Nga - Mỹ lên tiếng về kế hoạch quân sự ở Ukraine
Đối ngoại - Ngày đăng : 10:10, 24/02/2022
Nhà Trắng khẳng định Tổng thống Joe Biden hiện không có kế hoạch triển khai binh sĩ Mỹ tới chiến đấu chống lại Nga ở Ukraine. Trước đó, giới chức Mỹ cũng nhấn mạnh Washington sẽ không xảy ra giao tranh quân sự với Moscow.
“Đây không phải là quyết định mà Tổng thống sẽ đưa ra. Chúng tôi không muốn có chiến tranh với Nga, hoặc đưa binh sĩ quân sự tới chiến đấu chống lại Nga”, RT dẫn lời thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói trước phóng viên hôm 23/2.
Xe tăng của lực lượng ly khai Donetsk tiến hành tập trận năm 2020. (Ảnh: EPA) |
Khi bị các phóng viên dồn dập hỏi về khả năng quân đội Mỹ có mặt trên lãnh thổ Ukraine nếu Nga có động thái tấn công Ukraine, bà Psaki cho hay “Tôi không biết mình sẽ nói thêm bao nhiêu lần nữa. Không có kịch bản đó. Tổng thống sẽ không điều động binh sĩ Mỹ đi chiến đấu ở Ukraine để chống lại Nga”.
Bình luận về diễn biến tình hình sau quyết định của Nga chính thức công nhận nền độc lập của “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” và “Cộng hòa Nhân dân Lugansk” ở miền đông Ukraine, bà Psaki một lần nữa cho rằng khả năng một cuộc tấn công quân sự “sắp xảy ra” nhằm vào Ukraine.
“Chúng tôi đã nói nhiều ngày về việc quân đội Nga đang ở vị trí sẵn sàng tấn công, và có khả năng triển khai hóa hành động bất cứ lúc nào”, bà Psaki nói thêm.
Bình luận của bà Psaki được đưa ra sau khi chính quyền của Tổng thống Biden áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt với hàng chục công ty tài chính và cá nhân Nga vào ngày 22/2, cũng như thiết lập thêm các giới hạn ngăn công dân Mỹ làm ăn ở hai khu vực ly khai thuộc miền đông Ukraine mà Nga mới công nhận nền độc lập.
Tổng thống Biden cũng đã hạ lệnh triển khai hàng ngàn binh sĩ Mỹ tới châu Âu giữa lúc căng thẳng Ukraine gia tăng. Một số binh sĩ Mỹ đã được tái điều động tới gần khu vực giáp các đường biên giới với Nga vào ngày 22/2 với số lượng chưa xác định binh sĩ Mỹ có mặt tại các nước vùng Baltic gồm Latvia, Lithuania và Estonia.
Ngoài việc chính thức công nhận nền độc lập của “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” và “Cộng hòa Nhân dân Lugansk” vào tối ngày 21/2, Quốc hội Nga đã cấp phép cho Tổng thống Vladimir Putin điều động binh sĩ tới vùng Donbass của Ukraine để thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 8 năm giữa các tay súng ly khai và quân chính phủ Ukraine.
Cảnh báo về việc ban hành các lệnh trừng phạt kinh tế mạnh tay hơn nữa, phát ngôn viên Nhà Trắng nhấn mạnh nếu Moscow “tiến xa hơn, chúng tôi cũng tiến xa hơn”, đồng thời khẳng định chính quyền của Tổng thống Biden đã chuẩn bị áp đặt “cái giá đắt” đối với nền kinh té Nga nếu như Tổng thống Putin có thêm hành động. Mỹ nhấn mạnh các quốc gia đồng minh cũng sẽ thi hành thêm lệnh trừng phạt chống lại Nga.
Trong khi đó, đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc là ông Vassily Nebenzia cảnh báo hôm 23/2 rằng Moscow sẽ không tha thứ cho những hành động vi phạm lệnh ngừng bắn ở “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” và “Cộng hòa Nhân dân Lugansk”. Ông Nebenzia nhấn mạnh thêm Ukraine không nên có hành động “phiêu lưu quân sự” ở Donetsk và Lugansk.
Ngoài ra, Moscow tuyên bố chưa có bất cứ binh sĩ nào của quân đội Nga đang xuất hiện trong khu vực “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” và “Cộng hòa Nhân dân Lugansk”, dù Tổng thống Putin đã yêu cầu Bộ Quốc phòng Nga chuẩn bị cho tiến hành sứ mệnh gìn giữ hòa bình. Tổng thống Putin cho biết các binh sĩ sẽ được điều động tùy thuộc vào tình hình khu vực.
“Chúng tôi cảnh báo rằng lực lượng vũ trang Nga sẽ giám sát lệnh ngừng bắn theo yêu cầu của 'Cộng hòa Nhân dân Donetsk' và 'Cộng hòa Nhân dân Lugansk', không ai được tha thứ nếu vi phạm”, đại sứ Nebenzia nói trong phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và bác bỏ nghi vấn của phương Tây về việc Nga “đã tấn công” Ukraine.
Cũng theo ông Nebenzia, bất cứ hành động “phiêu lưu quân sự” mới nào từ phía Kiev ở vùng Donbass có thể khiến chính phủ Ukraine phải trả giá đắt.
Trước đó, trong thông báo công nhận nền độc lập của “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” và “Cộng hòa Nhân dân Lugansk”, Tổng thống Putin cho hay quyết định này được đưa ra sau khi Ukraine từ chối thi hành các thỏa thuận Minsk suốt 7 năm và không tiến hành đám phán với những nhà lãnh đạo của hai khu vực ly khai.
Trước đây, Donetsk và Lugansk là hai tỉnh thuộc vùng Donbass ở đông nam Ukraine, nơi có đông người Nga sinh sống, đã tuyên bố quyền tự trị sau khi tách khỏi Ukraine vào năm 2014. Cả chính quyền Kiev và Nga đều không công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng có chủ quyền và độc lập. Nga từng cho rằng đây là vấn đề nội bộ của Ukraine và cần được giải quyết theo những điều khoản trong các thỏa thuận Minsk. Nhưng vào tối ngày 21/2, Nga đã thay đổi quan điểm.
Đáng nói, vào đêm 24/2, bài phát biểu phát đăng trên truyền hình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông đã cố gắng gọi điện liên lạc với Tổng thống Nga Putin, nhưng không nhận được hồi đáp.
“Ngày hôm nay tôi đã gọi điện cho Tổng thống Nga. Kết quả là sự im lặng. Nhưng đáng lẽ sự im lặng này nên có ở vùng Donbass”, ông Zelensky nói.
Ông Zelensky khẳng định Ukraine hiện không phải, chưa từng và không bao giờ là mối đe dọa đối với Nga, còn điều mong muốn duy nhất là quyền tự quyết và an ninh quốc gia.
“Chúng tôi không muốn có chiến tranh dù là nóng hay lạnh hay lai. Nhưng nếu một đội quân tấn công, nếu họ cố xâm chiếm đất nước, nền độc lập, cuộc sống của chúng tôi và con cháu, chúng tôi sẽ chống lại”, ông Zelensky nhấn mạnh.
Vào ngày 23/2, Tổng thống Ukraine cũng đã kêu gọi 36.000 quân dự bị nhập ngũ và tuyên bố 30 ngày tình trạng khẩn cấp trên toàn lãnh thổ bắt đầu từ hôm nay (24/2).
Minh Thu (lược dịch)