Giá xăng, dầu trên 'đỉnh': Cú bồi giáng mạnh vào nỗ lực hồi phục doanh nghiệp
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 13:27, 21/02/2022
Nhiều doanh nghiệp cho biết, giá xăng dầu tăng cao như một "cú bồi" mạnh giáng vào nỗ lực phục hồi của họ, sau khi đã thoi thóp vì tác động của đại dịch COVID-19 suốt hơn 2 năm qua.
Giảm quy mô, đứng bên vực phá sản vì giá xăng
Ông Nguyễn Hải Cường, Giám đốc doanh nghiệp vận tải Hải Cường (Đắk Lắk), chia sẻ, doanh nghiệp có 7 xe khách giường nằm chuyên chạy tuyến Buôn Ma Thuột - Hà Nội. Theo quy định của Nhà nước, giá vé bán ra là 650.000 đồng/vé/lượt. Hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng của COVID-19, doanh nghiệp hầu như không hoạt động vì phải thực hiện giãn cách xã hội, còn khi hết giãn cách thì lại gần như không có khách.
Chưa dừng ở đó, doanh nghiệp còn phải đối mặt với nhiều đợt tăng giá xăng dầu, khiến cho nguồn vốn chưa kịp tích lũy để tạo đà hồi phục đã lại "bốc hơi".
“Khách đi lèo tèo, thưa vắng nên doanh nghiệp phải giảm giá xuống 500.000 đồng/vé/lượt bao ăn uống để kích cầu. Tuy nhiên, mới đi vào hoạt động được vài tháng thì giá xăng dầu lại liên tục tăng, khiến lỗ càng chồng lỗ", ông Cường than.
Ông Cường cho biết thêm, tiền đầu tư mua phương tiện doanh nghiệp phải vay ngân hàng, trong khi vắng khách, những khoản phí đường bộ, vận tải, bến bãi vẫn phải đảm bảo. Nay giá xăng dầu lại tăng cao buộc doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô xuống 3 xe hoạt động thường xuyên. Nếu tình trạng này kéo dài, doanh nghiệp lo đứng trước nguy cơ phá sản. "Chúng tôi kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành sớm có chính sách kiềm chế giá xăng dầu để doanh nghiệp yên tâm hoạt động”, ông Cường nói.
Cũng than trời vì giá xăng dầu liên tục tăng cao trong hai năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành, ông Phan Huy Sự, Giám đốc HTX thương mại dịch vụ vận tải Nhơn Trạch (Đồng Nai) cho hay, HTX có gần 7.000 đầu xe từ 4 đến 52 chỗ ngồi, container, xe tải với 6.786 thành viên, người lao động.
Số phương tiện nhiều nên "ngốn" một lượng lớn xăng dầu. Theo tính toán của ông Sự, nhiên liệu đầu vào, chi phí cầu đường chiếm 50% đơn giá vận chuyển. Do đó, xăng dầu tăng giá lúc nào là ngay lập tức ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp lúc đó. Trong khi đó, không phải cứ giá xăng dầu tăng là HTX tăng giá cước, vì còn phải tính đến bài toán hút khách.
“Doanh nghiệp vận tải vừa lao đao vì dịch bệnh nay thêm khoản giá xăng, dầu tăng liên tục thì gần như chết hẳn. Thậm chí muốn bán xe giờ cũng chẳng ai mua. Từ hơn 6.000 đầu xe, nay chúng tôi chỉ duy trì vài trăm xe, tương đương 1/10 quy mô trước đây để phục vụ nhu cầu đi lại của công nhân, người lao động làm việc trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn”, ông Sự cho biết.
Không chỉ doanh nghiệp vận tải mà nhiều doanh nghiệp sản xuất và người dân đánh bắt thủy hải sản cũng rơi vào tình cảnh khó khăn vì "cơn bão" giá xăng dầu.
Ông Dương Văn Lệ (xã Hoà Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, kể từ sau Tết nguyên đán đến nay, dù gia đình có 4 tàu cá, trong đó 2 tàu có công suất 1.300 CV, 2 tàu có công suất 450 CV nhưng cũng đành gác bãi nằm im, một phần vì thời tiết không thuận lợi, một phần vì giá xăng dầu liên tục tăng.
"Càng đi đánh bắt, càng thua lỗ cao nên tôi và nhiều gia đình khác không dám cho tàu ra khơi vào thời điểm này", ông Lệ nói.
Dẫn chứng về chuyến khai thác biển thua lỗ do giá xăng dầu, nhân công tăng cao, ông Lệ cho biết, tàu của ông Đào Đức Chuyên cùng 5 lao động đi 7 ngày về vừa bán hải sản được 19 triệu đồng. Nhưng riêng chi phí nhiên liệu đã là hơn 12 triệu đồng, tăng hơn 3 triệu đồng so với trước khi giá xăng dầu tăng. Tính ra chuyến đi biển đầu tiên trong năm mới đã lỗ gần 1 triệu đồng.
Cũng gặp khó khăn trong sản xuất do chịu tác động của giá nhiên liệu là nhà máy đường Sơn La. Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La cho biết, công ty có công suất ép 5.000 tấn mía/ngày, với diện tích vùng nguyên liệu là 8.000 ha rải rác trên địa bàn tỉnh Sơn La, Hòa Bình.
Để lượng mía về đều đặn mỗi ngày, đơn vị phải thuê hàng trăm nhân công thu hoạch và hàng chục chuyến xe vận chuyển nguyên liệu về nhà máy. Tuy nhiên, vào cao điểm của vụ ép, hàng loạt mặt hàng thiết yếu tăng giá, trong đó "nóng" nhất phải kể đến giá xăng dầu vốn đã cao “ngất ngưởng” vào cuối năm 2021 và liên tục tăng 3 lần từ đầu năm 2022, lên mức cao nhất 8 năm qua. Điều này kéo theo giá vận chuyển, logistisc tăng theo, khiến doanh nghiệp chịu nhiều áp lực về chi phí.
"Nếu như trước đây, để ép ra 1kg đường, chi phí về điện, nước, xăng dầu, logistics, nhân công, thị trường, phân bón chiếm 45%, nguyên liệu chiếm 38% thì nay tất cả các chi phí đã đẩy lên thêm 9-12% nữa, khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nguyên liệu, chí phí đầu vào tăng thì việc tăng giá đường thời gian tới là khó tránh khỏi”, ông Hiếu nói.
Doanh nghiệp "kêu cứu"
Để giúp doanh nghiệp bình ổn hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tích cực vào kiềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế, ông Trần Ngọc Hiếu kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần có giải pháp tổng thể để kiểm soát, giảm nhiệt giá xăng.
“Chỉ khi giá nhiên liệu giảm xuống, chi phí sản xuất giảm theo thì giá thành sản phẩm mới thấp, áp lực của doanh nghiệp mới được nới lỏng. Cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi chờ đợi chính sách giảm thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu vì đây là khoản thuế nặng nhất, khó kiểm soát nhất”, ông Hiếu mong muốn.
Cũng nêu kiến nghị về giảm giá xăng dầu để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân trong việc khai thác, đánh bắt thủy hải sản, ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa cho biết, hiện nay, tại cảng cá có khoảng hơn 200 tàu neo đậu. Sau Tết, trước thời điểm tăng giá xăng dầu, có khoảng gần một nửa số lượng tàu neo đậu ở cảng ra khơi khai thác (chủ yếu có hành trình đi từ 5-7 ngày) đã trở về cảng.
“Khi giá xăng dầu tăng, mỗi chuyến ra khơi mất thêm từ 20 triệu đến gần 70 triệu đồng (tuỳ công suất từng tàu). Số tiền bán hải sản đánh bắt được không đủ mua nhiên liệu…do đó nhiều tàu phải nằm bờ. Ngư dân rất mong Nhà nước có chính sách giảm giá xăng, đồng thời triển khai chính sách cho ngư dân vay vốn ưu đãi để tiếp tục hoạt động vươn khơi bám biển, đánh bắt thủy hải sản, duy trì cuộc sống”, ông Thăng nói.
Trên cơ sở giá xăng tăng, nhiều mặt hàng thiết yếu cũng đã tăng và đang tiếp tục nhấp nhổm tăng tiếp, nguy cơ tạo ra cuộc lạm phát giá.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, hiện 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá trong tháng 1 và đầu tháng 2/2022. Tính toán của Tổng cục Thống kê cho thấy, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: "Ngoài chính sách hỗ trợ của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như giảm 2% VAT, cho vay vốn để sản xuất, kinh doanh, cần phải xem xét thuế bảo vệ môi trường có thực sự cần thiết hay không. Đồng thời phải giảm một số thuế, phí để ổn định giá xăng dầu, tránh để giá xăng dầu làm ảnh hưởng đến giá cả của các mặt hàng thiết yếu nói riêng và cả nền kinh tế nói chung”, bà Lan kiến nghị.
PHẠM DUY