Nổ mỏ khai thác vàng khiến hơn 160 người thương vong, hiện trường gây 'ám ảnh'
Đối ngoại - Ngày đăng : 10:43, 22/02/2022
Đài truyền hình quốc gia Burkina Faso RTB đưa tin một vụ nổ lớn xuất hiện ở khu mỏ hai thác vàng nằm ở miền tây nam nước này và khiến 59 người thiệt mạng cùng hơn 100 người khác bị thương vào ngày 21/2.
Hiện trường vụ nổ nằm ở ngôi làng Gbomblora. Nguyên nhân dẫn tới vụ việc thương tâm được cho do nổ hóa chất vốn được dùng để xử lý vàng và được chất đầy trong khu vực khai thác.
Hiện trường vụ nổ mỏ khai thác vàng khiến hơn 160 người thương vong ở Burkina Faso. (Ảnh: Twitter) |
“Tôi nhìn thấy thi thể người văng khắp nơi. Cảnh tượng vô cùng kinh hoàng”, AP dẫn lời ông Sansan Kambou, một kiểm lâm có mặt tại hiện trường cho biết.
Tiếng nổ đầu tiên xuất hiện vào lúc 14h (giờ địa phương) và sau đó có thêm những vụ nổ khác trong lúc người dân bỏ chạy.
Burkina Faso là nhà sản xuất vàng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở châu Phi và hiện là nơi cung ứng vàng đứng thứ 5 ở châu Phi. Vàng trở thành mặt hàng chính để xuất khẩu của Burkina Faso. Số lượng công nhân tham gia ngành khai thác vàng ở nước này là 1,5 triệu người. Doanh thu vàng mang lại cho nền kinh tế Burkina Faso vào năm 2019 là 2 tỉ USD.
Những mỏ khai thác vàng quy mô nhỏ như ở làng Gbomblora đang gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây với số lượng là khoảng 800 cơ sở trên toàn lãnh thổ Burkina Faso. Phần lớn số vàng khai thác được bị bán lậu sang các nước láng giềng Togo, Benin, Niger và Ghana, theo số liệu của Viện Nghiên cứu An ninh tại Nam Phi.
Đáng nói, các mỏ khai thác vàng quy mô nhỏ còn là nơi hoạt động của những phần tử cực đoan có quan hệ với nhiều tổ chức khủng bố như al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, lực lượng tiến hành nhiều vụ khủng bố ở Burkina Faso kể từ năm 2016.
Các nhóm khủng bố còn thu lời nhờ hoạt động đánh thuế thợ mỏ và sử dụng các địa điểm khai thác làm nơi tuyển dụng thành viên và tìm đường tị nạn.
Theo các chuyên gia, những khu vực khai thác vàng quy mô nhỏ thường lỏng lẻo trong công tác đảm bảo an toàn hoạt động hơn so với các cơ sở công nghiệp. Do đó, mức độ nguy hiểm đối với công nhân cũng tăng theo.
“Hoạt động thủ công cùng lĩnh vực khai thác quy mô nhỏ bùng nổ khiến mức độ nguy hiểm càng gia tăng như sử dụng các loại thuốc nổ thường được buôn lậu vào trong nước và sử dụng trái phép”, ông Marcena Hunter, nhà phân tích cấp cao tại Global Initiative, một viện nghiên cứu ở Thụy Sĩ nhận định.
Minh Thu (lược dịch)