Phương Tây: Số phận Ukraine 'không đáng' để đổi lại một cuộc chiến tranh trực diện với Nga
Đối ngoại - Ngày đăng : 16:46, 25/02/2022
Ngày 24/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố các biện pháp trừng phạt kinh tế “nghiêm khắc” đối với Nga. (Nguồn: TNR) |
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại Ukraine diễn biến ngày càng nghiêm trọng, ngày 24/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố các biện pháp trừng phạt kinh tế “nghiêm khắc” để Tổng thống Nga Vladimir Putin "bị gạt ra ngoài lề xã hội” vì đã tấn công Ukraine, song ông cũng thừa nhận rằng phương Tây vẫn thiếu một sự thống nhất chung để ban hành một biện pháp thậm chí còn cứng rắn hơn nữa.
Tổng thống Biden cũng thông báo về việc triển khai thêm binh lính tới châu Âu khi những xung đột tại Ukraine đang tiếp tục leo thang.
Trước đó một ngày, các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) với Nga cũng đã có hiệu lực, theo đó nhắm vào các quan chức cấp cao trong chính phủ, một số công ty và hàng trăm nhà lập pháp đã bỏ phiếu ủng hộ việc công nhận độc lập của các tỉnh ly khai ở miền Đông Nam Ukraine.
Quyết gạt Nga ra “ngoài lề xã hội”
Mỹ cho biết các biện pháp trừng phạt mới sẽ nhắm vào các ngân hàng Nga, hạn chế “khả năng hoạt động thương mại của Nga với các đồng USD, Euro, Bảng Anh và đồng Yên Nhật”, đồng thời kiềm chế nước này nhập khẩu các công nghệ cao và khả năng nâng cấp quân đội của Điện Kremlin.
Ông Biden cho biết có thêm 4 ngân hàng nữa, bao gồm 2 ngân hàng lớn nhất là Sberbank và VTB sẽ bị phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt.
Thêm vào đó, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đánh vào các lĩnh vực nhạy cảm sẽ “làm giảm hơn một nửa lượng hàng công nghệ cao nhập khẩu của Nga”. Điều này sẽ khiến nền kinh tế Nga phải trả một cái giá rất lớn, và sẽ ảnh hưởng ngay tức khắc cũng như về lâu dài.
Theo Tổng thống Biden, các lệnh trừng phạt mới nhất trong hàng loạt lệnh trừng phạt đã được công bố trong tuần qua sẽ khiến ông Putin "bị gạt ra ngoài lề xã hội”.
Tuy nhiên, ông Biden cũng xác nhận rằng hiện chưa có bất kỳ nỗ lực nào nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt lên cá nhân ông Putin.
EU, G7 đồng loạt hành động
Những phát biểu của ông Biden được đưa ra sau khi ông tham dự một cuộc họp kín trực tuyến kéo dài 1 giờ 10 phút với nhóm G7. Ông viết trên Twitter rằng các lãnh đạo G7 đã “nhất trí thúc đẩy các gói trừng phạt cực kỳ nghiêm khắc cùng các biện pháp kinh tế khác để bắt Nga phải trả giá. Chúng tôi sẽ sát cánh bên những người dân dũng cảm của Ukraine”.
Tại London, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết Anh đã đóng băng tài sản của các nhà tài phiệt Nga tại Anh thuộc các lĩnh vực ngân hàng và chế tạo vũ khí tại Anh.
Phó thủ tướng Đức Robert Habeck ngày 24/2 cũng cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm mục đích “cắt đứt sự tiếp cận vốn đã hạn chế của nền kinh tế Nga ra khỏi các thị trường châu Âu và Mỹ”. Đức trước đó cũng đã thông báo sẽ chặn đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 từ Nga sang.
Về phía Canada, Thủ tướng Justin Trudeau cho biết Canada sẽ triển khai thêm 460 quân lính để củng cố sức mạnh của NATO ở Latvia và Đông Âu. Canada cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các nhà lập pháp và tổ chức tài chính của Nga, cấm mọi giao dịch tài chính đối với Donetsk và Luhansk, đồng thời cấm mua các khoản nợ của chính phủ Nga.
Các cơ quan đầu não của EU cho biết: “EU sẽ mở rộng các biện pháp hạn chế để trừng phạt tất cả 351 thành viên của Duma Quốc gia (tức Hạ viện) Nga, những người đã bỏ phiếu ủng hộ Tổng thống Putin công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk”. Ngoài ra, sẽ có thêm “27 nhân vật cấp cao và các thực thể từng đóng một vai trò nào đó trong việc gây suy yếu và đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và sự độc lập của Ukraine, bao gồm các quan chức chính phủ, ngân hàng, doanh nhân và các sĩ quan quân sự cấp cao, cũng nằm trong tầm ngắm của EU”.
Người đứng đầu cơ quan đối ngoại EU Joseph Borrell cho biết các lệnh trừng phạt “sẽ tác động mạnh đến Nga và Nga sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều".
Mỹ và NATO sẽ không tham chiến
Tổng thống Mỹ trong bài phát biểu tại Nhà Trắng còn cho biết ông đã ra lệnh “triển khai các lực lượng lục quân và không quân đến đồn trú tại châu Âu đến sườn phía Đông của châu Âu”, đồng thời “củng cố các năng lực của các lực lượng Mỹ tại Đức” như một phần trong sự đáp trả của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ông Biden nhắc lại rằng “các lực lượng của chúng tôi đang và sẽ không tham gia vào cuộc xung đột với Nga tại Ukraine, các lực lượng của chúng tôi không đến châu Âu để chiến đấu tại Ukraine, mà để bảo vệ các đồng minh NATO và khiến các đồng minh ở phía Đông này được yên tâm hơn”, đồng thời nói thêm rằng NATO sẽ triệu tập một hội nghị thượng đỉnh vào ngày 25/2.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ trong một tuyên bố vào chiều 24/2 cho biết Lầu Năm Góc đã ra lệnh điều tới châu Âu thêm khoảng 7.000 nhân viên quân sự và dự kiến nhóm này sẽ “xuất phát trong vài ngày tới”.
Theo quan chức trên, lực lượng này sẽ được triển khai tại Đức để làm yên lòng các đồng minh, “cản trở” các chiến dịch quân sự của Nga và chuẩn bị hỗ trợ cho hàng loạt nhu cầu cần thiết tại khu vực.
Canada cũng nhấn mạnh rằng bất chấp những thông điệp ủng hộ Ukraine liên tục được đưa ra, Canada và các đồng minh đã nhiều lần bác bỏ đề xuất về việc các nước sẽ gửi quân đến hỗ trợ chính phủ ở Kiev.
Các cường quốc phương Tây từ lâu đã nói rõ rằng số phận của Ukraine không đáng để đánh đổi có một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Nga và khả năng xảy ra chiến tranh thế giới, vì vậy các biện pháp trừng phạt là lựa chọn duy nhất.
Mặc dù vậy, toàn bộ tính toán trên sẽ thay đổi nếu Nga quyết định mở rộng cuộc xung đột ra ngoài Ukraine và sang Đông Âu. Bất kỳ cuộc tấn công hoặc xâm lược nào vào một quốc gia NATO gần như chắc chắn sẽ kích hoạt Điều 5 trong hiệp ước quân sự của NATO, theo đó quy định rằng một cuộc tấn công vào một quốc gia thuộc liên minh là một cuộc tấn công vào tất cả các nước. Điều đó sẽ kéo Canada và các đồng minh vào một cuộc chiến trực tiếp với Nga.