Trẻ F0 uống hạ sốt quá liều dẫn đến mê sảng: Chuyên gia chỉ rõ sai lầm của không ít mẹ và cách xử lý SỐT LÂU KHÔNG HẠ khi mắc Covid-19
Tin Y tế - Ngày đăng : 09:41, 26/02/2022
Mới đây, theo chia sẻ của ThS.BSNT Trần Bảo Khánh thuộc Bệnh viện Hữu nghị Quốc tế Hà Nội, tình nguyện viên tại Tổ cấp cứu Quận Nam Từ Liêm, anh từng phải hỗ trợ đưa đi cấp cứu một bé F0 dùng thuốc hạ sốt quá liều dẫn tới hạ thân nhiệt, thở nhanh, hơi thở nông, mê sảng. May mắn, bé được đưa đến viện cấp cứu kịp thời.
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra trường hợp trẻ gặp tình trạng nguy hiểm do sai lầm từ thói quen lạm dụng thuốc hạ sốt của bố mẹ và sốt là triệu chứng rất thường gặp – không chỉ với các bệnh nhân mắc Covid-19. Thế nhưng có vẻ như, những tác hại ảnh hưởng tới sức khoẻ từ việc SỐT LÂU KHÔNG HẠ đã khiến nhiều người càng thêm lo lắng.
Sốt là triệu chứng thường gặp khi mắc Covid-19, nhất là với trẻ em.
"Bị sốt khi mắc Covid-19 chứng tỏ hệ miễn dịch vẫn đang hoạt động tốt!"
Đó là lời khẳng định của BS. Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga.
Theo BS, những người già yếu, nhiều bệnh nền, người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, dùng corticoid lâu ngày (bệnh nhân viêm cầu thận, lupus, viêm đa khớp dạng thấp, ghép tạng...), bệnh nhân ung thư có thể virus vẫn đang nhân lên mạnh mẽ trong cơ thể mà vẫn không sốt!
Sốt là hiện tượng tăng thân nhiệt (> 37.8° C ở miệng hoặc > 38.2° C trực tràng) hoặc cao hơn so với giá trị bình thường hàng ngày được biết đến của một người. Trong một số trường hợp, sốt có những lợi ích nhất định. Theo đó, hệ miễn dịch trong cơ thể tăng cường hoạt động: kích thích khả năng đáp ứng miễn dịch và tiêu diệt virus SAR-CoV- 2 gây bệnh. |
BS. Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, Hà Nội) cũng cho rằng, thông thường, trẻ mắc Covid-19 (chỉ sốt đơn thuần không có triệu chứng) trong khoảng 3 ngày đầu thì không đáng lo ngại. Tình trạng này sau đó sẽ giảm dần. Trẻ sốt chính là lúc cơ thể huy động toàn bộ hệ thống miễn dịch bẩm sinh để loại virus ra khỏi cơ thể.
Tuy nhiên, khi bị sốt cao quá thì cơ thể mệt mỏi do mất nước, mất điện giải... Sốt gây đau đầu, mất ngủ, ăn kém, nôn mửa, thậm chí gây co giật ở trẻ em... Do vậy, trước tình trạng có không ít người bị sốt kéo dài khi mắc Covid-19, cứ hết thuốc hạ sốt là sốt trở lại đã khiến mọi người vô cùng lo lắng.
Xử lý thế nào nếu gặp tình trạng sốt kéo dài khi mắc Covid-19?
Sốt là phản ứng thường gặp của người bệnh Covid-19 nhưng nếu kéo dài, ngoài do virus SARS-CoV-2, còn có thể do nhiễm vi khuẩn hoặc virus khác. Do vậy, việc xác định nguyên nhân để giải quyết dứt điểm tình trạng này là điều cần thiết.
1. Sốt do SARS-CoV-2:
Cần làm test PCR hoặc test nhanh, trường hợp chỉ số CT thấp hoặc vạch test (T) đậm, có nghĩa là virus vẫn còn nhiều, có thể phải tiếp tục dùng thuốc kháng virus. Ở Việt Nam hiện nay, có thể dùng molnupiravir theo chương trình thử nghiệm (5 ngày) hoặc favipiravir.
2. Sốt do nhiễm vi khuẩn:
Những người bình thường dễ viêm họng, viêm a-mi-đan, viêm phế quản... thì khi mắc Covid cũng dễ nhiễm vi khuẩn. Tuy nhiên, việc xác định nhiễm khuẩn hay chưa cũng không dễ dàng.
- Nếu bệnh nhân vẫn sốt kéo dài không dứt, test nhanh vạch T mờ, không bị đau nhức cơ khớp thì nhiều khả năng là sốt do vi khuẩn. Lúc này cần tham khảo ý kiến BS để sử dụng kháng sinh.
- Để chắc chắn, cần có xét nghiệm công thức máu để xem bạch cầu có tăng hay không. Bạch cầu có nhiều loại, khi nhiễm khuẩn thì lượng bạch cầu hạt hay bạch cầu đa nhân trung tính sẽ tăng. Xét nghiệm CRP cũng có thể đánh giá việc có nhiễm khuẩn hay không. Đặc biệt, có một xét nghiệm rất tốt để đánh giá tình trạng nhiễm khuẩn là procalcitonin (PCT). Thậm chí, chỉ cần dựa vào chỉ số PCT, có thể quyết định dùng hay không dùng kháng sinh, với liều lượng như thế nào, có phải nhập viện cấp cứu (nhiễm khuẩn huyết) hay không (*).
- Loại kháng sinh bắt đầu sử dụng thường là nhóm beta_lactam (amoxicillin/clavulanic, ampicillin/sulbactam, ceforuxime, cefpodoxim, cefixim...).
Ở người lớn có thể kết hợp nhóm quinolon (ciprofloxacine hoặc levofloxacine, moxifloxacine), nhóm này không được dùng cho trẻ em vì gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ và xương.
Ở trẻ em, có thể kết hợp nhóm macrolid (erythromycine, azithromycine hoặc clarithromycine), tuy nhiên việc kết hợp giữa beta_lactam diệt khuẩn và macrolid kìm khuẩn không phải là giải pháp tối ưu.
Ngoài ra, còn có một số nhóm kháng virus khác như cyclin (tetracyclin, doxycyclin) và metronidazol...
Đúng ra, cần phải làm kháng sinh đồ để xác định xem vi khuẩn còn nhạy cảm với loại kháng sinh nào, nhưng việc này rất mất thời gian.
Lưu ý, một khi đã dùng kháng sinh, cần dùng liều đủ mạnh, sau đó có thể giảm dần liều. Dùng kháng sinh cũng khiến hệ vi khuẩn ruột bị tổn thương, nên phải bổ sung men tiêu hóa. Sử dụng kháng sinh không đúng cách có thể dẫn đến nhờn thuốc, cần hết sức lưu ý.
Muốn xử lý tình trạng SỐT LÂU KHÔNG HẠ, điều quan trọng là phải tìm ra được nguyên nhân chính xác của nó. Tuyệt đối không được lạm dụng thuốc hạ sốt bừa bãi.
3. Sốt do nhiễm virus khác
Test nhanh vạch T mờ hoặc không lên, xét nghiệm không thấy nhiễm khuẩn. Trường hợp này là do nhiễm loại virus khác, không phải SARS-CoV-2. Đây là tình huống khá bình thường, không hề hiếm gặp. Bệnh nhân thường có chảy nước mũi, đau cơ khớp, ớn lạnh...
Lúc này bệnh nhân sốt như cảm cúm thông thường và đành phải điều trị triệu chứng, đợi khi hết sốt. Có thể dùng Tamiflu hoặc Arbidol trong các trường hợp này, tuy nhiên hiệu quả không thực sự chắc chắn.
Ngoài việc xử lý sốt, vẫn cần phải súc họng nước muối sinh lý + povidone iodin 1% hoặc chlorhexidin gluconat 0,12-0,2%, đo SpO2 thường xuyên để báo cơ quan y tế kịp thời.
Giá trị nồng độ PCT được khuyến cáo theo Hiệp hội nhiễm khuẩn Đức năm 2006 (xuất bản các hướng dẫn cho chẩn đoán và điều trị nhiễm khuẩn) như sau:
a. Giá trị bình thường: PCT nhỏ hơn 0,05 ng/ml.
b. PCT nhỏ hơn 0,10ng/ml: Không chỉ định dùng kháng sinh.
c. PCT nhỏ hơn 0,25ng/ml: Không khuyến cáo dùng kháng sinh, nếu trị liệu giảm xuống mức này thì tiếp tục dùng cho hiệu quả.
d. PCT lớn hơn 0,25ng/ml: Khuyến cáo và cân nhắc sử dụng kháng sinh.
e. PCT lớn hơn 0,50 ng/ml: Chỉ định kháng sinh là bắt buộc.
f. PCT 0,50 - 2,0 (ng/ml): Nhiễm khuẩn do đáp ứng viêm hệ thống, nguyên nhân có thể là chấn thương, phẫu thuật sau chấn thương, sốc tim...
g. PCT 2,0 - 10 (ng/ml): Đáp ứng viêm hệ thống nghiêm trọng (SIRS), nguyên nhân bởi nhiễm trùng hệ thống và nhiễm khuẩn huyết, chưa có suy đa tạng.
h. PCT lớn hơn 10 ng/ml: Đáp ứng viêm hệ thống sâu do nhiễm khuẩn huyết nghiêm trọng hoặc sốc nhiễm khuẩn.
Các lưu ý khác khi người bệnh bị sốt kéo dài do mắc Covid-19
Bên cạnh đó, BS. Nguyễn Tiến Dũng cũng đưa ra thêm 1 số lưu ý khác như sau:
- Người bệnh cũng cần được bù nước và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ. Khuyến khích bệnh nhân uống nhiều nước như cam, dừa, dưa hấu... càng nhiều càng tốt.
- Chỉ nên dùng paracetamol và uống cách 4-6 giờ một lần, nếu trẻ vẫn còn sốt cao. Không được uống sớm hơn 4 giờ vì trong thời gian đó thuốc vẫn còn trong máu.
- Nếu sốt chưa đến 38,5 độ C, không chán ăn, bứt rứt thì không dùng thuốc hạ sốt, có thể chườm bằng khăn mềm, bổ sung nước và dinh dưỡng.
- Mặc đồ thông thoáng, không đắp chăn, mở thoáng cửa. Khi ra khỏi phòng riêng, người bệnh cần được giữ ấm cổ ngực, mang tất để không bị lạnh.