Nga cảnh báo miền Đông Ukraine bên bờ vực phiêu lưu quân sự, sẽ ký kết thỏa thuận với các vùng ly khai
Đối ngoại - Ngày đăng : 12:22, 22/02/2022
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia tuyên bố, Moscow sẽ không cho phép xảy ra 'cuộc phiêu lưu quân sự mới' ở miền Đông Ukraine. (Nguồn: AP) |
Phát biểu tại phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại sứ Nebenzia lên tiếng cảnh báo các cường quốc phương Tây "cần suy nghĩ thấu đáo" để không làm tồi tệ thêm tình hình ở Ukraine.
Nga sẽ không cho phép xảy ra "cuộc phiêu lưu quân sự mới" ở miền Đông Ukraine, đồng thời cam kết sẽ không để xảy ra một "cuộc tàn sát đẫm máu mới" trong khu vực.
Ngoài ra, theo nhà ngoại giao Nga, Moscow "sẵn sàng tìm ra giải pháp ngoại giao" cho vấn đề Ukraine, song nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ các khu vực ly khai khỏi những hành động được cho là gây hấn bởi Ukraine.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đã ký sắc lệnh công nhận độc lập của hai vùng ly khai Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine.
Tổng thống Putin yêu cầu “chấm dứt ngay lập tức hành động chiến sự” ở khu vực này, nhấn mạnh rằng trong trường hợp ngược lại, “mọi trách nhiệm liên quan đến chiến sự đổ máu” có thể diễn ra đều thuộc về Kiev.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 22/2, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga công bố dự thảo thỏa thuận hợp tác với các vùng ly khai ở Donbass.
Theo Điều 3 dự thảo thỏa thuận hợp tác và tương trợ với vùng ly khai Luhansk: “Việc bảo vệ biên giới quốc gia của Cộng hòa nhân dân Luhansk (LPR) sẽ được thực hiện với nỗ lực chung của các Bên ký kết dựa trên lợi ích của an ninh của chính họ, cũng như hòa bình và ổn định".
Vấn đề tương tự cũng được nêu trong dự thảo thỏa thuận giữa Nga và vùng ly khai Donetsk. Cả 2 thỏa thuận có hiệu lực trong 10 năm.
Theo các thỏa thuận, các bên có nghĩa vụ tôn trọng sự toàn vẹn và bất khả xâm phạm biên giới của nhau và Nga thực hiện các biện pháp hữu hiệu để duy trì, vận hành hệ thống tài chính và ngân hàng của Donetsk và Luhansk.
Động thái Nga công nhận độc lập hai vùng ly khai ở miền Đông Ukraine đã vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia phương Tây, Liên hợp quốc và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).