Chiến sự tiếp diễn, Ukraine đối mặt nguy cơ mất mạng trên diện rộng
Cuộc sống số - Ngày đăng : 17:12, 25/02/2022
IODA (dự án Phát hiện và Phân tích sự cố tê liệt Internet) của Georgia Tech cho biết, sự cố mất điện một phần bắt đầu ngay trước nửa đêm ngày 23/2 và kéo dài tới sáng ngày 24/2. Sự cố này đã ảnh hưởng đến Triolan, nhà cung cấp dịch vụ Internet cho một số thành phố và các khu vực khác trên khắp Ukraine, bao gồm cả thành phố Kharkiv.
Theo NetBlocks, công ty theo dõi việc tắt Internet, người dùng dịch vụ của Triolan đã báo cáo về việc mất kết nối Internet dây cố định, trong khi điện thoại di động vẫn có thể hoạt động.
Người phát ngôn của Cloudflare, công ty cung cấp dịch vụ máy chủ tên miền tại Mỹ, cho biết phần lớn lưu lượng dịch vụ Internet của Ukraine vẫn hoạt động nhưng các kết nối từ Kharkiv đã bị gián đoạn.
“Phần lớn Internet vẫn hoạt động tại Ukraine. Chúng tôi đã thấy sự gia tăng sử dụng Internet sau 03:30 giờ UTC, có lẽ là thời điểm người dân Ukraine tìm kiếm tin tức liên quan chiến sự. Hiện tại, chúng tôi đã ghi nhận 80% lưu lượng Internet thường thấy tại đây. Tuy nhiên, lưu lượng truy cập từ Kharkiv dường như thấp hơn khoảng 50% so với trước đó”, đại diện Cloudflare cho biết.
Hiện vẫn chưa rõ liệu có thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng viễn thông tại Kharkiv vào thời điểm đó hay không. Các nỗ lực làm tê liệt mạng lưới Internet có thể liên quan tới những cuộc tấn công có chủ đích tương tự nhằm vào các nhà cung cấp dịch vụ (ISP) khác trên toàn quốc.
Đến nay, quân đội Nga đã thực hiện các cuộc không kích vào các mục tiêu chiến lược như trung tâm chỉ huy quân sự và đầu mối giao thông, tuy nhiên chưa có báo cáo về việc tấn công vào mạng lưới dịch vụ viễn thông, truyền thông Ukraine cho hay.
Mặc dù vậy, một số người lo ngại rằng, sự gián đoạn Internet tại Kharkiv có thể là dấu hiệu của ý định chiến lược nhằm hạn chế luồng thông tin trong khu vực, tương tự như các sự cố trước đó xảy ra đối với các cơ sở hạ tầng Internet trong khu vực chiến sự.
Xung đột leo thang càng kéo thêm lo ngại về những cuộc tấn công trực tiếp vào cơ sở hạ tầng Internet của quốc gia Đông Âu này.
“Internet bị tê liệt trong thời gian khủng hoảng, xung đột và bạo loạn sẽ khiến các nhà báo, nhà hoạt động xã hội gặp khó khăn trong việc thu thập, chia sẻ thông tin quan trọng có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của mọi người”, Anthonio lo lắng.
Vinh Ngô(theo TheVerge)