Tấn công mạng tại Việt Nam ‘bỗng dưng” sụt giảm?

Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 18:47, 21/02/2022

Các mối đe dọa trực tuyến, các cuộc tấn công mạng tại Việt Nam đã bất ngờ giảm đi, tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo người dùng và doanh nghiệp vẫn hết sức thận trọng.

Tác động của đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam vào năm 2021 đã tạo ra xu hướng làm việc tại nhà ngày càng gia tăng. Mặc dù có nhiều tội phạm mạng lợi dụng việc các công ty đang gấp rút chuyển sang hình thức làm việc từ xa, số liệu thống kê mới nhất từ Kaspersky Security Network (KSN) đã ghi nhận số lượng các cuộc tấn công mạng đã giảm.

Tấn công mạng tại Việt Nam đã giảm đi trong thời gian gần đây. Ảnh: Kaspersky

Cụ thể, trong năm 2021, Kaspersky đã phát hiện và chặn tổng cộng 63,482,728 vụ tấn công mạng khác nhau lây lan qua Internet trên máy tính người dùng thuộc KSN tại Việt Nam. Đây là con số thấp nhất trong vòng 5 năm qua, giảm 871,402 vụ so với năm 2020.

Tỷ lệ người dùng Việt Nam bị tấn công bởi các mối đe dọa từ Internet trong giai đoạn này là 41,5%, tương ứng vị trí thứ 32 trên toàn cầu về số lượng các cuộc tấn công trực tuyến.

Trong khi đó, Philippines là quốc gia có số lượng người dùng bị tấn công trực tuyến cao nhất Đông Nam Á, với 51,5%, tương ứng với vị trí thứ 4 trên toàn thế giới.

Số liệu từ Kaspersky cũng cho thấy số vụ trong năm 2021 giảm đáng kể so với các năm trước, với tổng số 162,913,157 mối đe dọa liên quan đến phần mềm độc hại phát tán qua USB, CD, DVD và các phương thức ngoại tuyến khác.

So với năm 2020, số lượng các mối đe dọa ngoại tuyến ở Việt Nam đã giảm 38,3%, từ 268,515,947 vụ. Theo báo cáo này, 56,7% người dùng Việt Nam bị tấn công bởi phần mềm độc hại lây lan, xếp thứ 31 trên toàn cầu và giảm 23 bậc so với năm trước.

Số lượng các mối đe dọa trực tuyến tại Việt Nam có xu hướng giảm. Ảnh: Kaspersky

Theo Kaspersky nguyên nhân tấn công mạng giảm là do những nỗ lực của Việt Nam trong việc tạo ra một không gian mạng an toàn.

Theo đó, tại hội thảo trực tuyến “An toàn thông tin trong chuyển đối số, những thách thức và cơ hội mới” do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp với Cục An toàn thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức mới đây đã xác định an ninh mạng là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam.

Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương đã cơ bản hoàn thành việc triển khai các Trung tâm điều hành, giám sát an ninh mạng và được kết nối với hệ thống của Trung tâm An ninh mạng quốc gia (NCSC).

Ông Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á, nhận xét: “Các doanh nghiệp tại Việt Nam ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò của công nghệ đối với hoạt động kinh doanh. Họ cũng biết cách khai thác lợi thế và chuẩn bị kỹ lưỡng cho quá trình chuyển đổi số. Bất chấp những thách thức do tác động của đợt dịch COVID-19 lần thứ tư vừa qua, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực về an ninh mạng, cùng với những dấu hiệu chuyển biến tích cực trong nhận thức về an ninh mạng của người dùng.”

Tuy nhiên, một con số thấp hơn không có nghĩa là an toàn 100%. Điều quan trọng cần lưu ý là tội phạm mạng hiện nay ưu tiên chất lượng hơn số lượng, đó là lý do tại sao chúng ta đã chứng kiến các vụ vi phạm dữ liệu cấp cao và các cuộc tấn công ransomware vào năm ngoái trên toàn cầu và ở khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi khuyến khích tất cả các bên liên quan và người dùng ở Việt Nam tiếp tục giữ vững và xây dựng một không gian mạng an toàn hơn cho mọi người, ông Yeo cho biết thêm.

THANH PHƯỢNG (Tổng hợp)