Hàng trăm con trâu bò lăn ra chết vì giá rét
Xã hội - Ngày đăng : 11:44, 22/02/2022
Người dân sưởi ấm cứu đàn gia súc, gia cầm
Theo ghi nhận của PV, những ngày qua trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung và các huyện miền núi, biên giới như Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Con Cuông… nhiệt độ xuống khá thấp, nhiều nơi xuống 3 độ C.
Ông Vi Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, huyện Quế Phong cho biết, mấy ngày nay thường xuyên có sương mù, nhiệt độ xuống thấp trong khoảng thời gian từ 3-4h sáng, nên đã gây giá buốt, khiến đàn gia súc, gia cầm bị cảm lạnh và chết.
"Mấy ngày gần đây nhiệt độ ở xã chúng tôi xuống từ 5-7 độ C, một số bản sát biên giới Lào nhiệt độ tầm 3-4 độ C vào ban đêm và sáng sớm, còn vào buổi trưa thì tăng lên 10 độ C. Một số gia súc, gia cầm già hoặc mới sinh đã chết. Tính đến chiều tối 20/2, trên địa bàn toàn xã chết khoảng 39 con trâu, bò", ông Vi Văn Cường cho biết.
Cũng theo Cường, UBND xã đã thông báo tới bà con nhân dân cần đưa trâu, bò thả rông ở trong rừng về nhà để đảm bảo an toàn: "Hiện nay, bà con cũng đã chủ động đưa trâu bò thả rông trong rừng về nhà và đốt lửa sưởi ấm. Ngoài việc đốt lửa, bà con cũng kiếm những chăn, chiếu cũ, hay những chiếc bao bì để mặc ấm cho trâu bò, đồng thời tăng cường cắt cỏ, lá rừng cho đàn gia súc ăn để chống lại cái rét".
Anh Sầm Văn Chung (35 tuổi), trú bản Đôm 2, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu chia sẻ: "Mấy ngày nay nhiệt độ ở đây đo được từ 6-7 độ C. Năm nay thời tiết lạnh đột ngột, lại kéo dài nên việc chăm sóc cho đàn gia súc cũng gặp nhiều khó khăn, trở tay không kịp, gia đình ta nuôi 5 con trâu thì chết 2 con rồi, trong bản cũng chết cả chục con. Hôm nay ta mới lùa trâu vào chuồng đốt lửa sưởi ấm cho chúng, chứ lạnh như thế này thì đàn trâu không chịu được đâu".
Cùng chung cảnh như anh Chung, ông Sầm Văn Châu (56 tuổi), anh Sầm Văn Phong, Lương Văn Tĩnh, Sầm Văn Phú… (bản Chiềng, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu) mỗi gia đình cũng bị chết một con gia súc do rét.
Ông Châu chia sẻ: "Gia đình ta nuôi 6 con, mấy ngày qua lạnh quá một con chết, nhưng kinh nghiệm cho thấy khi trái gió trở trời, thời tiết lạnh là phải cho trâu về chuồng ngay, đốt lửa, mặc ấm cho chúng, đồng thời dự trữ thức ăn từ sớm… Đáng chú ý là phải có rơm khô để dự trữ, khi thời tiết lạnh lấy rơm trải xuống nền cho chúng nằm".
Làm gì để đảm bảo an toàn cho đàn gia súc giữa giá rét
Một trong những huyện có đàn gia súc, gia cầm tương đối lớn, Tương Dương cũng đã chủ động chỉ đạo công tác phòng, chống đợt giá rét này tới tận xã, bản…
Ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tương Dương cho biết, toàn huyện có trên 53.000 con trâu, bò; hơn 280 nghìn con gia cầm.
"Đại đa số người dân chăn nuôi thả trong rừng, khe suối… Hiện còn khoảng 40-50% đàn trâu, bò người dân chưa lùa về chuồng, hoặc vào những nơi trú ẩn an toàn. Trước thực trạng trên, chúng tôi đã tuyên truyền tới người dân cần nhanh chóng đưa trâu, bò về chuồng để an toàn hơn. Đồng thời, chỉ đạo người dân quây bạt, đốt lửa để sưởi ấm cho đàn gia súc. Đến thời điểm này (chiều tối 21/2), huyện chúng tôi chưa có trâu, bò chết vì ảnh hưởng của giá rét", ông Kha nói.
Trong khi đó, tại huyện Kỳ Sơn và Quế Phong đang căng mình chống lại với cái rét như "cắt da, cắt thịt" khi những ngày qua, nền nhiệt độ luôn xuống thấp từ 3-7 độ C. Trên địa bàn hai huyện này đã xảy ra tình trạng trâu, bò chết hàng loạt và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, hiện nay toàn huyện có 10.400 con trâu, bò hơn 40.000 con, đàn lợn hơn 25.000 con, dê 8.000 con, khoảng 160.000 con gia cầm.
"Những ngày qua thời tiết giá lạnh xảy ra trên địa bàn, có nơi nhiệt độ xuống 3 độ C như xã Na Ngoi, Mường Lống, Nậm Càn. Huyện đã chỉ đạo nóng các xã, thành lập các đoàn đi kiểm tra thực tế và yêu cầu người dân bằng mọi giá phải đảm bảo an toàn cho đàn gia súc, gia cầm. Chỉ đạo người dân lùa toàn bộ đàn trâu, bò đang thả rông trong rừng vào những vùng lõm, vùng thấp, làm nhà che chắn lại, đốt lửa sưởi ấm; các gia đình nuôi nhiều gia cầm nên thắp điện sưởi ấm cho vật nuôi được an toàn hơn", ông Thò Bá Rê cho biết.
Đối với các hộ gia đình đang bị F0, F1 không thể chăm sóc đàn gia súc, gia cầm được, huyện chỉ đạo cho xã cử người thân hoặc lực lượng của xã làm nhà che chắn, tìm thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm đảm bảo an toàn, tránh bị chết do rét.
Cũng theo ông Thò Bá Rê, đến thời điểm này, toàn huyện Kỳ Sơn đã có 90 con trâu chết tại các xã như: Na Ngoi 20 con; Nậm Càn 9 con; Đoọc Mạy 9 con, Mường Ải 24 con; Chiêu Lưu 12 con; Nậm Cắn 15 con…
"Nếu trâu, bò bị chết do giá rét thì có thể mổ ăn thịt được nhưng nếu gia súc chết vì bệnh tật thì tuyệt đối không được phép làm thịt ăn, buộc phải tiêu hủy, phun độc khử trùng, tránh lây nhiễm và đặc biệt là nhằm đảo bảo sức khỏe cho người dân", ông Thò Bá Rê khuyến cáo.
Ông Dương Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết, hiện trên địa bàn có khoảng 170 con trâu, bò đã chết do giá rét xảy ra trong mấy ngày qua: "Hiện công tác chỉ đạo đang được triển khai ở tất cả các xã, bản trên địa bàn nhằm đảm bảo cứu đàn gia súc, gia cầm trước đợt rét đậm, rét hại này".
Một số hình ảnh người dân căng mình giữ ấm cho đàn gia súc trước rét đậm rét hại: