Cuộc sống chìm nổi của cách cách cuối cùng nhà Thanh
Dòng chảy - Ngày đăng : 16:17, 24/02/2022
Ái Tân Giác La Hiển Kỳ hay còn có tên là Kim Mặc Ngọc là vị cách cách cuối cùng của nhà Thanh. Bà cũng là cách cách qua đời muộn nhất trong lịch sử phong kiến Trung Hoa.
Ái Tân Giác La Hiển Kỳ sinh năm 1918 và là một trong 17 cách cách của Túc Thân vương triều Thanh. Bà là em gái của Kawashima Yoshiko (tên thật là Ái Tân Giác La Hiển Dư), công chúa người Mãn Châu và là một điệp viên của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai.
Năm lên 4 tuổi, cha mẹ của bà cùng qua đời. Bà được 3 người chị gái cùng cha khác mẹ nuôi dưỡng. Dù là cách cách nhưng Kim Mặc Ngọc không nhận được nhiều đãi ngộ, bởi vì bà là con gái thứ 15 trong Vương phủ, lại còn ra đời vào giai đoạn triều Thanh đang dần sụp đổ.
Túc Thân Vương, cha Kim Mặc Ngọc, bị những tư tưởng phong kiến ăn sâu trong đó có quan niệm không cho phép con gái làm quan. Dù sinh trong thời loạn lạc và chịu sự giáo dục hà khắc của cha nhưng Kim Mặc Ngọc không bị ảnh hưởng tư tưởng. Bà luôn hy vọng mình trở thành một minh tinh, là một người phụ nữ có tư duy tiến bộ.
Kim Mặc Ngọc nuôi ước mơ trở thành ngôi sao. Do vậy, bà đã đến Nhật Bản. Cuộc sống và tư tưởng tiến bộ tại đây đã tác động mạnh mẽ đến bà. Khi gia tộc suy tàn, việc đủ ăn với Kim Mặc Ngọc cũng là điều khó khăn.
Bà từng kể, bản thân phải sống trong cảnh nghèo khổ gần chục năm. Năm 1949, bà không có nổi 100 nhân dân tệ trong người. Bà phải nghĩ ra mọi cách để có thu nhập. Cách cách thời nhà Thanh phải vật lộn với nhiều loại công việc, thậm chí phải đan áo len kiếm tiền.
Mãi đến năm 1952, khi đã ngoài 30 tuổi, Kim Mặc Ngọc mới tìm được một công việc ổn định trong một tòa soạn và có thu nhập khá khẩm hơn. Cũng ở thời điểm này, bà gặp gỡ và hẹn hò với một họa sĩ. Hai người có một đám cưới bình dị nhưng hạnh phúc.
Thế nhưng, tưởng chừng cuộc đời của Kim Mặc Ngọc đã được hạnh phúc thì tai họa đã giáng xuống đầu bà. Người chị gái cùng cha khác mẹ nổi tiếng của bà - Kawashima Yoshiko (tên thật là Ái Tân Giác La Hiển Dư) - một điệp viên của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai, đồng thời là một tuyệt sắc giai nhân thời bấy giờ, bị kết tội. Kim Mặc Ngọc vì thế cũng bị bắt, chịu án phạt 5 năm tù giam dù không có liên quan.
Để bảo vệ chồng, Kim Mặc Ngọc chủ động ly hôn ông. Sau khi ra tù, bà sử dụng cái tên Kim Mặc Ngọc để che giấu thân phận nhưng vẫn rơi vào cảnh sống cơ cực, cô độc. Mãi tới khi bước vào tuổi trung niên, bà mới tìm được hạnh phúc một lần nữa.
Bà kết hôn và trở thành vợ của nhà mỹ thuật nổi tiếng Trung Quốc, Mã Vạn Lý. Họ sống hạnh phúc dù không có con chung tới khi ông qua đời vì tuổi già. Về cuối đời, Kim Mặc Ngọc mới tiếp tục phát triển niềm đam mê nghệ thuật, đồng thời là ước mơ bà nuôi dưỡng từ khi còn nhỏ. Bà trở thành một nhà điêu khắc và thư họa được giới chuyên môn đánh giá cao.
Năm 2007, bà bất ngờ nhận lời phỏng vấn của một chương trình truyền hình và hé lộ về cuộc sống cũng như những bí mật hoàng gia. Trong suốt chương trình, khi nhắc lại những ký ức đau thương, khó khăn, bà vẫn lạc quan và chia sẻ với giọng vui vẻ. Bà khẳng định không bao giờ oán trách số phận và luôn tự hào về dòng máu của mình.
Đến cuối đời, Kim Mặc Ngọc chọn cuộc sống ẩn danh. Năm 2014, bà qua đời ở tuổi 96 vì một cơn đau tim. Bạn bè cho biết, cả cuộc đời, dù mang danh là một cách cách, nhưng phần lớn cuộc sống của Kim Mặc Ngọc là khổ sở và thiếu thốn. Tuy nhiên, bà chưa bao giờ đầu hàng số phận, vẫn cố gắng giữ cốt cách hoàng tộc. Cuối đời, bà đem phần lớn tài sản để ủng hộ, tài trợ cho các quỹ học bổng, xây trường học, giúp đỡ trẻ em khó khăn.