Bao nhiêu máy bay của không quân Mỹ đủ khả năng thực thi nhiệm vụ?
Đối ngoại - Ngày đăng : 09:22, 25/02/2022
Theo dữ liệu do chính không quân Mỹ cung cấp cho tờ Air Force Times, trong năm 2021, cứ 10 máy bay của không quân Mỹ thì có 7 chiếc trong tình trạng sẵn sàng thực hiện các sứ mệnh chiến đấu, các nhiệm vụ huấn luyện hoặc các hoạt động thường xuyên khác.
Defense News cho biết, tỷ lệ các máy bay của không quân Mỹ đủ khả năng thực thi nhiệm vụ-vốn là thước đo chính đối với khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng này-gần như “giậm chân tại chỗ”, thậm chí còn sụt giảm khi chỉ đạt 71,5% trong năm 2021 so với tỷ lệ 72,7% trong năm 2020. Đây được xem là mức tăng “tương đối nhỏ” so với năm 2018, khi tỷ lệ các máy bay của không quân Mỹ đủ khả năng thực thi nhiệm vụ là dưới 70%-mức thấp nhất trong gần một thập niên.
Hai máy bay ném bom B-1B Lancer của không quân Mỹ bay theo đội hình phía trên vịnh Mexico hồi tháng 2-2021. Ảnh: Defense News |
“Thực trạng này đe dọa độ tin cậy của không quân Mỹ không chỉ trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng mà còn cả trong các hoạt động thường xuyên. Điều đó đồng nghĩa, không quân Mỹ đang chi tiền thuế của người dân vào các hoạt động bảo trì và những phi đội kém hiệu quả”, Defense News nhận xét.
Defense News cho rằng, có một số nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên của không quân Mỹ. Một trong những nguyên nhân đáng chú ý nhất chính là tình trạng các máy bay “già cỗi” của lực lượng này. Không quân Mỹ là một trong các lực lượng đang sở hữu những máy bay “già” nhất trên thế giới.
Thời gian phục vụ trung bình của các máy bay trong không quân Mỹ hiện là 29 năm. Khoảng 50% trong số các máy bay của không quân Mỹ bắt đầu được đưa vào sử dụng từ thập niên 1980 hoặc sớm hơn, thậm chí là từ đầu thập niên 1960. Một số máy bay như máy bay ném bom B-52 Stratofortress, máy bay huấn luyện T-38 Talon và máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-135 Stratotanker đã bước vào “thập niên phục vụ thứ 5 hoặc thứ 6 của chúng”.
Trong khi đó, tờ Air Force Magazine cho biết, “tuổi thọ” phục vụ trung bình của các máy bay trong hải quân và lục quân Mỹ lần lượt là 14,4 năm và 15,3 năm, trong không quân Australia là 8,9 năm và không quân Anh là 16,5 năm.
Theo ông Hawk Carlisle, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng (NDIA)-một tổ chức phi lợi nhuận chuyên thúc đẩy các vấn đề an ninh quốc gia của Mỹ có trụ sở tại bang Virginia-khi các máy bay của không quân Mỹ trở nên “già cỗi”, chúng cần được bảo dưỡng nhiều hơn để kéo dài “tuổi thọ” phục vụ và do đó “mất nhiều thời gian nằm trong nhà kho hơn”.
Defense News cho biết, việc kéo dài “tuổi thọ” phục vụ của các máy bay “già cỗi” ngày càng trở nên đắt đỏ, nhất là đối với các máy bay thực hiện những nhiệm vụ “có độ chuyên môn hóa cao” như các máy bay trinh sát. Mỗi chiếc máy bay có nhiều loại phụ tùng “khó tìm” khác nhau. Thiếu một vài trong số chúng có thể khiến máy bay ngừng hoạt động.
Đối với những chiếc máy bay có “tuổi thọ” hàng chục thập niên, nhiều loại phụ tùng của chúng hiện không còn được sản xuất do hãng sản xuất đã đóng cửa, buộc không quân Mỹ phải tìm nhà sản xuất khác để đặt hàng thay thế. Trong khi đó, tác động của đại dịch Covid-19 đối với các chuỗi cung ứng đã khiến việc thiếu hụt phụ tùng đối với các máy bay chiến đấu trở nên trầm trọng hơn, góp phần khiến khả năng thực thi nhiệm vụ sụt giảm ở các dòng máy bay tiêm kích F-15, F-16, F-22, F-35 cũng như các máy bay huấn luyện T-6 và T-38 của không quân Mỹ.
Tuy nhiên, Đại tá James Hartle thuộc bộ phận hậu cần của không quân Mỹ lại có cái nhìn tương đối lạc quan, cho rằng, lực lượng này đang tiến gần đến mục tiêu đặt ra về tỷ lệ các máy bay đủ khả năng thực thi nhiệm vụ. Theo ông Hartle, chiến dịch sơ tán của Mỹ khỏi Afghanistan kéo dài hai tuần hồi tháng 8-2021 chính là bằng chứng cho khả năng ứng phó của không quân Mỹ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
“Chúng tôi gần như hài lòng với tỷ lệ các máy bay đủ khả năng thực thi nhiệm vụ hiện nay. Tất nhiên, chúng tôi còn có những phương diện cần phải cải thiện và có cơ hội để nâng tỷ lệ hiện nay lên nhưng mọi việc cần có thời gian”, tờ Air Force Times dẫn lời ông Hartle.
Trong khi đó, Defense News dẫn lời chuyên gia John Venable thuộc Viện nghiên cứu Heritage Foundation có trụ sở tại thủ đô Washington (Mỹ) cho rằng, tỷ lệ các máy bay đủ khả năng thực thi nhiệm vụ trên dưới 70% như những năm qua sẽ là không đủ khi xảy ra một cuộc xung đột kéo dài giữa Mỹ và một đối thủ lớn. Trong trường hợp đó, không quân Mỹ phải huy động tất cả các máy bay và tỷ lệ trên “không phải là điềm lành”.
HOÀNG VŨ