Thế giới cần khách du lịch Trung Quốc
Đối ngoại - Ngày đăng : 06:40, 25/02/2022
Trong một lần trao đổi với Zing, bà H., CEO một công ty lữ hành lớn ở Hà Nội, nói về việc các chuỗi cung ứng dịch vụ cho khách Việt tại châu Âu vẫn chưa hồi phục. Nguyên nhân chính lại là do khách Trung Quốc - thị trường khách du lịch quốc tế lớn nhất thế giới - chưa đi du lịch trở lại. Do đó, các bên cung ứng dịch vụ vẫn khá dè dặt cho việc mở lại.
Ảnh hưởng của khách du lịch Trung Quốc không đơn thuần chỉ liên quan tới du khách Việt Nam. Ngành du lịch toàn cầu hứa hẹn còn nhiều khó khăn trong hành trình tìm lại "đỉnh cao" nếu thị trường này vẫn án binh bất động như hiện nay.
Khách Trung Quốc quan trọng thế nào?
Hồi tháng 12/2021, tờ New York Times đã đăng tải bài báo có tựa "Khi những người chi nhiều tiền nhất không thể sớm trở lại" để nói về tầm quan trọng của du khách Trung Quốc.
Tác giả bài báo khẳng định: "Không quốc gia nào đóng vai trò quan trọng với du lịch toàn cầu suốt thập kỷ qua hơn Trung Quốc".
Điều đó thể hiện ở con số 260 tỷ USD khách du lịch nước này đã chi trong năm 2019, trước khi đại dịch bùng phát. Không khách du lịch ở bất kỳ quốc gia nào có thể vượt qua con số này. Sự thiếu vắng du khách Trung Quốc trong bối cảnh thế giới đang dần bình thường lại đồng nghĩa việc doanh thu du lịch toàn cầu sẽ còn nhiều khó khăn để trở lại như cũ.
Du khách Trung Quốc chuẩn bị lên du thuyền ở bến tàu Thượng Hải. Ảnh: Daniele Mattioli
Các nhà phân tích nhận xét phải mất tới 2 năm nữa trước khi Trung Quốc trở lại hoàn toàn. Đó là viễn cảnh không mấy vui vẻ với những người làm du lịch toàn cầu, đặc biệt tại các thị trường khách Trung Quốc yêu thích.
Các trung tâm mua sắm vắng tanh. Nhà hàng đóng cửa. Khách sạn đìu hiu. Đó là thực tế ở nhiều khu du lịch khi thiếu vắng khách Trung Quốc. Mức độ ảnh hưởng dễ thấy nhất ở khu vực Bắc Á và Đông Nam Á.
Theo Nihat Ercan, trưởng bộ phận kinh doanh đầu tư tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của JLL Hotels & Hospitality, Trung Quốc là nguồn cung cấp du lịch số một ở châu Á cho một số thành phố lớn.
Chợ trái cây Or Tor Kor ở Bangkok (Thái Lan) từng tấp nập khách Trung Quốc ngồi ăn sầu riêng. Phakamon Thadawatthanachok, một người bán sầu riêng, cho biết từng dự trữ 300-400 kg sầu riêng trong kho và phải nhập thêm 3-4 lần/tuần để đáp ứng nhu cầu của du khách. Giờ đây, cô phải vay tiền để trang trải cuộc sống.
Franky Budidarman, chủ sở hữu của một trong 2 công ty du lịch lớn ở Bali (Indonesia) cũng gặp tình trạng tương tự. Công ty của Budidarman luôn đón lượng lớn khách Trung Quốc trước kia. Hiện tại, họ đã phải cắt giảm 1/2 số nhân viên văn phòng và đổi sang kinh doanh dịch vụ giao đồ ăn. Nhiều công ty, doanh nghiệp du lịch khác trên đảo thậm chí đã phá sản hoặc phải trả mặt bằng.
Hay tại Jeju (Hàn Quốc), nơi du khách Trung Quốc thường đi theo đoàn, thiệt hại cũng đặc biệt nghiêm trọng. Hòn đảo này từng thu hút khách Trung Quốc khi họ có thể nhập cảnh mà không cần visa. Tuy nhiên, lượng khách du lịch đến từ đất nước tỷ dân này đã sụt giảm hơn 90%, từ 1 triệu khách năm 2019 xuống 103.000 khách vào năm 2020. Thống kê tới tháng 9/2021 cho thấy con số này chỉ còn loanh quanh 5.000 khách.
Theo Hong Sukkyoun, phát ngôn viên của Hiệp hội Du lịch Jeju, một nửa số cửa hàng miễn thuế phục vụ du khách Trung Quốc trên đảo đã đóng cửa. Tại trung tâm mua sắm Big Market, nơi chuyên bán các đặc sản của đảo như chocolate và hàng thủ công, 9/12 nhân viên đã bị cho thôi việc.
Các điểm đến ở châu Âu cũng ngày đêm chờ khách Trung Quốc trở lại. Ảnh: Philippe Wojazer.
Câu chuyện ở châu Âu cũng không khá khẩm hơn. Dù khách Trung Quốc tại châu Âu không nhiều như châu Á, họ vẫn là một trong những thị trường khách quốc tế quan trọng nhất vài năm trở lại đây.
Vào thời kỳ cao điểm, Bảo tàng Sherlock Holmes ở London (Anh) đón khoảng 1.000 người tham quan mỗi ngày. Ít nhất một nửa trong số đó đến từ Trung Quốc. Kể từ khi mở cửa trở lại vào tháng 5/2021, bảo tàng chỉ thu hút được 10% số lượng khách tham quan như trước. Vừa qua, họ đã mở một cửa hàng trực tuyến để bán hàng hóa và đồ lưu niệm. Thống kê cho thấy khoảng 1/3 số hàng được chuyển đến Trung Quốc.
Chia sẻ với New York Times, Alfonsina Russo, Giám đốc Đấu trường La Mã ở Rome (Italy), nói: "Chúng tôi đang cảm nhận rõ sự thiếu vắng khách Trung Quốc".
Nhiều điểm đến như Rome, Paris từng có những thay đổi để phục vụ tốt hơn cho khách Trung Quốc. Ảnh: Nadia Shira Cohen.
Theo bà Russo, khách du lịch châu Á, đặc biệt từ Trung Quốc, chiếm khoảng 40% lượng khách quốc tế đến Đấu trường La Mã vào năm 2019. Trong năm đó, trang web chính thức của đấu trường còn thêm ngôn ngữ Trung Quốc để du khách dễ tra cứu, bên cạnh 2 ngôn ngữ chính là tiếng Italy và tiếng Anh.
Tại Rome, người ta dễ dàng thấy khách Trung Quốc quan trọng thế nào. Thành phố từng điều chỉnh nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch nhằm chú trọng thị trường khách Trung Quốc. Các tài xế taxi biết cảm ơn khách hàng bằng tiếng Trung hoặc tiếng Quan Thoại.
Trong khi đó, những người làm du lịch tại Pháp cũng luôn giữ kết nối với thị trường Trung Quốc kể từ khi đại dịch xảy ra.
Catherine Oden, người làm việc cho Atout France, Cơ quan phát triển du lịch Pháp, cho biết cô phải làm quen với các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc như Weibo và Douyin để phát trực tiếp các hoạt động trực tuyến gồm dạy nấu ăn và tham quan nước Pháp.
"Chúng tôi muốn ghi dấu ấn với họ. Để khi mọi thứ trở lại bình thường, họ sẽ chọn Pháp là điểm đến đầu tiên", cô nói.
Bao giờ du lịch outbound Trung Quốc hồi sinh?
Theo Cơ quan Tình báo Kinh tế, sự phục hồi của du lịch outbound Trung Quốc phụ thuộc lớn vào tiến độ phủ vaccine ở nước này cũng như toàn cầu. Hiện nay, khoảng 87% dân số Trung Quốc đã tiêm đủ mũi vaccine. Tuy nhiên, như cơ quan này đã dự đoán, chính phủ Trung Quốc không dễ nới lỏng yêu cầu kiểm dịch với người trở về từ nước ngoài dù đạt được tỷ lệ tiêm phòng rộng rãi.
Thực tế, Trung Quốc vẫn đang theo đuổi chiến dịch "Zero Covid". Cuối năm ngoái, chính quyền nước này thông báo số chuyến bay quốc tế chỉ được giữ ở mức 2,2% so với trước dịch. Từ tháng 8/2021, Trung Quốc gần như dừng việc cấp hộ chiếu mới và áp dụng cách ly 14 ngày với người nhập cảnh. Việc trở lại Trung Quốc sau khi đi nước ngoài cũng khiến du khách đối mặt với "hàng núi thủ tục giấy tờ và nhiều bài test Covid-19" - theo New York Times.
Sự cẩn trọng trong cách đối mặt với Covid-19 ở Trung Quốc là điều chính phủ nước này hướng tới. Do đó, các chuyên gia dự báo chỉ những chuyến công tác hoặc thăm thân (chiếm lần lượt 8% và 4% tổng du lịch outbound từ Trung Quốc trước dịch) sẽ được duy trì trong năm 2022. Những chuyến du lịch đơn thuần chưa thể trở lại sớm.
Tuy nhiên, du khách Trung Quốc có thể kỳ vọng vào việc được đi du lịch Hong Kong và Macau - 2 đặc khu hành chính của nước này. Dự báo từ Cơ quan Tình báo Kinh tế cho thấy các yêu cầu kiểm dịch với người trở về từ 2 khu vực này có thể sớm được dỡ bỏ, cụ thể là từ quý 4. Trước đại dịch, khoảng 42% tổng du lịch outbound của Trung Quốc là đến Hong Kong và Macau.
Khách Trung Quốc chụp ảnh ở cầu cảng Sydney (Australia). Ảnh: Matthew Abbott.
Các quốc gia, điểm đến xa hơn sẽ mất nhiều thời gian nữa để nối lại du lịch outbound với Trung Quốc. Khảo sát từ McKinsey, công ty tư vấn quản lý toàn cầu, chỉ ra khách du lịch Trung Quốc thực sự muốn du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, đa số cho rằng du lịch quốc tế chưa an toàn và họ cũng không lên kế hoạch du lịch nước ngoài trong thời gian tới.
Để đi du lịch nước ngoài như xưa, người Trung Quốc muốn điểm đến phải "gần như sạch bóng Covid-19". 86% người được hỏi đã đồng tình như vậy. Trong bối cảnh thế giới đang chấp nhận sống chung với Covid-19 và những biến thể mới vẫn xuất hiện, điều này thực sự khó xảy ra. Mặt khác, 84% người Trung Quốc muốn bỏ việc kiểm dịch, cách ly khi trở lại.
Xu hướng du lịch gần cũng chỉ ra nếu du lịch quốc tế trở lại, khách Trung Quốc sẽ ưu tiên đến các nước châu Á. Các điểm đến hàng đầu có thể kể đến như Lào, UAE, Thái Lan, Maldives.