Sơn La: Gia tăng thiệt hại do rét đậm, rét hại
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 17:36, 24/02/2022
Do ảnh hưởng không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ thấp nhất ở các nơi trên địa bàn tỉnh phổ biến từ 6-11 độ; có địa phương xuống thấp nhất là Bắc Yên, nhiệt độ 0,4 độ C (6 giờ ngày 21/2 tại trạm Tà Xùa).
Bắc Yên cũng là huyện chịu thiệt hại nặng nề nhất với hơn 500 gia súc bị chết rét, ước tổng thiệt hại hơn 6,6 tỷ đồng. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Công cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra việc triển khai phòng chống rét cho gia súc tại 2 xã Mường Khoa và Tà Xùa.
Để chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại, huyện Bắc Yên đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các xã theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí hậu để thông tin kịp thời đến người dân; thành lập các đoàn công tác xuống cơ sở hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống đói, rét cho cây trồng, vật nuôi, chủ động gia cố che chắn chuồng trại, dự trữ củi đốt, thức ăn, tăng cường bổ sung thức ăn tinh cho gia súc…
Qua kiểm tra thực tế tại 2 xã, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Công đã yêu cầu huyện Bắc Yên tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, không chủ quan, bị động trong việc phòng, chống đói, rét cho vật nuôi. Tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn người dân đưa gia súc về chuồng, che chắn kín gió, bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng, thức ăn tinh, làm khô ráo nền chuồng... để hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Vân Hồ là địa phương thứ 2 chịu ảnh hưởng của rét với 263 con gia súc bị thiệt hại tại 13 xã, ước giá trị thiệt hại hơn 3,8 tỷ đồng. Theo đánh giá của UBND huyện Vân Hồ, một số xã vẫn chủ quan, chỉ đạo chưa quyết liệt nên để xảy ra tình trạng gia súc thiệt hại lớn như Liên Hòa, Song Khủa, Tân Xuân, Lóng Luông.
Trước thực trạng đó, UBND huyện đã tổ chức họp khẩn giữa các ngành và các xã để chỉ đạo khẩn trương công tác phòng, chống và khắc phục thiệt hại. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Quang Huấn đã giao UBND các xã tiếp tục quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống rét, chú trọng đối với các bản vùng cao, vùng sâu, những nơi có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn.
Thành lập đoàn công tác xuống các bản để hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng và đàn vật nuôi. Khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 15 độ, tuyệt đối không chăn thả trâu bò, không cho trâu bò đi làm việc, di chuyển đàn trâu, bò ra khỏi khu vực núi cao và đưa trâu bò thả rông về nhốt tại chuồng; che chắn chuồng trại, đốt lửa sưởi ấm, mặc áo cho trâu bò khi nhiệt độ xuống thấp.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, tới hết ngày 24/2, rét đậm, rét hại kèm mưa lớn đã làm 1 nhà của người dân bị sập đổ; hơn 1.300 con gia súc thiệt hại, chủ yếu là trâu, bò, bê, dê… Ngoài ra, còn một số thiệt hại về thủy sản, mạ, cây cối, hoa màu của nhân dân. Một số địa phương khác cũng ghi nhận thiệt hại nặng gồm Mộc Châu hơn 3,3 tỷ đồng; Phù Yên hơn 1,7 tỷ đồng…
Hiện Ban chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương đang tăng cường xuống cơ sở để phối hợp với các xã hướng dẫn nhân dân thống kê thiệt hại, triển khai hỗ trợ theo quy định. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm các biện pháp ứng phó với rét đậm, rét hại theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, để giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất.