắp các bệnh viện, đâu đâu cũng thấy sự gấp gáp, quá tải để cứu bệnh nhân F0...

"Ngày 14.7.2021, tôi vẫn nhớ như in ngày đó. Lúc 14h, chúng tôi và một số anh em trong bệnh viện đã xung phong đến Bệnh viện Hồi sức 1.000 giường này để bắt đầu "cuộc chiến". Khi tới nơi, anh em khẩn trương làm công tác dọn dẹp, khuân vác thuốc, vật tư y tế vào kho. Khoảng 12h đêm cùng ngày, mọi công việc cơ bản hoàn tất. Chỉ sau hơn 1 ngày chuẩn bị, bệnh nhân đã nhập viện đông ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi nhưng mọi người vẫn cố gắng hết sức, khi đi quyết tâm như thế nào thì lúc bấy giờ cũng vậy" - bác sĩ Lực chia sẻ.

Khi TPHCM có số ca mắc COVID-19 mỗi ngày khoảng 5.000 bệnh nhân, các bệnh viện 1.000 giường khác tiếp tục được mở thêm, nhưng không vì thế mà số bệnh nhân ở đây giảm. Bệnh nhân giai đoạn đầu mùa dịch trở nặng vô cùng nhanh. Cái chết không hẹn trước là những gì mà bác sĩ Lực và đồng nghiệp chứng kiến mỗi ngày.

“Tôi là bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy, làm việc ở khoa Hồi sức cấp cứu nên ít nhiều đã quen với sự khẩn cấp của người bệnh. Nhưng ở đây lại khác, vì số bệnh nhân trở nặng giai đoạn đó rất đông, có những bệnh nhân vừa kiểm tra thì quay lại đã chuyển nặng và tử vong. Tới giờ này ngồi đây, tôi vẫn nhớ như in từng khuôn mặt, cái tên, giọng nói, câu chuyện nhắn nhủ của người bệnh. Thương lắm, nhưng không thể cứu được họ trở về.

Khác nữa là cái chết vì COVID-19 là cái chết cô độc nhất mà tôi chứng kiến, không người thân bên cạnh họ chỉ có nhân viên y tế vệ sinh sạch sẽ, tiễn họ chặng đường cuối cùng này”, đôi tay của bác sĩ Lực không ngừng đan vào nhau khi nhớ lại.

Đi qua những ngày giông bão, bác sĩ Lực và đồng nghiệp vẫn luôn biết ơn chặng đường vừa qua, dù trông gai, khốc liệt nhưng rất nhiều bệnh nhân được hồi sinh từ cõi chết.

"Nhìn lại quá khứ và thực tế, nhiều lúc tôi nhận được những dòng tin nhắn, cuộc điện thoại của người bệnh được mình cứu giúp gọi điện hỏi thăm, cảm ơn là bao mệt mỏi đều tan biến hết. Bản thân tôi cũng cảm thấy mình đã giúp ích được cho cộng đồng và xã hội trong những lúc nguy nan nên thấy nhẹ lòng hơn rất nhiều" - bác sĩ Lực trải lòng thêm.

Hậu phương tiếp lửa, vững tâm công tác

Trở về công việc chuyên môn tại Bệnh viện Da Liễu (TPHCM) khoảng gần 3 tháng nay, nhưng mỗi khi nhắc đến những ngày cùng Thành phố chống dịch COVID-19, cảm xúc của bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung - Khoa Ngoại Bệnh viện Da liễu TPHCM vẫn còn nguyên vẹn. 5 tháng tham gia trực tiếp vào công tác phòng chống dịch là khoảng thời gian mà nữ bác sĩ này không bao giờ quên được.

"Gần 20 năm với vai trò bác sĩ, chưa bao giờ có nhiều cảm xúc như lần chống dịch COVID-19 đợt 4 vừa qua. Kể cả ngày xưa làm hồi sức cấp cứu, gặp những ca tử vong hay ca bệnh nặng trong đêm trực, cảm xúc lúc đó chỉ chợt òa về và gần như sẽ quên đi sau một vài tour trực. Riêng đợt dịch lần 4, tôi không thể quên được. Đôi khi đọc báo hay nghe tin về khoảng thời gian vừa qua, tôi vẫn còn xúc động" - bác sĩ Nhung tâm sự.

Bồi hồi kể lại, cảm xúc đầu tiên của bác sĩ Nhung là đau buồn. Nữ bác sĩ nhớ lần đầu tiên kết thúc công tác tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1 sau khoảng 1 tháng, khung cảnh nhộn nhịp của thành phố không còn. Sau đó là xen lẫn với cảm giác tự hào và vui mừng khi thành phố vượt qua được dịch COVID-19.

"Hình ảnh đọng lại trong tôi nhiều nhất là lúc bệnh nhân COVID-19 đầu tiên trong đội của tôi sau 2 tuần điều trị tại bệnh viện dã chiến xuất viện" - bác sĩ Nhung chia sẻ.

Khoảng đầu tháng 7.2021, bác sĩ Nhung bất ngờ nhận thông tin tham gia điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1 và xuất phát sau 1 giờ đồng hồ. Lúc này, chồng và 2 con của bác sĩ Nhung đã soạn sẵn vali với một số vật dụng cần thiết. Hậu phương vững chắc đã giúp bác sĩ Nhung yên tâm lên đường công tác, giành chiến thắng trong "trận chiến" chống dịch COVID-19.

"Mẹ và chồng là hậu phương vững chắc cho tôi. Tôi biết là mẹ giấu đi nỗi lo, lúc nào cũng ủng hộ, khuyến khích. Không những vậy, mẹ còn thể hiện sự tự hào khi có một người con như mình. Sự tự hào của mẹ cũng là nguồn động lực to lớn trong việc phục vụ trực tiếp, điều trị bệnh nhân COVID-19" - bác sĩ Nhung cho hay.

Có thể nói, trong trận chiến chống dịch vừa qua, gia đình chính là điểm tựa tinh thần vững chắc cho nhân viên y tế làm nhiệm vụ chống dịch. Sự thấu hiểu, chia sẻ và cảm thông với những công việc đã giúp cho các y, bác sĩ yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

"2 vợ chồng là hậu phương cho nhau khi cùng là nhân viên y tế, gắng hết sức mình để điều trị người bệnh mắc COVID-19. 2 vợ chồng là nhân viên y tế, khi tham gia chống dịch, đôi lúc con nhỏ sẽ có phần thiệt thòi, không có đủ thời gian chăm sóc. Tuy nhiên, thuận lợi lớn nhất là có thể chia sẻ và hỗ trợ cho nhau. Ngày 27.2, ngày thầy thuốc Việt Nam tôi xin chúc những đồng nghiệp của mình vẫn vững tinh thần vì người bệnh, dịch COVID-19 mau qua để những ký ức buồn chấm dứt" - bác sĩ Nhung tâm sự.

Nguyễn Ly - Thanh Chân