Châu Á có thể bị tác động mạnh bởi khủng hoảng Nga - Ukraine
Đối ngoại - Ngày đăng : 10:02, 24/02/2022
SCMP dẫn lời các chuyên gia cảnh báo, các nền kinh tế ở châu Á có thể gặp khó khăn khi căng thẳng Nga - Ukraine có thể đẩy giá nhiên liệu và hàng hóa tăng vọt, làm gia tăng gánh nặng lên các quốc gia vốn đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trong vài năm qua.
Sau sự kiện Moscow công nhận độc lập 2 vùng ly khai ở Đông Ukraine, phương Tây hiện mới áp gói trừng phạt lên giới tinh hoa và hệ thống tài chính của Nga mà chưa có động thái tác động trực tiếp tới hàng hóa xuất khẩu từ Nga. Mặc dù vậy, căng thẳng leo thang dồn dập trong thời gian qua đã tác động mạnh tới thị trường và đẩy giá các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Nga tăng vọt như dầu, khí đốt và kim loại.
Giới chuyên gia cảnh báo, trong bối cảnh châu Á vẫn đang hồi phục từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng, những nước nhập khẩu dầu và nguyên liệu quy mô lớn từ Nga như Nhật Bản và Hàn Quốc, sẽ đối mặt với giá thành hàng hóa tăng. Thậm chí, kịch bản khan hiếm các mặt hàng nói trên cũng có thể xảy ra.
"Hậu quả trước mắt của căng thẳng Nga - Ukraine sẽ là sự biến động kinh tế có thể làm đảo lộn triển vọng tăng trưởng của châu Á. Các lo ngại từ thị trường liên quan tới tình hình Ukraine là một yếu tố khiến giá nhiên liệu toàn cầu tăng mạnh và kịch bản xảy ra các hành động leo thang có thể gây tăng giá, gia tăng lạm phát và gây tác động xấu cho người tiêu dùng", Giám đốc khu vực của Economist Intelligence Unit, Tom Rafferty, cảnh báo.
"Dù các nước châu Á sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bất cứ xung đột nào (xoay quanh căng thẳng Nga - Ukraine), tác động về kinh tế và địa chính trị với khu vực vẫn sẽ rất nghiêm trọng", ông Rafferty nhận định.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng, châu Á hiện đang có vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động xuất khẩu của Nga những năm gần đây.
Năm 2020, khoảng một nửa hàng hóa xuất khẩu của Nga cập bến châu Âu, thì hơn 40% được chuyển tới châu Á, cụ thể là Trung Quốc, Kazakhstan, Hàn Quốc, Nhật Bản, theo chuyên gia Chris Devonshire-Ellis của tổ chức Dezan Shira & Associates.
Sau khi Nga công nhận 2 vùng ly khai ở Donbass và Đức "đóng băng" cấp phép dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, giá dầu tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong 7 năm qua, ở mốc 99 USD/thùng hôm 22/2. Giá khí đốt cũng tăng cao.
Nhà kinh tế Pushpin Singh, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh, cảnh báo các nhà sản xuất Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ phải chống chọi với chi phí đầu vào tăng cao vì cả hai quốc gia đều phụ thuộc nhiều vào dầu thô và khí đốt của Nga để sản xuất.
"Đối với Nhật Bản và Hàn Quốc - hai nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu, sản xuất - việc giá năng lượng và hàng hóa tăng đột biến như vậy sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề vốn đã gây khó khăn cho hai nền kinh tế trong phần lớn năm 2021 và đến năm 2022, ông Singh nói.
Ngoài Nhật Bản và Hàn Quốc, hai nền kinh tế hàng đầu châu Á khác là Trung Quốc và Ấn Độ cũng nhập khẩu khí đốt và dầu từ Nga.
Chuyên gia kinh tế từ Moody's Katrina Ell cho biết, giá cả tăng có thể "thực sự gây tổn hại cho các nền kinh tế lớn nhất châu Á từ quan điểm sản xuất và từ quan điểm tiêu dùng".
Giá cả nhiên liệu tăng cao có thể kéo theo chi phí canh tác và giá lương thực tăng, đặc biệt là ở các nền kinh tế châu Á mới nổi, nơi thực phẩm chiếm một phần lớn trong hoạt động tiêu dùng, theo chuyên gia Ell.