Cách giữ ấm chuẩn cho trẻ nhỏ trong những ngày buốt lạnh

Gia đình - Ngày đăng : 11:13, 22/02/2022

Giữ ấm để bé không bị ốm là một phần quan trọng trong những ngày giá rét, nhất là khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, không phải các bố mẹ nào cũng biết cách giữ ấm đúng để giữ gìn sức khoẻ cho con.
Cách giữ ấm chuẩn cho trẻ nhỏ trong những ngày buốt lạnh

Liên tiếp những ngày qua, trời rét đậm kéo dài nên nhiều trẻ nhỏ đã phải nhập viện. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ được gia đình đưa tới khám và nhập viện có ngày lên đến 2.000 trường hợp.

Tại các khoa nhi của Bệnh viện Bạch Mai, Xanh Pôn... số trẻ tới khám và nhập viện do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại gây ra cũng tăng cao. Thời tiết như hiện nay, trẻ em rất dễ mắc các bệnh lý hô hấp, trong đó có Covid-19.

Dự báo thời gian tới, mưa rét còn kéo dài, vì vậy Children health khuyến cáo các bậc cha mẹ cần lưu ý cho con những điều sau đây:

Mặc quần áo nhiều lớp mỏng

Mặc cho trẻ nhiều lớp quần áo mỏng thay vì ít lớp quần áo dày. Nên lựa chọn cho trẻ những món đồ quần áo co giãn tốt và dễ cởi để có thể linh hoạt điều chỉnh số lớp áo hợp lý.

Tuy nhiên, các mẹ cần thường xuyên kiểm tra mồ hôi ở lưng trẻ để đảm bảo số lớp quần áo là vừa đủ, để mồ hôi không toát ra và thấm ngược lại lưng trẻ. Tuy nhiên việc mặc quá ít quần áo sẽ khiến da trẻ càng bị mất ẩm hoặc làm trầm trọng các vấn đề về da trước đó.

Không khí lạnh như hiện nay có thể làm cho độ ẩm trên da của trẻ bị ảnh hưởng, khiến da trẻ bị nứt nẻ và thô ráp. Vì vậy, theo chuyên gia y tế, trẻ nhỏ không cần tắm mỗi ngày. Tắm nhiều hơn 2-3 lần/tuần có thể đẩy mạnh quá trình mất ẩm của da trẻ, đặc biệt trong thời tiết mùa đông.

Giữ ấm đúng cách


Giữ ấm đúng cách cho con trẻ trong ngày giá lạnh (hình minh họa).

Các bác sỹ khuyến cáo, cần giữ cho trẻ ấm nơi bàn tay sao cho tay trẻ không đổ mồ hôi; Giữ lưng ấm vừa phải, tránh mồ hôi sẽ thấm ngược vào cơ thể trẻ, dẫn đến nhiễm lạnh; Giữ bụng ấm giúp bảo vệ dạ dày non nớt nếu lạnh sẽ ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa cũng như khả năng hấp thụ thức ăn của trẻ; Giữ bàn chân ấm bởi bàn chân chứa rất nhiều mạch và huyệt, là một trong những bộ phận nhạy cảm nhất trên cơ thể trẻ.

Vào mùa đông, chăn bông dày, chăn lông cừu là những vật dụng giữ ấm cho bé đặc biệt hữu ích với giấc ngủ của người trưởng thành, nhưng với trẻ nhỏ, chúng tiềm ẩn nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Đó là bởi tấm chăn, đệm quá dày có thể cản trở sự hô hấp của trẻ trong lúc ngủ.

Trong trường hợp này, túi ngủ giữ nhiệt nên là lựa chọn hoàn hảo. Nếu bắt buộc phải sử dụng chăn để giữ ấm, chăn nên được cài xung quanh cũi và thảm, che đến ngang ngực trẻ để đảm bảo mặt trẻ không bị che phủ khi ngủ.

Đảm bảo đủ nước cho trẻ

Mất nước là một trong những nguyên nhân gây cảm lạnh, cảm cúm ở trẻ. Vì vậy, việc cung cấp nước đủ cho trẻ là quan trọng không kém để trẻ luôn khỏe mạnh ngay cả trong thời tiết rét.

Cần tạo cho trẻ thói quen luôn mang theo bình nước bên người và khuyến khích trẻ luôn uống nước sau mỗi bữa ăn cũng như sau khi tham gia các hoạt động thể chất.

Cho trẻ ăn nhiều hoa quả và rau củ có hàm lượng nước cao, như cần tây, dưa hấu, dưa chuột, v.v… trong cả bữa ăn chính và bữa phụ. Cho trẻ uống nước ấm, thay vì nước lạnh.

Cung cấp đầy đủ thực dưỡng

Chế độ dinh dưỡng cân bằng giúp trẻ duy trì sự khỏe mạnh trong suốt mùa đông khắc nghiệt. Vào thời điểm này trong năm, hệ miễn dịch của trẻ thường bị suy yếu do điều kiện thời tiết, vì vậy tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Ngoài ra, các mẹ cũng cần đa dạng hóa các bữa ăn của trẻ, đảm bảo cơ thể trẻ nhận được đầy đủ năng lượng và dưỡng chất cần thiết để vượt qua thời tiết lạnh giá của mùa đông.

Giới hạn thời lượng hoạt động thể chất ngoài trời

Vận động thể chất rất tốt cho sức khỏe của trẻ, nhưng cũng có thể gây hại nếu không được cha mẹ chú ý trong những ngày giá lạnh. Cần giới hạn thời lượng vui chơi ngoài trời để đề phòng cơ thể trẻ bị mất nhiệt và đông cứng. Đồng thời, cần làm ấm cơ thể của trẻ ngay sau khi tham gia các hoạt động này.

Làm gì khi có dấu hiệu ốm?

Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ như sốt, viêm đường hô hấp... cần tránh tiếp xúc với người khác khi chưa có kết quả xét nghiệm, tránh trường hợp để trẻ mải chơi bị nhiễm lạnh.

Sử dụng nước muối sinh lý vệ sinh mũi, họng cho trẻ thường xuyên và có thể tham khảo ý kiến bác sỹ từ xa để có lời khuyên đúng mức, tránh vội vàng cho vào bệnh viện, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang rất phức tạp nên phải thận trọng và cân nhắc.

Nếu trẻ trở nặng, yêu cầu trợ giúp y tế phường, xã đến nhà trợ giúp hoặc các bác sỹ chuyên môn, không được tự ý cho dùng thuốc nguy hại đến sức khỏe con trẻ.

Khánh Phương