F0 tăng nhanh, giá các loại lá xông cũng 'đua' theo

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 18:29, 21/02/2022

Một trong những phương pháp hỗ trợ phòng và điều trị tại nhà được nhiều người lựa chọn là xông với gừng, chanh, xả hay các gói xông đóng gói đều cháy hàng.

Tại Hà Nội, số ca F0 tăng nhanh chóng, nhiều mẹ đổ xô mua lá xông khiến mặt hàng này "đắt như tôm tươi". Tại một số chợ dân sinh như Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), Trung Kính (quận Cầu Giấy)… đa phần các quầy hàng rau củ đều lấy thêm các loại hương liệu xông về bán kèm.

Chị Nguyễn Thị Hà - tiểu thương tại chợ đầu mối Nam Từ Liêm cho biết, dịch bệnh phức tạp, các ca nhiễm F0 tăng lên nên giá các loại lá xông cũng tăng mạnh.

“Gừng, sả, chanh, tía tô… bán khá chạy, có nhiều hôm không đủ hàng để bán. Mỗi ngày tôi bán từ 60 - 70 cân gừng và sả, tăng gấp 3 - 4 lần dịp trước Tết. Những gia đình có người F0 hoặc F1 đều mua với số lượng lớn để tích trữ. Bán những mặt hàng lá xông những ngày này chẳng lo bị ế”, chị Hà nói.

noi-xong.jpeg
Nhiều người đổ xô mua hương liệu xông hơi vì cho rằng điều trị được Covid - 19

Chị Trần Thị Liễu - người dân trên dịa bàn quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết: “trước đây sả chỉ khoảng 15.000 đồng/kg, nhưng nay tăng lên 30.000 đồng/kg. Gừng 25.000 đồng/kg tăng lên 35.000 đồng/kg. Tuy đắt đỏ nhưng vẫn “cắn răng” mua về nhà dự trữ để nếu không may F0 còn có đồ để xông”.

Không chỉ ở chợ dân sinh, trên các trang mạng xã hội các mặt hàng lá xông, hương liệu, tinh dầu... cũng rất sôi động với nhiều mức giá khác nhau. Hiện, giá các mặt hàng này đã tăng từ 30 – 50%. Các loại lá xông thường được "mix" sẵn gồm các loại lá như sả, chanh, bưởi, hương nhu, tía tô, ngải cứu...

Chuyên gia nói gì?

Theo TS.BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó viện trưởng Viện Y dược học Dân tộc TPHCM cho biết, từ khi có dịch COVID - 19, việc xông hơi được rất nhiều người áp dụng. Nhiều người xông hơi ngày 2, 3 lần với việc nấu 1 nồi nước xông, xông phủ kín toàn thân.

BS Lan khuyến cáo, người mắc COVID - 19 cơ thể đang rất mệt mỏi, suy nhược, ra mồ hôi nhiều, cần nhiều oxy để thở. Nếu xông toàn thân sẽ bị mất nước, khó thở và dễ chóng mặt và có khi choáng váng, ngất xỉu.

Phụ huynh không lạm dụng xông hơi, không được xông trực tiếp vào người, đặc biệt là với trẻ em dưới 30 tháng, trẻ có tiền sử động kinh, sốt co giật hay người dị ứng với tinh dầu. Trường hợp trẻ có bệnh lý nền cần tuân thủ theo tư vấn và chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, với người già yếu, mắc bệnh mãn tính, suy nhược cơ thể cũng không được tùy tiện xông hơi một mình mà cần người hỗ trợ. Trong quá trình xông, nếu choáng váng, khó thở, tức ngực... cần ngưng xông ngay.

Theo GS Nguyễn Gia Bình – nguyên Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, một nghiên cứu khoa học của Đức đăng trên tạp chí PLOS one cho thấy, việc tăng nhiệt độ (40 độ C) làm ức chế khả năng nhân lên của SARS-CoV-2 trên các tế bào biểu mô đường hô hấp. Ngoài ra, trên tạp chí của Hội vi sinh Mỹ (ASM) cũng cho thấy vai trò của nhiệt độ và độ ẩm đến việc loại bỏ virus trên các bề mặt như thép, nhựa, găng tay... và việc tăng nhiệt độ từ 24 lên đến 35 độ C qua tính toán cho thấy loại bỏ virus rất nhanh.

Làm tăng nhiệt độ như vậy giống cách xông theo truyền thống của người Việt hay làm khi bị cảm cúm. Liệu pháp xông hơi có thể giúp phòng dịch tốt hơn. Tuy nhiên, không nên chủ quan mà vẫn phải tuân thủ 5K. Có thể nấu nồi nước lá cộng thêm các loại tinh dầu sả, tinh dầu khác vào và xông trực tiếp trên nồi nếu không có máy xông.

MINH AN (t/h)