Âu - Mỹ tung đòn tàn khốc, TT Putin đối mặt mối nguy từ bên trong
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 15:16, 25/02/2022
Đồng loạt trừng phạt
Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa phát đi thông báo cho biết sau cuộc gặp với các nhà lãnh đạo của nhóm G7, họ đã nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt "tàn khốc" đối với Nga "để buộc Nga phải chịu trách nhiệm".
Theo đó, tất cả tài sản của Nga tại Mỹ sẽ bị đóng băng và các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn sẽ được áp dụng đối với Nga. Ước tính, các ngân hàng lớn của Nga bị trừng phạt có tổng tài sản lên tới 1.000 tỷ USD.
Mục đích mà Mỹ nhắm tới là làm suy yếu khả năng cạnh tranh của Nga trong nền kinh tế công nghệ cao ở thế kỷ 21. Ông Biden cho biết, các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh áp đặt lên Nga có thể sẽ cắt đứt hơn một nửa lượng hàng hóa và công nghệ nhập khẩu công nghệ cao của Nga.
Chứng khoán Nga tụt giảm. |
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng công bố một vòng trừng phạt mới nhằm vào Nga, bao gồm: phong tỏa tỏa tài sản đối với tất cả các ngân hàng lớn của Nga và đóng băng ngay lập tức Ngân hàng VTB. Lệnh trừng phạt sẽ được áp dụng với các cá nhân, tổ chức và công ty con, bao gồm cả công ty quốc phòng lớn nhất của Nga Rostec; hãng hàng không Aeroflot sẽ bị cấm nhập cảnh vào Vương quốc Anh...
Anh cũng đình chỉ ngay lập tức giấy phép xuất khẩu sang Nga như mặt hàng linh kiện điện cho xe tải quân sự và sẽ sớm ban hành luật để cấm xuất khẩu một số lượng lớn các sản phẩm công nghệ cao sang Moscow.
Nước Anh đang làm việc với các đồng minh G7 và NATO để ngăn chặn quyền truy cập của Nga vào hệ thống thanh toán của Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT).
EU thông báo sẽ công bố một loạt các biện pháp trừng phạt mới, cứng rắn đối với Nga.
Chính phủ Thụy Sĩ cho hay sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với 3 ngân hàng Nga và các hạn chế đi lại đối với 361 thành viên của Duma Quốc gia Nga.
Như vậy, một loạt lệnh trừng phạt kinh tế đã được đưa ra và nhắm vào các tổ chức và tầng lớp thượng lưu ở Nga thân cận với Tổng thống Putin.
Nga tấn công Ukraine. |
Nga đối mặt đổ vỡ bên trong
Ngay trong ngày khởi động cuộc tấn công vào Ukraine, thị trường chứng khoán Nga chứng kiến một đợt giảm điểm chưa từng có. Chỉ số MOEX của thị trường chứng khoán Nga có lúc giảm tới 45%, trước khi phục hồi nhẹ và đóng cửa với mức giảm 33%.
Chỉ số RTS định giá bằng USD chốt phiên với mức giảm 39%, cuốn phăng khoảng 70 tỷ USD giá trị vốn hoá của các công ty lớn nhất Nga. Trong khi đó, đồng Rúp mất giá 10% trong một phiên xuống gần 90 Rúp đổi 1 USD.
Cổ phiếu ngân hàng lớn nhất Nga Sberbank mất 43% giá trị sau khi bị đưa vào danh sách trừng phạt của phương Tây. Hãng dầu lửa Rosneft giảm 43%. Còn hãng khí đốt Gazprom với dự án Nord Stream 2 (vừa bị Đức ngưng phê duyệt) giảm 35%.
Theo đánh giá của Tổng thống Mỹ Joe Biden, các biện pháp trừng phạ sẽ cô lập Nga khỏi nền kinh tế toàn cầu.
Mặc dù các lệnh trừng phạt được phương Tây dồn dập đưa ra nhưng tất cả đều chưa nhắm tới Tổng thống Nga Putin.
Bên cạnh đó, Mỹ và các đồng minh cũng chưa nhắm vào ngành năng lượng của Nga hay loại Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc tế. SWIFT cho biết mình là hệ thống của một sự hợp tác toàn cầu có quan điểm trung lập.
Cuộc trừng phạt sẽ kéo dài. |
Trên thực tế, phương Tây chưa động tới 3 điểm nhạy cảm nhất. Đó chính là một lệnh trừng phạt trực tiếp lên ông Putin, loại Nga khỏi SWIFT và đánh vào sức mạnh năng lượng của nước Nga.
Trong cuộc khủng hoảng năm 2014, Mỹ và EU cũng không động đến 3 điểm nhạy cảm này bởi hậu quả có thể rất to lớn đối với cả Nga và thế giới.
Hiện tại, châu Âu vẫn phụ thuộc nặng nề vào năng lượng của nước Nga. Không những thế, nguy cơ về khả năng một cuộc chiến thế giới cũng không hề nhỏ.
Theo Reuters, Mỹ và các đồng minh hiện vẫn chưa thống nhất được việc nên cứng rắn tới mức nào với Nga. Các biện pháp trừng phạt vừa được đưa ra mới chỉ được thiết kế nhằm gây ảnh hưởng lâu dài đối với Nga và giảm thiểu ảnh hưởng đến Mỹ và các nước đồng minh.
Mỹ và NATO gần đây đều khẳng định sẽ không đưa quân tới Ukraine.
Hiện tại, chính quyền ông Biden đối mặt nhiều thách thức trong nước, bao gồm tỷ lệ cử tri Mỹ ủng hộ ông giảm xuống mức thấp; lạm phát đang ở mức cao nhất 40 năm. Giá xăng dầu đang tăng rất mạnh. Đảng Dân chủ có thể mất quyền kiểm soát lưỡng viện quốc hội trong cuộc bầu cửa giữa nhiệm kỳ vào cuối năm nay.
M. Hà