Mẹ F0 chăm con nhỏ F1: Khẩu trang trong cả lúc ngủ để giữ an toàn cho con
Tin Y tế - Ngày đăng : 08:30, 25/02/2022
Cha mẹ F0 chăm sóc con F1
Thấy bản thân có dấu hiệu đau họng từ hôm thứ Hai (ngày 21.2), chị Lê Thị Hoa, 29 tuổi, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội đã tự test nhanh và cho kết quả một vạch (âm tính). Sau đó một ngày, chị tiếp tục test và kết quả vẫn âm tính.
Tuy nhiên, sáng 23.2, thấy cơ thể mệt mỏi hơn và có sốt, chị tiếp tục test và đã xuất hiện dương tính với SARS-CoV-2. Ngay sau đó, chị đã kêu chồng xét nghiệm cho con trai 2 tuổi và cho bản thân. Kết quả, hiện tại chồng và con trai đều âm tính, còn chị dương tính. Chị Hoa được yêu cầu cách ly trong phòng, sử dụng nhà vệ sinh riêng và nhường toàn bộ không gian sinh hoạt bên ngoài cho chồng.
Do con còn nhỏ, không tách mẹ được nên chị Hoa đành phải cho con cách ly cùng để tiện chăm sóc. Để giữ an toàn cho con, chị Hoa phải dùng 2 lớp khẩu trang, sử dụng găng tay khi cho bé ăn. Để giữ sức đề kháng cho con, chị đã mua thêm siro và sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi cho con.
Vì con còn nhỏ, chị Hoa buộc phải cho con ngủ cùng. Tuy nhiên, dù lúc ngủ thì chị vẫn đeo khẩu trang 24/24 để tránh lây lan dịch cho con. Do chưa sử dụng thuốc kháng virus, con nhỏ chưa cai sữa nên chị được mọi người khuyên vẫn cho con bú sữa bình thường.
Chung cảnh mẹ F0 chăm con nhỏ F1, chị Nguyễn Thị An (31 tuổi, Xuân Phương, Bắc Từ Liêm) cho biết, sau khi chồng dương tính SARS-CoV-2, chị đã cách ly chồng một phòng riêng, còn chị và con gái 3 tuổi sinh hoạt chung ở ngoài. Hằng ngày, chị An phục vụ đồ ăn, nước uống để trước cửa phòng cho chồng. Còn mỗi khi chồng muốn đi vệ sinh, tắm gội sẽ nhắn tin cho chị bế con nhỏ vào phòng riêng.
“Mỗi lần như vậy con gái tôi khóc hết nước mắt vì cháu thích chạy nhảy, chơi đùa ở không gian rộng và đặc biệt thích xem tivi ở phòng khách”, chị An kể.
Trong thời gian đó, chị đã phải sử dụng tất cả các biện pháp để giữ an toàn cho con. Sau khi chồng khỏi bệnh, chị là người tiếp theo mắc COVID-19. Tuy nhiên, may mắn con gái vẫn cho kết quả âm tính.
Để chăm sóc con nhỏ, chị đã phải mua rất nhiều xịt khuẩn, găng tay, khẩu trang N95 để sử dụng 1 lần. Chỉ 3 ngày chị đã dùng gần hết 280 đôi găng tay, vì khi bật công tắc nhà tắm hay vào nhà vệ sinh đều phải sử dụng găng tay. Thậm chí, khi lấy đồ ăn, rửa bát chị cũng phải sử dụng găng tay.
Khác với 2 trường hợp trên, chị Phạm Thu Huyền (23 tuổi, An Sinh, Kinh Môn, Hải Dương) mắc COVID-19 do lây từ đồng nghiệp cùng công ty. Sau khi xác định dương tính, chị Huyền tự về nhà cách ly tại phòng riêng. Sau khi chồng, con trai 3 tuổi và mẹ chồng xét nghiệm âm tính, chị để con sang phòng của bà nội để chăm sóc.
Sau đó một ngày, con trai 10 tháng tuổi test dương tính nên gia đình phải cho cháu vào cách ly cùng mẹ. Dù cùng là F0 nhưng khi cách ly cùng con trai, chị Huyền vẫn phải đeo khẩu trang và liên tục sát khuẩn tay, xịt khuẩn toàn thân. Ban đầu, con trai chị có dấu hiệu sốt, quấy, không chịu chơi, thường xuyên chảy nước mũi và có nhiều đờm.
Sau khi dùng thuốc hạ sốt và siro, sức khoẻ của cả 2 mẹ con đã tiến triển tốt hơn. Hiện tại, bản thân chị cùng con trai đã hết sốt và sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, hiện tại cả 4 thành viên trong gia đình đều mắc COVID-19, tự điều trị tại nhà.
Mẹ F0 chăm sóc con nhỏ F1 sao cho an toàn?
Theo bác sĩ Nhi khoa Nguyễn Mạnh Cường, tình nguyện viên điều trị mẹ và bé F0 tại nhà, cha mẹ có thể chăm sóc con bằng chế độ ăn uống hợp lý khi tăng nhiều rau xanh, nước ép hoa quả, nhiều cá; có chế độ tập luyện con phù hợp, cho bé đi lại, chơi đùa nhẹ nhàng, Đặc biệt, phải giữ tinh thần lạc quan tích cực cho bé, không quá lo lắng, hãy để trẻ vô tư sinh hoạt như chưa có bệnh. Bổ sung các nhóm thuốc điều trị triệu chứng.
Sử dụng nhóm các thuốc chữa ho khi bé ho nhiều ảnh hưởng ăn uống, bú, ngủ nghỉ, chơi, học tập. Khuyến khích trẻ uống nhiều nước để giảm cơn ho. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, mẹ nên cho trẻ bú nhiều bữa hơn. Trẻ lớn hơn có thể bổ sung thêm nước hoa quả để tăng cường vitamin và khoáng chất, giúp nâng cao sức đề kháng.
Với trẻ lớn, cha mẹ có thể hướng dẫn con súc miệng bằng nước muối loãng, ấm 5-6 lần trên ngày. Thuốc long đờm nên dùng khi trẻ ho có đờm hoặc đờm quá đặc không khạc ra được. Tránh dùng cùng lúc thuốc long đờm với thuốc giảm ho, phải có chỉ định của bác sĩ. Không được lạm dụng kháng sinh để điều trị ho của trẻ nhỏ.
Theo bác sĩ Mạnh Cường, trẻ nhỏ cho tăng cường bú mẹ là điều quan trọng nhất. Các bé đang bú mẹ thì phải tiếp tục bú và đảm bảo mẹ không bị lây chéo bằng cách đeo khẩu trang, kính che giọt bắn và sát khuẩn tay nhanh
Cha mẹ có thể tập thể dục nhẹ nhàng cho con 15 phút mỗi ngày (trẻ lớn) duy trì các thói quen tốt để giữ tinh thần lạc quan để cùng nhau chiến thắng đại dịch COVID-19.
Tư vấn cho các gia đình có "F1 lẻ loi", bác sĩ Trương Hữu Khanh - cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 - khuyên: "Khi sống chung, mọi người cần tuân thủ quy tắc: F1 được ưu tiên dùng đồ trước, F0 dùng sau; luôn đeo khẩu trang và giữ khoảng cách là cách để hạn chế lây nhiễm.
Nói về chăm con F0, bác sĩ Khanh cho biết, nhiều phụ huynh đã cùng con đi qua những ngày F0 mà vẫn không bị lây, chỉ nhờ rửa tay, khẩu trang, phòng thông thoáng.
Nếu cha hoặc mẹ của trẻ là người đã được tiêm vaccine, lại mang khẩu trang kỹ thì khả năng bị lây là thấp dù trực tiếp chăm con F0. Vaccine giúp chúng ta giảm nguy cơ bị lây, chỉ khi nào tiếp xúc với một lượng virus thật lớn mới có khả năng bị lây lan.