Chợ Bến Thành xuống cấp như thế nào trước ngày được cải tạo toàn bộ?
Xã hội - Ngày đăng : 16:50, 25/02/2022
Những ngày cuối tháng 2, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM đang hoàn chỉnh phương án cải tạo, chỉnh trang chợ Bến Thành (phường Bến Nghé, quận 1) để trình lên UBND thành phố.
Chợ Bến Thành được xây từ năm 1912, hoàn thành vào cuối tháng 3 năm1914, đi vào hoạt động gần 110 năm. Chợ có diện tích 13.000m2, nằm ở trục đường Phan Bội Châu - Phan Chu Trinh - Lê Thánh Tôn - Công trường Quách Thị Trang.
Đây là địa điểm nằm ở trung tâm thành phố, thu hút khách du lịch và được coi như biểu tượng của TPHCM.
Trước đó, tại cuộc họp với đơn vị tư vấn và các sở ngành liên quan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình đã thống nhất ý tưởng cải tạo, chỉnh trang chợ Bến Thành theo đề xuất của Công ty TA Landscape.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp được giao phối hợp đơn vị tư vấn thiết kế triển khai ý tưởng chi tiết hơn. Kinh phí thiết kế thực hiện từ nguồn xã hội hóa.
Đơn vị tư vấn thiết kế phải có phương án cải tạo phần nền, mái, điện để bảo đảm thông thoáng, vệ sinh, bảo đảm chiếu sáng và phòng cháy chữa cháy. Phần sạp chợ cơ quan chức năng chỉ duyệt thiết kế mẫu đồng bộ, những ki-ốt hư hỏng, cơi nới được thiết kế lại đảm bảo thuận lợi nhất cho các tiểu thương.
Hiện tại, phần mái của chợ Bến Thành được lợp bằng tôn đã lâu năm và xuất hiện nhiều chỗ hoen gỉ, nóng bức khi trời nắng.
Theo phương án cải tạo chợ Bến Thành do Công ty TA Landscape đưa ra, phần mái chợ dự kiến được làm lại bằng vật liệu ngói, thay thế lớp tôn giả ngói cũ đã xuống cấp.
Ngói cách nhiệt sẽ làm bên trong chợ mát mẻ hơn, không bị nóng như hiện nay. Các cửa thông gió ở mái cũng được thiết kế lại, đảm bảo thông thoáng cho không gian phía trong chợ.
Phần nền chợ cũng được cải tạo, thay mới loại gạch lót phù hợp do có nhiều vị trí sụt lún, xuống cấp.
Hệ thống phòng cháy chữa cháy ở chợ lâu năm khá thô sơ, có phần xuống cấp, chưa đảm bảo an toàn kỹ thuật.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp sẽ đề xuất các phương án cụ thể để sửa chữa hệ thống cấp - thoát nước, chiếu sáng, cấp điện, phòng cháy chữa cháy để đảm bảo kỹ thuật và an toàn cho chợ và các tiểu thương khi buôn bán tại đây.
Theo Ban quản lý dự án, bên trong chợ hiện nay đã xuống cấp nhiều bởi sàn ẩm thấp, hệ thống điện không bảo đảm, dễ xảy ra sự cố, vì vậy sẽ có phương án thay mới, cải tạo lại.
Quá trình chỉnh trang, sửa chữa phải đảm bảo không ảnh hưởng đến kiến trúc của bốn cửa Đông - Tây - Nam - Bắc của chợ.
Ông Nguyễn Hoàng Hải (tiểu thương chợ Bến Thành) cho biết ông có nghe thông tin chợ sẽ được cải tạo lại trong thời gian tới. Các tiểu thương cũng phấn khởi và hy vọng chợ sẽ sớm có một diện mạo mới.
"Nhiều phần trong chợ bị xuống cấp do hoạt động lâu năm, đặc biệt là khu vực bán thịt, hải sản, bán hoa bị ẩm thấp. Hy vọng thời gian tới sẽ được nâng cấp và chỉnh trang lại tốt hơn, nhưng vẫn phải giữ được nét đẹp của chợ nhiều năm nay, đừng phá hỏng nó", ông Hải nói.
Chợ Bến Thành nằm ngay vị trí trung tâm của TPHCM, có 1.442 gian hàng với hàng nghìn tiểu thương hoạt động buôn bán mỗi ngày.
Trước đây, công trình này từng được cải tạo, sửa chữa lần một giữa năm 1985. Hiện chợ Bến Thành đang được làm hồ sơ để công nhận di tích cấp quốc gia.
Trải qua gần 110 năm hoạt động, tháp đồng hồ ở cửa chính chợ Bến Thành được nhiều người xem là biểu tượng của TPHCM. Đây là địa điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng bên cạnh các di tích như Nhà thờ Đức Bà hay Bưu điện TPHCM.
Hiện tại, phía trước chợ là dự án ga Bến Thành của Metro số 1, quy mô 4 tầng sâu hơn 30m dưới lòng đất. Đây là ga ngầm chính phục vụ khách đi Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và là điểm trung chuyển kết nối Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), Metro số 3A (Bến Thành - Tân Kiên) và tuyến Metro số 4 (Thạnh Xuân - Khu đô thị Hiệp Phước).