Những dự án "siêu đầu cơ" cũng "găm đất" rồi… để đó
Kinh doanh - Ngày đăng : 10:43, 23/02/2022
HÀNG LOẠT DỰ ÁN BỎ HOANG
Riêng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM hiện có hàng trăm dự án ôm đất bỏ hoang không triển khai hàng chục năm còn không ít dự án tìm quỹ đất mà không có.
Theo UBND TP Hà Nội, hiện Hà Nội có 379 dự án chậm triển khai đã có kết luận cụ thể, đề xuất xử lý. Trong đó, 30 dự án được kiến nghị thu hồi thì nay đã thu hồi 10 dự án; 35 dự án gia hạn tiến độ theo Luật Đất đai; 77 dự án đã được chủ đầu tư tích cực khắc phục, đưa đất vào sử dụng. Với 63 dự án chậm giải phóng mặt bằng, các dự án còn lại vướng một số nội dung, các chủ đầu tư đang tập trung hoàn tất thủ tục.
Cá biệt như tại huyện Mê Linh, UBND TP Hà Nội cho biết, sau thời điểm hợp nhất, mở rộng Thủ đô (năm 2008), huyện này có 51 dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở với tổng diện tích đất khoảng 1.759,5 ha. Trong đó, 50 dự án đã được giao chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, cho phép đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư… Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai thực hiện dự án của các nhà đầu tư vẫn chậm và đang hoàn chỉnh các thủ tục: Điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư…
Đa phần diện tích dự án Khu đô thị Cienco 5 trên địa bàn huyện Mê Linh đang còn bỏ hoang sau nhiều năm triển khai (Ảnh: Hà Phong).
Ghi nhận của PV Dân trí vào thời điểm tháng 1 vừa qua cho thấy, nhiều dự án như Khu đô thị Cienco 5, Khu đô thị Minh Giang - Đầm Và, VIT Tiền Phong, Chi Đông… còn chưa xong hạ tầng, thậm chí cũng chưa giải phóng xong mặt bằng. Đa phần diện tích các dự án còn bỏ hoang hoặc làm chỗ chăn thả trâu bò. Người ta chỉ có thể phân biệt được đó là đất dự án qua những tấm biển mờ hết chữ, rách nát được cắm bên ven đường.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Biên (60 tuổi, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh), thời điểm mở rộng Thủ đô, hàng loạt dự án bất động sản được quy hoạch, người dân được đền bù đất ruộng với giá khoảng 100 triệu đồng/sào (360 m2). Thế nhưng, khi người dân chuyển đất cho nhà đầu tư, thì số ít dự án được triển khai, còn lại đều bỏ hoang, cỏ mọc um tùm rất lãng phí.
Dù đang là những dự án bỏ hoang, xây dựng dở dang nhưng đất đai khu vực này không nằm ngoài các cơn "sốt đất" vừa qua. Đỉnh điểm như đầu năm 2021, hàng loạt nhà đầu tư đã "rồng rắn" đổ về các dự án bất động sản này để tìm kiếm đầu tư. Giá đất ở các dự án này cũng đang được rao bán từ 17 triệu đến khoảng 30 triệu đồng/m2 tùy vị trí, cao hơn 10 đến 20 giá so với thời điểm 3 năm trước.
Hạ tầng nhiều dự án tại Mê Linh xây dựng dở dang, đất đai bỏ hoang... làm chỗ chăn thả trâu bò (Ảnh: Hà Phong).
Theo dự báo của giới đầu tư, bất động sản Mê Linh sẽ tiếp tục phát triển "nóng" trong thời gian tới vì hàng loạt dự án được "cởi trói" khỏi dự án treo, đặc biệt có sự chuyển giao những dự án bỏ hoang sang các "ông lớn" bất động sản.
Tương tự, tình trạng đất bỏ hoang còn diễn ra nhiều siêu dự án đang sở hữu vị trí "đất vàng" của Thủ đô. Đơn cử như, tại quận Hoàng Mai, 21,5 ha "đất vàng" dự án Khu chức năng đô thị Trũng Kênh tại phường Thịnh Liệt và Hoàng Liệt bỏ hoang 10 năm nay. Hay dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) do Tổng Công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng - Licogi làm chủ đầu tư, kéo dài suốt 17 năm không triển khai.
"Đất vàng" dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt tại quận Hoàng Mai (ảnh trên) và 4 lô "đất vàng" dự án Khu chung cư quốc tế Booyoung (ảnh dưới) đang bỏ hoang (Ảnh: Hà Phong).
Tại quận Hà Đông, dự án Khu đô thị Văn La của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Sông Đà Sudico rộng 12 ha chậm tiến độ hơn 10 năm…, 4 lô đất tại dự án Khu chung cư quốc tế Booyoung nằm trên vị trí đắc địa của quận Hà Đông đang trong tình trạng quây tôn và trở thành nơi xả rác, tập kết vật liệu gây ô nhiễm môi trường.
TĂNG GIÁ SAU NHỮNG NĂM "ĐẮP CHIẾU"
Thực tế, không ít dự án sau thời gian "đắp chiếu" bỗng dưng được khởi động trở lại khi được thay chủ mới, được điều chỉnh quy hoạch theo hướng có lợi cho chủ đầu tư… Khi dự án bỏ hoang hồi sinh thì giá bất động sản cũng tăng cao ngất ngưởng, đặc biệt ở những dự án có vị trí "đất vàng".
Điển hình như lô "đất kim cương" tại ngã tư Hàng Bài - Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Mục đích ban đầu là xây trung tâm thương mại và tái định cư. Tuy nhiên, sau khi được giao đất năm 2011, chủ đầu tư là Công ty CP Thời đại mới T&T (công ty thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đã nhiều lần xin thay đổi quy hoạch sang trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở (có tên thương mại là D' San Raffles).
Dù được phê duyệt thời gian thực hiện là năm 2015 - 2018 nhưng mãi cuối tháng 1/2021, dự án D' San Raffles mới rục rịch được khởi công sau nhiều năm "đắp chiếu". Theo đó, "ông lớn" Masterise Homes đóng vai trò đơn vị phát triển dự án này và nhà thầu thi công. Dù chưa có giá chính thức nhưng theo nhiều thông tin từ các trang địa ốc, giá căn hộ D' San Raffles từ 85 tỷ đồng đến 175 tỷ đồng.
Tương tự, tái sinh sau cả thập kỷ đắp chiếu, dự án khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai, Hà Nội) trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản phía Nam Thủ đô với tên gọi Louis City Hoàng Mai. Giá các sản phẩm nhà liền kề, biệt thự của dự án này được rao bán tăng liên tục và đã đạt hơn 100 triệu đồng/m2 ở thời điểm hiện tại.
Tuy vậy, nhiều dự án quy mô lớn khác vẫn đang trong tình trạng bỏ hoang. Đơn cử, 21,5ha "đất vàng" dự án Khu chức năng đô thị Trũng Kênh tại phường Thịnh Liệt và Hoàng Liệt bỏ hoang 10 năm nay. Hay, dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) do Tổng Công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng - Licogi làm chủ đầu tư, kéo dài suốt 16 năm mà cũng không được triển khai…
"Người dân mất đất sản xuất, trong khi đó dự án rơi vào tình trạng "án binh bất động". Thực tế này còn kéo theo nhiều hệ lụy về cơ sở hạ tầng, các dịch vụ như điện, nước của khu cư dân sinh sống xung quanh", bà Nguyễn Quỳnh Phương (người dân phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) bức xúc.
Bà thẳng thắn nhìn nhận hành vi này là "ôm đất" để bỏ hoang, gây lãng phí và không loại bỏ nghi vấn thời gian tới sẽ chuyển nhượng cho chủ đầu tư khác hoặc đất tăng giá mới thực hiện để kiếm lời cao.
Dự án Khu đô thị Thịnh Liệt quận Hoàng Mai nhiều năm chưa triển khai đang ảnh hưởng tới nhiều hộ dân xung quanh (Ảnh: Hà Phong).
Theo ông Bùi Văn Doanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam - theo quy định của pháp luật, sau một thời gian nhất định, dự án đưa vào nhưng chậm triển khai thì buộc phải thu hồi. Việc này, ông cho rằng phải được làm thật nghiêm minh để khai thác tốt nguồn lực đất đai. Quỹ đất thì hạn hẹp, không có lý do gì để dự án nằm "chết" hơn chục năm, giá trị đất đai lớn nằm tồn đọng, gây lãng phí. Chưa nói đến việc khi dự án bị "treo" kéo theo hàng loạt những ảnh hưởng khác liên quan đến đời sống phát triển chung của thành phố, đất nước như vấn đề về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật…
"Dân gian nôm na hay gọi là "xí phần". Chủ đầu tư cứ xin dự án rồi để đấy không triển khai. Có "ông" đợi đấy, lúc giá được thì "sang tay". Đáng nhẽ các địa phương, đặc biệt là Hà Nội phải làm từ lâu rồi. Quá hạn vẫn chậm phải thu ngay, nếu làm được như thế thì đã không có chuyện dồn đống lên tới hàng trăm dự án như bây giờ", ông Doanh nói.
Theo ông, để khai thác hiệu quả quỹ đất hiệu quả sau thu hồi, cần thiết phải đấu giá một cách công khai, minh bạch. Có như vậy mới bỏ được "xin - cho", tìm được các nhà đầu tư lớn, đủ năng lực triển khai dự án đồng thời thu được nguồn lực tài chính cho thành phố. Một vấn đề nữa là việc trả tiền thuê đất được thực hiện hàng năm sẽ điều hòa được nguồn ngân sách địa phương. "Trả một lần thì sẽ có một cục ngân sách rất lớn năm đó, nhưng nhiều năm sau không có nguồn lực mà phát triển", ông bình luận.
TS Lê Xuân Nghĩa cũng bày tỏ, hiện nay có những tập đoàn đầu cơ dự án, có trong tay từ hàng chục đến nửa trăm dự án hàng thập kỷ chưa bán ra khiến cho nhiều quỹ đất hoang hóa không triển khai. "Thực tế, đây là một hình thức "siêu đầu cơ" và chủ các dự án này đang có lợi nhuận rất cao nhưng hậu quả mang lại cho chiến lược phát triển nhà ở cho đô thị thì rất tai hại", ông bình luận.