Công ty vận hành, bảo dưỡng metro Bến Thành - Suối Tiên hết kinh phí hoạt động
Xã hội - Ngày đăng : 14:42, 25/02/2022
Văn phòng Chính phủ đã đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, nghiên cứu kiến nghị của UBND TP.HCM về việc bố trí ngân sách đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ của Công ty TNHH một thành viên Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM.
Trong trường hợp vượt thẩm quyền, hai bộ đề xuất báo cáo Thủ tướng theo quy định.
Tàu metro Bến Thành - Suối Tiên cập cảng TP.HCM hồi cuối năm 2021 |
Theo UBND TP, biên bản thảo luận ký kết Hiệp định cho vay vốn ODA ưu đãi giữa Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và Chính phủ Việt Nam có điều kiện ràng buộc là ít nhất 3 năm trước khi vận hành sẽ thành lập một đơn vị/công ty vận hành và bảo dưỡng dự án.
Trên cơ sở đó, Công ty TNHH một thành viên Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM đã được thành lập vào năm 2015 với vốn điều lệ 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, phải tới năm 2019, công ty này mới bổ nhiệm giám đốc và bắt đầu đi vào hoạt động.
Theo đề án thành lập công ty, giai đoạn 2015 - 2017, công ty chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tiếp nhận, triển khai, quản lý, vận hành tuyến metro. Từ năm 2018, công ty này sẽ quản lý vận hành tuyến metro số 1. Về cơ chế tài chính, giai đoạn chuẩn bị, không phát sinh sản phẩm, doanh thu từ hoạt động kinh doanh, TP sẽ bố trí vốn từ ngân sách đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ của doanh nghiệp…
Tuy nhiên, tiến độ dự án metro số 1 liên tục bị lùi và hiện đã chậm hơn rất nhiều so với kế hoạch khiến công ty quản lý vận hành metro số 1 không có nguồn thu. Từ khi thành lập đến nay, công ty chỉ được cấp vốn điều lệ là 14 tỷ để mua sắm trang thiết bị văn phòng cơ bản, còn kinh phí hoạt động vẫn chưa được ngân sách bố trí theo đề án được duyệt.
Công ty cũng không còn đủ nguồn tạm ứng từ vốn điều lệ ban đầu để duy trì hoạt động dẫn đến khó khăn về việc trả lương, đóng các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... cho người lao động cũng như trả các chi phí điện, nước.
Để Công ty duy trì hoạt động trước khi được bàn giao, tiếp nhận quản lý, vận hành khai thác thương mại tuyến metro số 1, UBND TP kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho TP được sử dụng ngân sách TP để bố trí kinh phí cho công ty này.
Trường hợp được Thủ tướng chấp thuận, UBND TP đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến hướng dẫn việc bố trí ngân sách và phương thức chi đối với nội dung nêu trên.
Metro số 1 có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, dài gần 20km từ depot Long Bình (TP Thủ Đức) đến ga Bến Thành (quận 1). Dự án hiện đạt gần 89%, dự kiến đưa vào khai thác năm 2023.
Tuấn Kiệt