Những yếu tố nguy cơ khiến trẻ mắc COVID-19 diễn biến nặng
Tin Y tế - Ngày đăng : 20:14, 21/02/2022
Theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ em của Bộ Y tế, thời gian ủ bệnh của trẻ là từ 2 - 14 ngày, trung bình là 4 - 5 ngày. Theo đó, các yếu tố nguy cơ bệnh diễn biến nặng cụ thể như sau:
- Trẻ đẻ non, cân nặng thấp;
- Béo phì, thừa cân;
- Đái tháo đường, các bệnh lý gene và rối loạn chuyển hoá;
- Các bệnh lý phổi mạn tính, hen phế quản;
- Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi…);
- Bệnh thận mạn tính;
- Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu;
- Bệnh tim mạch (tim bẩm sinh, suy tim, tăng áp phổi, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim, tăng huyết áp);
- Bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần);
- Bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác;
- Các bệnh lý suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải;
- Bệnh gan;
- Đang điều trị bằng thuốc corticoid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác;
- Các bệnh hệ thống.
Theo đó, trẻ mắc COVID-19 ở mức độ nguy kịch có một trong các dấu hiệu sau:
- Suy hô hấp nặng SpO2 < 90% khi thở khí trời, cần đặt NKQ thông khí xâm nhập;
- Dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng: Tím trung tâm; Thở bất thường, rối loạn nhịp thở; Thần kinh: ý thức giảm khó đánh thức hoặc hôn mê; Trẻ bỏ bú/ăn hoặc không uống được;
- Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS);
- Huyết áp tụt, sốc, sốc nhiễm trùng, lactat máu > 2 mmol/L;
- Suy đa tạng;
- Hội chứng viêm hệ thống liên quan tới COVID-19 trẻ em (MIS-C) có sốc/suy đa cơ quan;
- Cơn bão cytokin.
Theo hướng dẫn, khi điều trị F0 là trẻ em tại nhà, phụ huynh phải báo ngay với nhân viên y tế khi trẻ có triệu chứng bất thường như: Sốt trên 38 độ C; Trẻ lớn đã biết kêu tức ngực, trẻ nhỏ hơn thì người chăm sóc thấy trẻ quấy khóc hoặc các biểu hiện khác thường của trẻ; Trẻ kêu đau rát họng, ho; Trẻ cảm giác khó thở hoặc người lớn quan sát và nhận thấy trẻ khó thở; Trẻ bị tiêu chảy; Đo SpO2 dưới 96%; Trẻ mệt, không chịu chơi; Trẻ ăn/bú kém.