Phương Tây có thể tự làm tổn thương chính mình khi "tất tay" trừng phạt Nga
Đối ngoại - Ngày đăng : 12:27, 24/02/2022
Sau khi Nga công nhận độc lập 2 vùng ly khai ở Đông Ukraine, phương Tây đã tung các gói trừng phạt đầu tiên nhằm vào Moscow. Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá, đây dường như mới là các động thái bước đầu khi các biện pháp này có thể chưa gây tác động thực sự mạnh tới Nga. Các chuyên gia nhận định, để có thể khiến Nga thực sự bị ảnh hưởng, phương Tây có thể phải chấp nhận việc tự làm tổn thương chính mình.
Vị thế của Nga hiện tại là nhà sản xuất dầu và khí tự nhiên lớn hàng đầu thế giới nên nhiều quốc gia đang phụ thuộc nhất định vào nguồn cung từ Nga. Trên thực tế, Nga cung cấp cho Liên minh châu Âu (EU) khoảng hơn 1/3 nhu cầu khí tự nhiên của khối.
Đó là lý do vì sao mà động thái của Đức khi "đóng băng" cấp phép dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 chuyển khí đốt thẳng từ Nga sang Đức, được xem là diễn biến khá nghiêm trọng. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, đã lên tiếng cảnh báo sau động thái của Đức rằng, "người dân châu Âu sẽ sớm phải trả 2.000 euro cho mỗi 1.000 m3 khí tự nhiên" (gấp đôi hiện tại).
Theo các chuyên gia, cách hiệu quả nhất để phương Tây có thể tác động tới kinh tế Nga là chặn nguồn cung dầu mỏ và khí tự nhiên của Moscow. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn tới giá nhiên liệu tăng phi mã hơn nữa và sẽ làm tổn thương người tiêu dùng. Giá dầu hiện tại đang ở mức cao kỷ lục trong gần 8 năm và là một trong những nguyên nhân chính gây ra lạm phát. Các diễn biến này xảy ra trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch và chúng được xem đang gây áp lực nhất định lên giới lãnh đạo chính trị phương Tây.
Các chuyên gia cho rằng, tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden đang để tâm tới các khảo sát trước thềm bầu cử giữa kỳ và các lãnh đạo ở châu Âu cũng có những ràng buộc chính trị trong nước. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, phương Tây có thể sẽ không "tất tay" tung các biện pháp gây ảnh hưởng mạnh tới Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như cũng hiểu được điều này và đang tận dụng nó cho các nước đi và quyết sách của ông trong thời gian qua.
Chính ông Biden cũng thừa nhận các lệnh trừng phạt có thể sẽ gây thiệt hại cho người Mỹ. "Bảo vệ tự do cũng sẽ gây tổn hại cho chúng ta", ông cảnh báo. Ông cũng nhấn mạnh rằng, việc đối phó với tình trạng chi phí năng lượng ngày càng gia tăng là điều rất quan trọng.
Ông Biden cho biết, Mỹ vẫn đang theo dõi tình hình xoay quanh nguồn cung năng lượng và xem xét xem có bất cứ gián đoạn xảy ra hay không và có thể sẽ sẵn sàng vạch ra các biện pháp nhằm đảm bảo sự ổn định của nguồn cung năng lượng toàn cầu. Tuy nhiên, giới quan sát cũng cho rằng, các công cụ của Mỹ cũng có giới hạn với sự biến động lớn của thị trường và vị thế của Nga trong lĩnh vực năng lượng.