Xử nghiêm "ôm đất" bỏ hoang
Kinh doanh - Ngày đăng : 09:57, 22/02/2022
Nhiều năm nay, hệ lụy từ các dự án “treo”, chậm triển khai này không chỉ ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương mà còn khiến tài nguyên đất đai lãng phí, gây thất thu ngân sách. Đó là lý do mà Thủ tướng Chính phủ quyết liệt vào cuộc chỉ đạo xử lý các dự án “treo”.
Ngay trong thời điểm đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT đôn đốc các địa phương rà soát, báo cáo thực trạng các dự án có sử dụng đất nhưng chậm triển khai, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí đất đai. Trên cơ sở đó, Thủ tướng giao Bộ TN&MT chủ trì và phối hợp với cơ quan liên quan xem xét, hướng dẫn xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật khác liên quan để đưa quỹ đất vào sử dụng hiệu quả, giải phóng nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Trường hợp có phát sinh vướng mắc hoặc vượt thẩm quyền, Bộ báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý.
Số liệu báo cáo gần nhất của 48 tỉnh, thành phố cho thấy, có đến 3.088 dự án công trình chậm triển khai thực hiện, với tổng diện tích 80.453,2ha, trong đó, có 2.067 dự án đã có quyết định giao, cho thuê đất nhưng không sử dụng đất quá 12 tháng hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng, với tổng diện tích là 60.332,1ha.
Cần phải nói rõ, đất đai không chỉ là nguồn tài nguyên quan trọng bậc nhất của nền kinh tế, mà còn là nền tảng sinh kế của người dân. Khác với các tài nguyên hữu hạn khác, quản trị tốt tài nguyên đất còn quyết định sự ổn định xã hội, thịnh vượng quốc gia và bền vững môi trường. Tuy nhiên, giá trị gia tăng từ đất, một phần lớn đã bị mất mát vào nhóm có “thông tin và quyền quyết định”. Nhiều “nhóm lợi ích” đã xuất hiện từ đất.
Chuyển mục đích sử dụng đất đáp ứng thực tiễn phát triển đất nước là nhu cầu rất lớn. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ việc chuyển đổi ấy lâu nay vẫn chưa đúng, chưa hiệu quả. Vẫn còn nhiều nơi thu hồi xong bỏ hoang hàng chục năm chưa được khai thác và đưa vào sử dụng.
Không khó để nhận thấy vẫn còn đó nhiều vụ việc lãng phí đất tại đô thị và nông thôn. Nhiều doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả nhưng lại được giao rất nhiều đất, có những khu “đất vàng” trị giá lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Chưa kể, rất nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quản lý và sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, gây thất thoát lớn tài sản quốc gia khiến các mâu thuẫn xã hội gay gắt, kéo dài do bất cập trong quản lý đất đai đã tạo ra các bất ổn xã hội và sự suy giảm niềm tin vào chính quyền của nhân dân.
Sai phạm trong quản lý, sử dụng và khai thác đất công thời gian qua được xem là điển hình khiến không ít cán bộ quản lý cấp cao từ Trung ương đến địa phương lần lượt vướng vào vòng lao lý. Nhiều vụ việc xử nghiêm được nhân dân đồng thuận, song mấu chốt vấn đề làm sao danh sách những vụ án tham nhũng đất đai không kéo dài thêm; làm sao quyền tiếp cận thông tin của người dân được tôn trọng; làm sao những quy định của pháp luật về đất đai đi vào cuộc sống mới là điều cần suy nghĩ?!
Thiết nghĩ, công khai, minh bạch chính là “phương thuốc” để ngăn ngừa tham nhũng đất đai nói riêng và bảo đảm quản lý hiệu quả, phát huy tối đa nguồn lực này vào phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Pháp luật cần minh bạch từ những văn bản quy định, không có “điểm mù mờ” để tham nhũng lạng lách. Khi thực hiện lại càng cần đến sự minh bạch hơn, đó là tiêu chí của xã hội công bằng, văn minh mà chúng ta hướng tới.
Gấp rút lấp đầy những khoảng trống pháp lý trong chính sách pháp luật đất đai là yêu cầu cấp bách lúc này nhằm khắc phục xung đột chính sách, đảm bảo tính công khai minh bạch trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất.