Thói quen nhịn tiểu lâu ảnh hưởng sức khỏe như thế nào?
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 08:43, 23/02/2022
Nước tiểu là chất thải lỏng do thận bài tiết ra trong quá trình thanh lọc cơ thể và được lưu trữ ở bàng quang trước khi bị "tống" ra ngoài bằng đường niệu đạo. Trung bình bàng quang có thể chứa tối đa khoảng 420ml chất lỏng mỗi ngày, nhưng khi đạt đến 250 - 350ml thì bộ phận này bắt đầu có dấu hiệu căng giãn, các dây thần kinh sẽ gửi tín hiệu lên não bộ về việc cần tìm nhà vệ sinh để "giải tỏa". Tuy nhiên, do tính chất công việc bận rộn, nhiều người thường có thói quen xấu là nhịn tiểu mà không biết rằng tình trạng này kéo dài sẽ gây ra những tổn thương cho thận và bàng quang, thậm chí còn trở thành tiền đề cho bệnh ung thư.
Mỗi người có khả năng nhịn tiểu khác nhau. Thời gian cần đi tiểu phụ thuộc vào lượng chất lỏng, tình trạng mất nước và chức năng của bàng quang. Nó cũng thay đổi tùy theo độ tuổi, giới tính và thời gian trong ngày, chẳng hạn như ban đêm thì tín hiệu buồn tiểu sẽ giảm đi nhiều so với ban ngày hay đối với một số phụ nữ, cảm giác thường xuyên buồn tiểu có thể gia tăng khi đang mang thai hoặc sau khi sinh khoảng 3 tháng.
Theo lời khuyên của các bác sĩ, mỗi người nên đi tiểu ít nhất 3 tiếng một lần mặc dù có nhu cầu hay không, để tạo lập thành thói quen. Bởi lẽ việc liên tục không đào thải chất lỏng sẽ khiến bàng quang trở nên suy yếu, dễ dẫn đến tình trạng bí tiểu lúc về già. Ngoài ra, nước tiểu ứ đọng lâu trong cơ thể còn tạo điều kiện thích hợp cho vi khuẩn gây hại sinh sôi, nảy nở gây ra các bệnh lý cho thận và các bộ phận liên quan khác. Thậm chí, trong trường hợp xấu, nước tiểu tích trữ quá nhiều ở bàng quang còn có thể chảy ngược vào thận, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng thận, sỏi thận và không may là ung thư thận.
Để nhận biết được tình trạng sức khỏe của một người thường thông qua nước tiểu. Nước tiểu bình thường có tông màu vàng, độ đậm nhạt phụ thuộc vào lượng nước tiểu và thời gian đi tiểu. Khi chất thải lỏng này bất ngờ chuyển màu, có nghĩa là cơ thể bạn đang gặp phải vấn đề như:
- Nước tiểu màu nâu vàng: Đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu nước trầm trọng và cần được bổ sung ngay lập tức, cũng có thể là do gan đang bị tổn thương.
- Nước tiểu màu hồng hoặc đỏ: Màu sắc của nước tiểu như vậy có thể là do tác dụng phụ của thuốc kháng sinh rifampin hoặc thuốc phenazopyridine dùng để chữa bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên, không thể bỏ qua trường hợp nước tiểu bị lẫn máu, là dấu hiệu của bệnh thận, nhiễm trùng đường tiết niệu, tuyến tiền liệt hoặc do khối u.
- Nước tiểu màu cam: Dấu hiệu cho thấy gan hoặc ống mật đang có vấn đề, bên cạnh đó, sử dụng các loại thuốc như vitamin B2 liều cao, thuốc phenazopyridine cho bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, hoặc kháng sinh trị bệnh lao có thể khiến nước tiểu chuyển màu cam.
- Nước tiểu màu xanh: Nếu nước tiểu bỗng chuyển màu thành xanh da trời hoặc lá cây có thể do một số nguyên nhân như nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn pseudomonas, rối loạn tăng canxi trong máu hoặc do biliverdin - một sắc tố xuất hiện khi có sự bất thường ở đường mật và đường tiết niệu.
Ngoài ra, chất lỏng này còn có mùi khai nhẹ, để lâu trong không khí mùi khai sẽ đậm đặc dần lên do ure trong nước tiểu chuyển hóa thành amoniac. Với một số bệnh lý nhất định, nước tiểu của người bệnh có chứa những chất tạo mùi khác biệt như mùi hôi, mùi acetone (cồn). Nếu thấy nước tiểu đổi màu và mùi khác lạ, kèm theo những dấu hiệu như vẩn đục, xuất hiện bọt khí, đặc sánh hơn bình thường,… nghĩa là cơ thể đang gặp vấn đề nghiêm trọng và liên tục phát đi tín hiệu cầu cứu.