Tin thế giới 23/2: 'Bão trừng phạt' dội xuống Nga; Anh dự báo đòn tổng lực vào Ukraine; Thông điệp Mỹ gửi Moscow
Đối ngoại - Ngày đăng : 23:11, 23/02/2022
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine:
Ngày 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố công nhận chủ quyền của hai vùng ly khai Donetsk và Luhansk ở Donbass, miền Đông Ukraine và chỉ thị đưa lực lượng gìn giữ hòa bình đến 2 khu vực này.
Ngày 23/2, Nga tiếp tục có các động thái mới trong khi phản ứng từ phương Tây cũng như dư luận quốc tế tiếp tục nóng lên xoay quanh quyết định trên.
Nga thiết lập quan hệ ngoại giao với Donetsk và Lugansk, sơ tán nhân viên khỏi Ukraine
Theo TASS, ngày 22/2, Bộ Ngoại giao Nga thông báo, nước này đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Donetsk và Luhansk.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gửi lời chúc mừng tới "những người đồng cấp" ở hai khu vực ly khai trên, đồng thời khẳng định hướng tới phát triển hợp tác toàn diện với các vùng này, vì lợi ích của người dân, tăng cường hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.
Cùng ngày, Thượng viện Nga đã phê duyệt đề xuất điều quân ra nước ngoài của Tổng thống Vladimir Putin, mở đường cho việc Moscow đưa quân sang Donetsk và Luhansk.
Bộ Ngoại giao Nga cho hay: "Trong tình hình hiện nay, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là bảo vệ tính mạng và sự an toàn của các nhà ngoại giao Nga, nhân viên Đại sứ quán và các cơ quan ngoại giao. Do đó, lãnh đạo Nga quyết định sơ tán nhân viên thuộc các phái bộ ngoại giao Nga ở Ukraine".
Lưu ý công tác này sẽ được thực hiện trong thời gian sớm nhất, thông báo nêu rõ, các nhân viên ngoại giao Nga đã "nhận được những lời đe dọa" và xảy ra một vài vụ phóng hỏa xe của các phái bộ ngoại giao Nga. (TASS)
Anh nhận định khả năng Nga tấn công tổng lực Ukraine
Ngày 23/2, phát biểu với Sky News, Ngoại trưởng Anh Liz Truss nhận định, nhiều khả năng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tiến hành một cuộc tấn công tổng lực vào Ukraine.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn đài LBC, bà Truss cho biết, hiện chưa rõ liệu các binh sĩ Nga đã tiến vào hai khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine hay chưa: "Tình hình đang mơ hồ. Có đủ loại bằng chứng giả đang lưu truyền trên Internet và cơ quan tình báo của chúng tôi đang xác minh đầy đủ những gì đang xảy ra”.
Tại Ukraine, các lực lượng vũ trang nước này thông báo bắt đầu cho nhập ngũ quân dự bị trong độ tuổi 18-60 theo một sắc lệnh của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Thời gian tại ngũ tối đa là 1 năm. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Ukraine loại trừ việc tổng động viên. (AFP, Reuters)
Giáo hoàng cảnh báo 'kịch bản ngày càng đáng báo động' ở Ukraine
Ngày 23/2, Giáo hoàng Francis cảnh báo, "các kịch bản ngày càng đáng báo động" đang xuất hiện ở Ukraine, đe dọa "hòa bình của tất cả mọi người", đồng thời đề nghị "tất cả bên liên quan tránh bất kỳ hành động nào có thể gây ra nhiều đau khổ hơn cho người dân".
Ông nhấn mạnh, mối đe dọa chiến tranh ở Ukraine đã gây ra "nỗi đau lớn trong trái tim tôi", đồng thời tuyên bố, Thứ tư Lễ tro (ngày 2/3) là ngày quốc tế ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình. (Reuters)
Tổng thư ký LHQ gửi thông điệp tới Nga, Moscow nói 'nên công bằng'
Ngày 22/2, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres gọi quyết định của Nga công nhận độc lập vùng Donetsk và Luhansk là “hành vi vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, đồng thời kêu gọi Moscow tuân thủ đầy đủ Hiến chương của tổ chức này.
Ông Guterres cũng bày tỏ quan ngại về khái niệm “gìn giữ hòa bình” mà Nga đưa ra sau khi Moscow điều động quân đội tới miền Đông Ukraine.
Khẳng định LHQ sẽ không bao giờ từ bỏ việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine, nhà lãnh đạo "cam kết thực hiện" mọi nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng này "mà không đổ máu thêm".
Người đứng đầu LHQ kêu gọi: "Chúng ta phải tập hợp và đáp ứng thách thức này cùng nhau vì hòa bình và cứu người dân Ukraine, hơn thế nữa là tránh tai họa chiến tranh. Đã đến lúc quay trở lại con đường đối thoại và đàm phán".
Trước phản ứng của Tổng thư ký LHQ, ngày 23/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, ông Guterres "đã phải chịu áp lực từ phương Tây khiến gần đây, ông có một số tuyên bố về những gì đang xảy ra ở miền Đông Ukraine không tương xứng với địa vị và quyền hạn theo Hiến chương LHQ”.
Theo nhà ngoại giao Nga, ông Guterres chưa bao giờ nói về tình hình Ukraine cũng như việc thực hiện thỏa thuận Minsk và nên ủng hộ sự công bằng trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào, kể cả cuộc khủng hoảng ở Ukraine. (THS, Sputnik)
Bão trừng phạt ập xuống Nga:
Hàng loạt nước ra 'đòn'
Trước động thái của Nga công nhận độc lập của hai vùng ly khai Donetsk và Luhansk ở Donbass, hàng loạt quốc gia đã tuyên bố các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow.
Ngày 22/2, Mỹ công bố áp đặt "đợt trừng phạt đầu tiên” nhằm vào các thể chế tài chính của Nga gồm Ngân hàng VEB và Ngân hàng quân đội cùng "giới tinh hoa" trong lĩnh vực này. Các biện pháp có hiệu lực từ 23/2.
27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt của khối này lên 351 nghị sĩ Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga cùng với 27 cá nhân và pháp nhân. EU khẳng định sẽ áp đặt thêm biện pháp trừng phạt nếu xung đột tiếp tục leo thang.
Cùng ngày, Anh thông báo các biện pháp trừng phạt nhằm vào 5 ngân hàng và 3 tỷ phú của Nga, động thái mà Thủ tướng Anh Boris Johnson gọi là "đòn tấn công đầu tiên" nhằm vào Moscow liên quan vấn đề Ukraine.
Về phía Đức, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết, chính phủ nước này đã quyết định dừng quá trình phê duyệt dự án Dòng chảy phương Bắc 2.
Ngày 23/2, Australia nối gót các đồng minh thông báo ngay lập tức áp đặt lệnh trừng phạt với các cá nhân Nga được cho chịu trách nhiệm về các hành động của Moscow với Ukraine, nêu rõ "đây chỉ là bước khởi đầu của quá trình này".
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tuyên bố sẽ đình chỉ việc cấp thị thực và đóng băng tài sản của các cá nhân liên quan các khu vực ly khai của Ukraine. Bên cạnh đó, Tokyo cũng sẽ áp đặt lệnh cấm thương mại đối với các khu vực này.
Chính phủ Thụy Sỹ cho biết đang liên lạc với các nước khác về các biện pháp trừng phạt tiềm tàng đối với Nga, song có thể không hành động ngay lập tức.
Trong khi đó, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho rằng, cần áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga. (AFP, Reuters)
Ukraine thông qua danh sách trừng phạt Nga
Ngày 23/2, Quốc hội Ukraine đã thông qua việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 351 công dân Nga, bao gồm cả các nghị sĩ ủng hộ việc công nhận nền độc lập của các vùng lãnh thổ do phe ly khai kiểm soát và việc điều động binh lính Nga ở miền Đông Ukraine.
Những biện pháp trừng phạt này hạn chế hầu như tất cả hoạt động khả thi, đặc biệt là lệnh cấm nhập cảnh vào Ukraine, cấm tiếp cận tài sản, vốn, bất động sản, giấy phép kinh doanh.
Dự kiến, Hội đồng An ninh Ukraine sẽ áp đặt gói biện pháp trừng phạt sau cuộc bỏ phiếu.
Cùng ngày, Ukraine hối thúc phương Tây áp đặt thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào nền kinh tế Nga cũng như những người thân cận của Tổng thống Vladimir Putin.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ukraine ra tuyên bố kêu gọi các công dân nước này ngay lập tức rời khỏi Nga, viện dẫn nguy cơ Moscow "xâm lược" Ukraine có thể khiến các thủ tục lãnh sự trở nên phức tạp. (AFP, Reuters)
Trung Quốc bác khả năng trừng phạt Nga
Ngày 23/2, Trung Quốc cáo buộc Mỹ "làm leo thang căng thẳng" và "tạo ra hoảng loạn" trong cuộc khủng hoảng Ukraine, ngay sau khi Washington công bố các lệnh trừng phạt Moscow và tuyên bố tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine để chống lại cái gọi là hành động xâm lược của Nga.
Phát biểu với phóng viên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh, các hành động của Mỹ thậm chí "phóng đại kịch bản chiến tranh".
Khi được hỏi liệu Trung Quốc có áp đặt trừng phạt với Nga hay không, bà Hoa Xuân Oánh đáp lại rằng Bắc Kinh “chưa bao giờ coi các lệnh trừng phạt là cách hiệu quả và cơ bản để giải quyết các vấn đề”. (AFP)
Bài phát biểu của Tổng thống Mỹ về tình hình Ukraine
Ngày 22/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu về tình hình Ukraine cũng như các phản ứng của Washington đối với động thái mới nhất của Nga.
Bên cạnh việc công bố lệnh trừng phạt đối với Moscow, Tổng thống Biden cảnh báo, khi Nga dự tính các hành động tiếp theo, Washington cũng đã chuẩn bị động thái tương ứng và "Moscow sẽ phải trả một cái giá đắt hơn nếu tiếp tục gây hấn, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt bổ sung".
Ông khẳng định "sẽ hành động mạnh mẽ và đảm bảo rằng, nỗi đau của các lệnh trừng phạt sẽ nhằm vào nền kinh tế Nga".
Tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ phòng thủ cho Ukraine cũng như củng cố lực lượng để tăng cường sức mạnh cho các đồng minh Baltic gồm Estonia, Latvia và Lithuania, ông chủ Nhà Trắng cho hay: "Đây hoàn toàn là những động thái phòng thủ của Mỹ".
Theo ông Biden, Mỹ "không có ý định chống lại Nga. Tuy nhiên, chúng tôi muốn gửi một thông điệp không thể nhầm lẫn rằng, Mỹ cùng với các đồng minh sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và tuân thủ các cam kết với liên minh này". (White House)
Ngoại trưởng Mỹ khước từ gặp mặt người đồng cấp Nga
Ngày 22/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng, không còn ý nghĩa gì nếu tiếp tục cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov khi "Moscow đã thể hiện rõ ràng việc bác bỏ chính sách ngoại giao".
Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga-Mỹ vốn được lên kế hoạch vào ngày 24/2 ở Geneva, Thụy Sỹ.
Ông Blinken đã gửi thư thông báo từ chối cuộc gặp cho người đồng cấp Nga sau khi tham khảo ý kiến của các đồng minh và đối tác.
Tuy vậy, Washington vẫn cam kết về ngoại giao nếu "Nga thực hiện các bước để khiến cộng đồng quốc tế tin tưởng rằng, Moscow nghiêm túc trong việc giảm leo thang và tìm ra một giải pháp ngoại giao".
Theo Ngoại trưởng Blinken, Mỹ sẽ tiến hành với sự phối hợp các đồng minh và đối tác, dựa trên các hành động của Nga và trên thực địa. (TASS)
Nga: Sẵn sàng đối thoại nhưng không thỏa hiệp về an ninh quốc gia
Ngày 23/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, nước này luôn cởi mở với các biện pháp ngoại giao song sẽ đặt các lợi ích quốc gia lên hàng đầu.
Ông khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố và hiện đại hóa quân đội và hải quân. Chúng ta có thể thấy những thách thức hiện nay khiến tình hình quốc tế khó khăn và gây ra những mối đe dọa, chẳng hạn như sự xói mòn của hệ thống kiểm soát vũ khí và các hoạt động quân sự của NATO".
Tuy nhiên, theo nhà lãnh đạo, lời kêu gọi của Nga về việc xây dựng một hệ thống, dựa trên nền tảng an ninh bình đẳng và không thể chia cắt nhằm bảo vệ tất cả các quốc gia một cách đáng tin cậy, vẫn chưa được hồi đáp. (Reuters)
Diễn đàn Bộ trưởng hợp tác khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Ngày 22/2, Hội nghị Bộ trưởng hợp tác khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã diễn ra tại thủ đô Paris. Đây là một trong những sự kiện mà Pháp chủ trì trong khuôn khổ nước này đảm trách cương vị Chủ tịch luân phiên EU.
Hội nghị đã thu hút sự tham gia của ngoại trưởng và đại diện 27 nước thành viên EU, cũng như gần 30 quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cùng với sự hiện diện của lãnh đạo các tổ chức khu vực và quốc tế. Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng tham dự sự kiện này.
Tại Hội nghị, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang là khu vực trọng điểm về các vấn đề an ninh, kinh tế, công nghệ và môi trường. Đây là lý do tại sao chiến lược địa chính trị của châu Âu trong thế kỷ XXI phải hướng tới khu vực này.
Ông cho rằng, trách nhiệm của EU là cùng với các đối tác trong khu vực xây dựng mối quan hệ hợp tác trên tinh thần tôn trọng chủ quyền của tất cả, phù hợp với luật pháp quốc tế, phát triển bền vững và "vì một chủ nghĩa nhân văn tương xứng với những biến động của thời đại".
Nhân dịp này, các ngoại trưởng đến từ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đều bày tỏ mong muốn sẵn sàng thúc đẩy và tạo điều kiện để các dự án cụ thể được triển khai hiệu quả, góp phần vào sự thịnh vượng, hòa bình và an ninh trong khu vực và trên thế giới.
Các đại biểu đã tham gia các cuộc tọa đàm về ba chủ đề chính bao gồm sự kết nối và kỹ thuật số; các vấn đề toàn cầu (khí hậu, đa dạng sinh học, đại dương và sức khỏe); an ninh và quốc phòng.
Diễn đàn Bộ trưởng hợp tác khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lần này là bước đi quan trọng trong việc biến nghị quyết thành hành động, cụ thể hóa Chiến lược của EU về hợp tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đã được Hội đồng châu Âu thông qua vào tháng 10/2021.