Sau 10 ngày giá xăng tiếp tục tăng mạnh, áp lực lên ngành vận tải
Kinh doanh - Ngày đăng : 15:45, 21/02/2022
Xăng lại tiếp tục tăng sau 10 ngày
Cụ thể, giá xăng E5RON92 ngày 21/2 tăng thêm 960 đồng/lít, từ mức 24.571 đồng/lít lên mức 25.531 đồng/lít; giá xăng RON95-III tăng thêm 960 đồng/lít, từ mức 25.322 đồng/lít lên mức 26.282 đồng/lít.
Các mặt hàng dầu tăng 750 đồng/lít với dầu hỏa, lên mức cao nhất là 19.501đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 940 đồng/lít, có giá từ 19.865 đồng/lít lên mức 20.800 đồng/lít; dầu mazut tăng 280 đồng/lít, lên mức 17.930 đồng/lít, thông tin trên tờ Vietnamnet cho hay.
Như vậy, giá xăng dầu tiếp tục thiết lập kỳ điều chỉnh tăng lần thứ tư liên tiếp kể từ đầu năm đến nay do tác động của diễn biến giá thế giới tăng, là mức tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây, kể từ tháng 7/2014.
Trước đó vào ngày 11/2, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã công bố điều chỉnh tăng mạnh giá xăng dầu trong bối cảnh nhiều cửa hàng xăng dầu, đại lý nghỉ bán do thiếu xăng và thua lỗ.
Cụ thể, trên cơ sở giá tối đa, doanh nghiệp điều chỉnh ở mức: giá xăng E5RON92 tăng thêm 980 đồng/lít so với trước đó, từ 23.590 đồng/lít lên mức 24.570 đồng/lít; giá xăng RON95-III tăng thêm 960 đồng/lít, từ mức 24.360 đồng/lít lên mức 25.320 đồng/lít.
Các mặt hàng dầu cũng tăng từ 660 - 960 đồng/lít. Trong đó, dầu diesel 0.05S có giá 19.865 đồng/lít. Dầu hỏa có mức giá tăng cao nhất với 960 đồng/lít, có giá 18.751 đồng/lít. Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 17.659 đồng/kg.
Tại TP.HCM ghi nhận trong ngày 20/2 một số cây xăng không bán xăng vào ngày với lý do 'hết xăng'. Nhiều nơi thông báo thời điểm xăng có lại khớp với thời gian dự kiến sẽ điều chỉnh tăng giá xăng vào ngày 21/2.
Giá xăng dầu tăng, áp lực lên cước vận tải
Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho hay hiện mức lợi nhuận trên mỗi lít xăng (chiết khấu từ các doanh nghiệp phân phối đưa ra) bằng 0, thậm chí âm 50 đồng, do đó các cây xăng nhỏ đang chịu lỗ.
Nhiều tiểu thương ở các chợ đầu mối chuyên doanh nông lâm, thủy hải sản tại TP.HCM chia sẻ trên tờ Tuổi Trẻ Online cho biết chủ xe vận chuyển hàng hóa đã thông báo việc tăng giá cước vận chuyển từ các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên về TP.HCM.
Những ngày gần đây, nhiều tiểu thương ở các chợ đầu mối chuyên doanh nông lâm, thủy hải sản tại TP.HCM đều cho biết chủ xe vận chuyển hàng hóa đã thông báo việc tăng giá cước vận chuyển từ các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên về TP.HCM. Các tiểu thương ở chợ đầu mối Thủ Đức cũng nhận được thông báo từ các chủ xe chở hàng hóa thủy sản, trái cây sẽ tăng giá cước chở hàng.
Với giá xăng dầu cùng nhiều chi phí khác tăng mạnh, các doanh nghiệp vận tải lo ngại sẽ tiếp tục phải đối mặt trước áp lực tăng giá cước, kèm với đó là rủi ro mất khách hàng hoặc thua lỗ.
Trong hoạt động của doanh nghiệp logistics, xăng dầu chiếm từ 35 - 40% trong cơ cấu giá cước. Do vậy, khi giá xăng dầu được điều chỉnh thì lập tức tác động đến hoạt động của doanh nghiệp, gây áp lực rất lớn đến chi phí vận hành. Trong một tuần qua, nhiều doanh nghiệp logistics tại TP.HCM cho biết chi phí xăng dầu cho đội xe tải bị đội lên từ 5 - 7%, buộc phải có phương án thay đổi giá cước.
Thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt trước căng thẳng chính trị giữa Nga và Ucraine, trong khi dự trữ xăng dầu tại nhiều nước giảm và nhu cầu xăng dầu tăng khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/2/2022 và kỳ điều hành ngày 21/02/2022 là: 108,262 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 5,842 USD/thùng, tương đương +5,70% so với kỳ trước); 110,648 USD/thùng xăng RON95 (tăng 6,044 USD/thùng, tương đương +5,78% so với kỳ trước); 109,683 USD/thùng dầu diesel 0.05S (tăng 4,853 USD/thùng, tương đương +4,62% so với kỳ trước); 105,680 USD/thùng dầu hỏa (tăng 3,743 USD/thùng, tương đương +3,67% so với kỳ trước); 519,392 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S (tăng 8,360 USD/tấn, tương đương +1,63% so với kỳ trước).
Bộ Công Thương