2 lý do F0 dễ tái nhiễm, lúc nào nên tiêm vắc-xin sau khi khỏi bệnh?

Tin Y tế - Ngày đăng : 17:27, 25/02/2022

Do sức đề kháng của mỗi người khác nhau, và có nhiều loại biến thể mà F0 có nguy cơ tái nhiễm khác nhau.

Có nhiều bệnh nhân nghĩ mình là F0 khỏi bệnh thì có thể miễn nhiễm trước Covid-19 nên mang tâm lý chủ quan trong phòng dịch. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một người có thể tái nhiễm Covid-19 nhiều lần và chỉ sau thời gian ngắn.

Lý do khiến F0 tái nhiễm


Bác sĩ Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Việt Đức cho biết có 2 lý do khiến nhiều F0 bị tái nhiễm sau khi khỏi bệnh.

Lý do thứ nhất: Khi nhiễm Covid-19, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể để chống lại virus. Tuy nhiên, việc cơ thể sinh ra bao nhiêu kháng thể và duy trì được trong bao lâu lại tùy thuộc vào mỗi cá thể. Chẳng hạn có người chỉ sinh ra kháng thể ít nên trong thời gian ngắn đã bị nhiễm bệnh trở lại.

Lý do thứ hai: Do lần đầu người bệnh nhiễm một loại biến thể và lần thứ 2 nhiễm một loại biến thể khác nên vẫn có khả năng tái nhiễm. Ví dụ, sau khi nhiễm biến thể Delta và khỏi bệnh, người bệnh vẫn có thể nhiễm Omicron.

1aqwert.png

Bác sĩ Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Việt Đức

Thời gian tiêm mũi vắc xin nhắc lại sau khi khỏi Covid-19

Bác sĩ Trần Quốc Khánh cho biết thông thường sau khi nhiễm khoảng 6 tháng sau có thể tiêm mũi nhắc lại. Tuy nhiên nếu có điều kiện, bạn có thể đi định lượng kháng thể ở các phòng khám lớn hoặc bệnh viện để xác định lượng kháng thể trong cơ thể.

Nếu kháng thể giảm thì sau 3 tháng có thể tiêm vắc xin. Nếu kháng thể vẫn cao thì sau 6 tháng có thể tiêm lại.

Tình hình dịch Covid-19


Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 3.041.506 ca mắc Covid-19, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Về tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 30.791 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (tính từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 3.034.211 ca, trong đó có 2.336.967 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch thứ 4 này gồm TP. Hồ Chí Minh (526.059), Bình Dương (295.221), Hà Nội (226.964), Đồng Nai (100.814), Tây Ninh (89.549).

Ngày 24/2, trong 24 giờ, Hà Nội ghi nhận 8.864 ca Covid-19 (tăng 1.445 ca), trong đó có 3.025 ca cộng đồng.

Một số quận, huyện có nhiều F0 được ghi nhận trong ngày là Đông Anh (698); Sóc Sơn (610); Nam Từ Liêm (520); Long Biên (517); Hoài Đức (514); Hoàng Mai (488); Bắc Từ Liêm (432); Mê Linh (411).

Cộng dồn, số F0 ở Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 đến nay là 230.138 ca.

TP. HCM có số ca mắc tăng vọt trong ngày 24/2, lên 2.466 ca (tăng hơn 1.000 ca so với ngày trước đó) và nằm trong nhóm 10 tỉnh thành có số mắc cao nhất. Đặc biệt, từ ngày 14/2 đến 21/2 số trẻ là F0 đã tăng gấp 3 lần so với tuần trước đó.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố, hiện các bệnh viện đang điều trị 2.171 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 144 trẻ em dưới 16 tuổi, 44 bệnh nhân nặng đang thở máy, 10 bệnh nhân can thiệp ECMO.