Khủng hoảng Ukraine tại Hội nghị An ninh Munich: Một câu chuyện, nhiều phỏng đoán

Đối ngoại - Ngày đăng : 15:08, 21/02/2022

Các nhà lãnh đạo thế giới mới đây đã hội tụ tại Đức cùng tham dự Hội nghị An ninh Munich thường niên. Hội nghị năm nay bị chi phối bởi cuộc khủng hoảng Ukraine khi các cường quốc phương Tây cảnh báo Điện Kremlin có thể tấn công Ukraine.
Khủng hoảng Ukraine 'nóng ran' tại Hội nghị an ninh Munich
Lãnh đạo nhiều quốc gia đưa ra quan điểm về vấn đề Ukraine tại Hội nghị an ninh Munich. (Nguồn: Atlantic Council)

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã tham dự sự kiện kéo dài 3 ngày này, khai mạc ngày 18/2 tại khách sạn Bayerischer Hof ở Munich (Đức).

Tuần trước, Điện Kremlin cho biết, sẽ không có phái đoàn nào của Nga tham dự hội nghị. Đây là lần đầu tiên Nga vắng mặt sau nhiều năm tham dự hội nghị, qua đó cho thấy mối quan hệ Đông-Tây đang đi xuống nghiêm trọng.

Trước đây, ngay cả khi căng thẳng với Ukraine lên tới đỉnh điểm - trước khi Nga sáp nhập Crimea, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng vẫn tham dự Hội nghị An ninh Munich.

Daniela Schwarzer, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Belfer của trường Harvard Kennedy (Mỹ) và cũng là người tham dự Hội nghị An ninh Munich năm nay, nhận định: “Nga hạn chế quan tâm đến đối thoại và đặc biệt là đối thoại cởi mở về an ninh ở châu Âu. Hội nghị là một dịp để phương Tây thể hiện sự đoàn kết trước Nga".

Nhà nghiên cứu Schwarzer lưu ý rằng, Hội nghị An ninh Munich năm nay mặc dù thu nhỏ lại so với trước đại dịch, nhưng sẽ là cuộc họp thực tế đầu tiên của cộng đồng chính sách đối ngoại và an ninh quốc tế trong vòng 2 năm qua. Theo bà, các cuộc trò chuyện trực tiếp sẽ là chìa khóa để "xây dựng lòng tin".

Trung Quốc "nhắc nhở các nước lớn"

Phát biểu qua video trước Hội nghị An ninh Munich hôm 19/2, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đề nghị “các nước gánh vác trách nhiệm và làm việc vì hòa bình”.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc yêu cầu “các nước lớn phải hành xử đúng tư cách nước lớn” để làm giảm căng thẳng xung quanh vấn đề Ukraine.

Trung Quốc dường như không nói gì nhiều để tỏ ra ủng hộ Nga trong vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, theo Reuters, nếu Nga tấn công Ukraine và bị phương Tây trừng phạt kinh tế, Trung Quốc có thể sẽ hỗ trợ Nga về tài chính, ngoại giao, nhưng sẽ không tham gia quân sự.

Lời cảnh báo của Mỹ, phản ứng của Đức và Ukraine

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18/2 nói rằng, mọi dấu hiệu đều cho thấy Nga đang lên kế hoạch xâm lược Ukraine trong vài ngày tới và đang chuẩn bị một cái cớ để biện minh cho điều đó, sau khi các lực lượng Ukraine và phiến quân thân Nga nổ súng vào nhau ở miền Đông Ukraine.

Trong khi đó, Điện Kremlin cáo buộc ông Biden đã gây ra căng thẳng và đe dọa sẽ có "các biện pháp quân sự-kỹ thuật" chưa được xác định cụ thể.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cảnh báo Nga “sẽ gặp phải phản ứng nhanh chóng, mạnh mẽ và đoàn kết” từ phía Mỹ cùng các đồng minh của Mỹ nếu Tống thống Nga Vladimir Putin tấn công Ukraine.

Bà cam kết sẽ trừng phạt Nga bằng các "biện pháp kinh tế, tài chính sâu rộng" ngay khi nước này tấn công Ukraine.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói, ông tin rằng “quân Nga đã vào vị trí sẵn sàng tấn công”.

Tuy nhiên, theo AFP, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngày 19/2 đã cảnh báo, không nên cố gắng phỏng đoán hoặc giả định các quyết định của Nga liên quan tới Ukraine, hạ bớt giọng điệu sau những cảnh báo gay gắt của Washington về một cuộc xâm lược sắp xảy ra.

Ngoại trưởng Đức phát biểu bên lề Hội nghị An ninh Munich: "Chúng tôi vẫn chưa biết liệu có phải một cuộc tấn công đã được quyết định hay không". Tuy nhiên, bà Annalena Baerbock nói thêm rằng, "mối đe dọa nhằm vào Ukraine là rất thực tế".

Ngoại trưởng Đức Baerbock đưa ra những phát biểu trên sau khi tổ chức một cuộc họp giữa các ngoại trưởng G7 bên lề hội nghị ở Munich. Bà cho biết, nhóm 7 quốc gia phát triển nhất (bao gồm cả Mỹ) tái khẳng định "đoàn kết" ủng hộ Ukraine và quyết tâm đáp trả bất kỳ hành vi vi phạm chủ quyền nào của nước này.

Trong lời kêu gọi gửi tới Tổng thống Putin, bà Baerbock nói: "Hãy rút quân, tránh thiệt hại cho Nga và Ukraine và chúng ta hãy nói chuyện".

Tổng thống Ukraine Zelensky cũng phản đối những dự đoán về xung đột của Washington. Ông phát biểu trước các quan chức cấp cao và các chuyên gia an ninh đến từ khắp nơi trên thế giới: "Chúng tôi không nghĩ rằng, chúng ta cần phải hoảng sợ".

Ông Zelensky cũng đề cập về những thiệt hại mà mối đe dọa chiến tranh đang gây ra đối với đất nước Ukraine, cả về sức khỏe tinh thần của người dân và nền kinh tế.

Về phía NATO, khi phát biểu với đài truyền hình Đức ARD, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg có quan điểm gần với quan điểm của Mỹ hơn khi ông cho rằng nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công là "rất cao". Ông nói: “Mọi dấu hiệu đều cho thấy Nga đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công tổng lực nhằm vào Ukraine".

Quan điểm của Anh, Ba Lan, Phần Lan

Có mặt tại Munich, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói với lãnh đạo các nước tham gia hội nghị rằng, nếu cuộc chiến tranh ở Ukraine xảy ra "sẽ gây ra đổ máu lớn và đau khổ cho vài thế hệ”. Ông Johnson kêu gọi phương Tây đoàn kết trước Nga.

Dự sự kiện quan trọng này, Ngoại trưởng Anh Liz Truss nói Anh tin rằng “vụ tấn công của Nga vào Ukraine có thể xảy ra ngay tuần tới”. Theo bà Truss, an ninh châu Âu hiện đang trong tình trạng “tồi tệ nhất trong nhiều thập niên” vì cuộc khủng hoảng Ukraine.

Cũng tại Hội nghị An ninh Munich, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết, nước này sẽ quyết tâm phòng thủ và sẵn sàng hỗ trợ quân sự thêm cho nước láng giềng Ukraine.

Ngày 18/2, đón Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Llyod Austin tới Warszawa, phía Ba Lan đã đồng ý đặt mua 250 xe tăng Abrams của Mỹ để phòng thủ biên giới phía Đông. Từ lâu, Ba Lan không còn sở hữu một số lượng lớn xe tăng nữa và cũng chưa có xe tăng Mỹ.

Trong khi đó, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto phát biểu rằng, ông đã nhận thấy được tinh thần đoàn kết của nhân dân Ukraine trước cuộc khủng hoảng. Trước căng thẳng tại Ukraine, ở Phần Lan xuất hiện những lời kêu gọi nước này gia nhập NATO. Gần đây, Phần Lan đã tập trận cùng Thụy Điển để tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu. Quân đội Phần Lan luôn đề cao cảnh giác và là một trong số ít nước châu Âu vẫn không bỏ luật nghĩa vụ quân sự, nhằm đạt con số tổng 280.000 quân dự bị khi có biến cố.

Vy Anh