Ông Putin phê chuẩn chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine
Đối ngoại - Ngày đăng : 11:17, 24/02/2022
Theo RIA, Tổng thống Putin nhận định xung đột giữa lực lượng Nga và quân đội Ukraine là "không tránh khỏi", vấn đề chỉ là khi nào xảy ra.
"Dựa theo khoản 7, Điều 51 Hiến chương Liên Hợp Quốc, được sự phê chuẩn của Hội đồng Liên bang và tuân thủ các hiệp ước hữu nghị đã được Quốc hội Liên bang ký kết với 'Cộng hòa Nhân dân Donetsk' (DPR) và 'Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LNR), tôi quyết định tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt", ông Putin phát biểu ngày 24/2.
"Chúng ta không thể nhìn vào tình hình ở Donbas mà không có lòng trắc ẩn", ông Putin nói.
Do vậy, ông Putin nói việc phê chuẩn chiến dịch quân sự là giải pháp cuối cùng, nhằm bảo vệ người dân. Những tình huống như vậy cần hành động quyết đoán từ Nga, theo ông Putin.
Trong chiến dịch này, ông Putin nói mục tiêu là hướng đến giải trừ quân bị ở vùng ly khai Ukraine, buộc trách nhiệm những người gây ra loạt tội ác chống lại thường dân, bao gồm công dân Liên bang Nga. "Chúng tôi không có kế hoạch chiếm lãnh thổ Ukraine", ông Putin nói.
Tổng thống Nga cũng kêu gọi những người lính Ukraine buông vũ khí và trở về nhà. "Tất cả binh sĩ Ukraine nghe theo lời kêu gọi này sẽ có thể rời vùng chiến sự", ông Putin nói.
Tổng thống Putin công bố chiến dịch quân sự đặc biệt ở vùng Donbas, Ukraine vào ngày 24/2. Ảnh: Sky News.
Điện Kremlin ngày 24/2 cho biết lãnh đạo các nước cộng hòa tự xưng miền Đông Ukraine kêu gọi "sự giúp đỡ" của ông Putin nhằm "đáp trả sự công kích" của lực lượng chính phủ, theo Moscow Times.
Tổng thống Putin nói Nga không thể chấp nhận bất kỳ mối đe dọa nào từ Ukraine, cảnh báo sự can thiệp từ nước ngoài. Ông nói những ai muốn can thiệp vào hành động của Nga "phải biết rằng câu trả lời của Nga sẽ đến rất nhanh, và dẫn tới những hậu quả mà các ông chưa từng biết đến".
Trong lúc ông Putin thông báo về chiến dịch quân sự, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chuẩn bị họp khẩn cấp.
Trong diễn biến khác, các nguồn tin của Reuters và CNN đều cho biết họ nghe thấy tiếng nổ lớn ở thủ đô Kiev và Kharkiv của Ukraine. Tiếng nổ nghe như bắn pháo.
Trước đó, hôm 22/2, các nhà lập pháp Nga đã ủy quyền cho Tổng thống Vladimir Putin sử dụng lực lượng quân sự bên ngoài đất nước.
Mỹ và NATO sẽ sớm phản ứng
Phản ứng trước tuyên bố của ông Putin, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đang theo dõi tình hình chặt chẽ và sẽ sớm trao đổi với các đối tác G7.
Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh Nga phải chịu trách nhiệm về những tổn thất sinh mạng sắp xảy đến. Ông cho biết sẽ sớm phát biểu trước người dân Mỹ về những hậu quả mà Nga sẽ đối mặt.
Ông Biden nói Mỹ sẽ tham gia cùng các đồng minh NATO để bảo đảm đòn phản ứng mạnh mẽ, thống nhất và quyết đoán trước các hành động của Nga.
Vị trí vùng ly khai ở miền Đông Ukraine, một phần do quân đội Ukraine kiểm soát, phần tiếp giáp biên giới do lực lượng thân Nga quản lý. Đồ họa: New York Times.
Căng thẳng Nga - Ukraine
Quan hệ hai bên rạn nứt lớn sau bất ổn chính trị ở Ukraine, thời điểm Moscow sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014.
Cùng năm, phe ly khai thân Nga ở Đông Ukraine nổi dậy, lập ra hai nhà nước tự xưng tại Donbas. Giao tranh ác liệt giữa quân chính phủ và quân ly khai tại Donbas tạm chấm dứt sau khi có Thỏa thuận hòa bình Minsk 2 năm 2015.
Thỏa thuận Minsk 2 sau đó bế tắc vì Kiev không muốn trao quy chế tự trị cho hai vùng ly khai, trong khi Nga quyết không trả quyền kiểm soát biên giới nếu Ukraine không chuyển giao quyền lực tại Donbas.
Từ cuối năm 2021, Nga bắt đầu tập trung quân đội gần biên giới với Ukraine. Đáp trả, các nước phương Tây hỗ trợ nhiều khí tài quân sự cho Kiev.
Theo BBC, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace ước tính 60% lực lượng mặt đất của quân đội Nga đang đóng gần biên giới của Ukraine với Nga và Belarus.
Điện Kremlin phủ nhận ý đồ tấn công.
Tuần trước, quân đội chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn, với các loạt nổ súng và pháo kích.
Hôm 18/2, hai “nhà nước cộng hòa” tự xưng ở Luhansk và Donetsk, thuộc miền Đông Ukraine, tuyên bố sơ tán công dân tới Nga.
Ngày 19/2, hai vùng này ra lệnh tổng động viên.
Ngày 21/2, Tổng thống Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập với hai vùng ly khai Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine. Ông đồng thời ra lệnh đưa quân đến đây để "gìn giữ hòa bình". Thượng viện Nga đã chấp thuận việc này.